Người về mang tới ngày vui - Bài 2: Bác sống giữa lòng Dân
Tháng 5-1945, Tân Trào - mảnh đất thiêng của cách mạng chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại. Giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ sống giữa lòng dân cùng nhân dân chia sẻ những khó khăn, gian khổ. Không khí sôi sục của phong trào cách mạng đã trở thành ngọn lửa bùng lên mạnh mẽ, soi đường cho cả dân tộc.
> Bài 1: Tân Trào - Điểm hẹn lịch sử
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm
Bác Hồ đặt chân đến Tân Trào, đồng chí Song Hào và một số đồng chí cán bộ đón Bác trước đình Hồng Thái. Được ngắm nhìn Bác từ xa, dáng hình mảnh khảnh, gương mặt hiền từ, đồng chí Song Hào xúc động đến vô cùng: “Bác tới gần cặp mắt sáng đẹp tuyệt vời nhìn thẳng vào chúng tôi và cũng ngay từ giây phút ấy đã chiếm hết tâm hồn chúng tôi làm cho chúng tôi muốn cầm chặt lấy bàn tay của Người mà thốt lên tất cả những lời kính yêu thiết tha, tin tưởng không bờ, không bến”.
Những ngày đầu, Bác ở làng Tân Lập, nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh. Bà Lương Thị Khanh, vợ ông Nguyễn Tiến Sự kể lại rằng: “ngày đó, Bác sống giữa lòng dân, gần gũi, chan hòa cùng bà con. Từ người già, trẻ lớn bé ở trong làng đều yêu quý Bác. Bác luôn xuất hiện như một người dân bình thường, phong thái khoan thai, hiền từ. Mọi người thân thương gọi Người bằng những cái tên mộc mạc: “ông Ké áo chàm”, có khi là “ông cụ”, lúc lại là “đồng chí già”.

Ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự là nơi Bác Hồ ở và làm việc chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa.
Bác ở vài hôm trong xóm mà bà con đã vui vẻ kể với nhau về một đồng chí già yêu dân, yêu bộ đội: “Bác chăm chỉ khác thường, đêm làm việc tới khuya, sáng mờ đất đã quét nhà, tưới rau, lấy củi, đánh thức bộ đội dậy đi tập hoặc tăng gia giúp dân. Hôm nào đi thăm đồng về thấy ruộng cạn là vận động bà con đi tát ngay, cả Bác cũng đi”.
Bác có lối sống giản dị, khiêm nhường, tiết kiệm, thương yêu, sẻ chia khó khăn cùng với bà con. Trong thời gian ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Người ăn cơm chung với gia đình. Bác không hề đòi hỏi bất kỳ sự ưu đãi, đặc quyền nào cho riêng mình. Một lần ông Nguyễn Tiến Sự xuống sân nhử bắt được một con gà lên định thịt. Thấy vậy, Bác nhất định bắt thả gà ra. Bác bảo: Đừng bày vẽ làm gì, tôi có phải là khách đâu. Gia đình ăn thế nào thì tôi cũng ăn thế!... Ta dùng măng chấm muối vừng, lấy nước chè chan cơm, ăn như thế là ngon rồi”.
Người hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, chia sẻ từng hạt gạo, củ khoai. Sự khiêm nhường, ân cần trong từng lời nói, cử chỉ đã gieo vào lòng đồng bào niềm tin vào Đảng, cách mạng.
Lời Bác dạy giản dị, gần gũi
Những ngày ở Tân Trào, Bác Hồ luôn tạo một cảm xúc ấm áp, gần gũi đến từng người dân, từng cán bộ. Với giọng nói hiền từ, dễ hiểu, Bác ân cần chỉ bảo bà con từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày đến những nhiệm vụ thiêng liêng của cách mạng.
Người dành thời gian để nói chuyện về tình hình đất nước và nhiệm vụ cách mạng cho người dân. Ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào kể rằng: “Ngày đó từ cụ già tới trẻ nhỏ trong xóm, người nào cũng muốn đến gặp “ông Ké” để được nghe chuyện thế giới, trong nước và nghe những lời khuyên bảo về đấu tranh chống đế quốc, phát xít và chuyện tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bác vui vẻ, tận tâm kể từng câu chuyện rồi nhẹ nhàng đưa ra những lời khuyên khiến bà con ai nấy đều hào hứng lắng nghe, ai nấy yêu mến Bác vô cùng”.
