Người viết báo 'ngoài biên chế' cần mẫn ngót ba thập niên
Tôi từng công tác với ông ngót mười năm ở cơ quan Huyện ủy. Ông đã nghỉ hưu, sống kín tiếng cùng gia đình. Khi còn công tác hay về với cuộc sống đời thường, tôi và nhiều người rất quý trọng ông bởi sự khiêm tốn, chân thành. Tôi muốn viết đôi nét về công việc 'tay trái' mà ông đam mê, cần mẫn, dành tặng ông để ghi nhớ về quá khứ tốt đẹp.
Hiện tôi đang công tác trong ngành văn hóa - thông tin. Cách đây gần ba chục năm ông cũng làm quản lý ngành văn hóa - thông tin huyện Hà Trung.
Ông nhận lời cung cấp tư liệu để tôi viết về công việc “người vác tù và 0 đồng” như lời ông nói. “Duyên cớ nào thôi thúc ông đam mê, nhiệt huyết với công việc viết báo đến vậy?”, tôi hỏi. Sau giây lát tìm về ký ức, ông nhớ lại: “Bố tôi làm trưởng bưu điện xã (khi tôi chưa đi làm nhà nước) nên hàng ngày được đọc khá nhiều loại báo trước khi tờ báo được chuyển đến tay bạn đọc. Những bài báo hay tôi tạm giữ lại đọc qua đêm, đọc đi đọc lại nhiều lần, chỗ nào tâm đắc ghi nhớ vào sổ tay nên có cơ hội hiểu biết, tích lũy kiến thức giúp ích về sau này”.
Vẫn mạch cảm xúc, ông tâm sự: “Ngành văn hóa giúp tôi “mon men” đến với công việc viết lách. Đi từ dễ tới khó. Lần đầu tiên, tôi viết tin ngắn: “Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn ở Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Hà Trung” đăng Báo Thanh Hóa tháng 7/1995. Sau tin đầu tiên, tâm lý tôi thoải mái vì được cơ quan báo sử dụng, là động cơ thôi thúc đam mê, nhiệt huyết với công việc “tay trái”. Từ đó viết tiếp cho tới bây giờ".
Lục ngăn tủ, ông lôi ra ba, bốn cặp chật cứng các tờ báo, tạp chí, tập san... mà ông cho là “tài sản tinh thần” quý giá của mình. Lật từng tờ, ông giới thiệu về những bài báo do tòa soạn báo gửi biếu tác giả có bài đăng, được lưu giữ khá cẩn thận và dán nhãn trên từng chiếc cặp. Lướt nhanh, tôi ngỡ ngàng về danh mục bài báo được thống kê theo thứ tự, thời gian, tên bài báo, tên tòa soạn... với trên 250 tin, bài, ảnh đăng trên Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa Thông tin, Tập san Thông tin Văn phòng Cấp ủy Thanh Hóa, Tập san Giáo dục Thanh Hóa...
Do khuôn khổ bài viết, xin nêu vài ví dụ như bài báo “Huyện Hà Trung bài trừ tệ nạn xã hội và văn hóa độc hại” (Tạp chí Văn hóa thông tin cơ sở, Cục VHTT cơ sở, Bộ VH-TT, 12/1996); “Ông chủ trang trại nông thôn mới” (Báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, 24/4/1997); “Bia đề thơ hai vị vua Lê trên núi Chiếu Bạch” (Báo Thanh Hóa, 28/12/1998); “Đảng bộ Hà Trung tạo thế ổn định vững bước vào năm 2000” (Báo Thanh Hóa, 20/1/2000); “Hiệu quả bước đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Hà Trung” (Báo Thanh Hóa, 31/01/2002); “Thành công từ tính kiên nhẫn” (Thông tin Văn phòng cấp ủy - VP Tỉnh ủy Thanh Hóa)...
Tôi tò mò hỏi ông: “Khi còn đang công tác, sinh hoạt cùng Đảng bộ cơ quan huyện ủy, thấy ông khá bận rộn với công việc hàng ngày