Khi muốn tuyên truyền, vận động bà con, Người có cách nói chuyện thật khéo léo, tinh tế. Một hôm, Người hỏi ông Nguyễn Tiến Sự bao nhiêu tuổi. Ông Sự trả lời là 38 tuổi tuy chưa già nhưng đã yếu. Người liền nói: “Ông chủ nhiệm chưa già đâu, còn khỏe lắm. Tôi nhiều tuổi hơn ông nhưng tôi còn làm cách mạng, còn phải học... Ông chủ nhiệm này, càng già càng phải hăng hái tham gia mọi việc cách mạng, phải học tập văn hóa, học kinh nghiệm công tác, học ở mọi người, mọi lứa tuổi để làm việc tốt hơn, không khôn hết được đâu”.
Tháng ngày sống ở đây, Bác luôn mong mỏi bà con cố gắng học tập để tham gia vào công tác đoàn thể, tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi được vận động đi học chữ, bà Lương Thị Khanh, vợ của ông Nguyễn Tiến Sự, sợ không học được vì đã có tuổi. Người động viên, khuyên nhủ một cách thật giản đơn, dễ hiểu: “Học chữ dễ thôi. Đan dậu khó thế mà các chị còn đan được nữa là học… Phải học mới biết, không học thì biết sao được, là người cách mạng thì phải học”.
Lời khuyên nhẹ nhàng mà thấm thía khiến bà Khanh cảm phục. Từ đó bà càng có quyết tâm học chữ, không những thế bà còn trở thành một tuyên truyền viên, vận động được 20 chị em đi học tại nhà Cứu quốc.
Người là vậy, giản dị trong cả từng câu nói. Không dùng những lời lẽ cao siêu, khó hiểu mà luôn lựa chọn những ví dụ cụ thể, sinh động từ cuộc sống hằng ngày để truyền đạt những bài học sâu sắc về nhiệm vụ cách mạng. Một buổi, chị em phụ nữ thôn Tân Lập tập trung ở nhà ông Sự xay thóc, giã gạo chuẩn bị lương thực cho cán bộ, bộ đội. Người ân cần chuyện trò: Chị em có đồng bạc trắng thường giữ bằng cách nào để khỏi mất? Chị em vui vẻ trả lời là cho vào trong hòm hay cho vào bao vải rồi buộc vào lưng. Người tươi cười bảo: Các chị đều nói đúng cả, cất giấu bí mật cẩn thận như vậy thì đồng bạc trắng không sao mất đi đâu được. Bây giờ, cán bộ, bộ đội đến đông, chị em chúng ta phải giữ bí mật bảo vệ cán bộ, bộ đội như cất giấu đồng bạc trắng vậy. Muốn thế, ai hỏi gì cũng ba không: không biết, không thấy, không nghe.
Bằng sự chân thành, Bác Hồ đã biến những bài học cách mạng trở thành những lời khuyên gần gũi, dễ tiếp thu, khơi dậy tinh thần tự học và giác ngộ trong nhân dân. Để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5 năm 1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa. Bác đi đến đâu cũng được dân yêu, dân quý, từ trẻ đến già một lòng theo Bác.
Sự giản dị trong nếp sống, sự gần gũi chan hòa của Bác đã lan tỏa, thấm sâu vào trái tim mỗi người dân, mỗi cán bộ nơi đây. Chính tình cảm chân thành ấy đã tạo nên sức mạnh, củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Những ngày ở Tân Trào, Bác đã để trong lòng nhân dân một phong cách sống cao đẹp, một nhân cách vĩ đại. Ánh sáng ấy mãi rọi chiếu, dẫn lối cho mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay trên con đường phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách quan trọng. Đó là: triệu tập Hội nghị toàn quốc (13 - 15/8/1945), quyết định Tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Đại hội quốc dân (16 - 17/8/1945) tại Đình Tân Trào đã tán thành chủ trương khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, bầu Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu - đây là lần đầu tiên Bác xuất hiện với tên gọi này. Tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban đọc lời thề quyết tâm giành độc lập. Lời thề từ Tân Trào đã lan tỏa, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa trên cả nước, dẫn tới sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
(còn nữa)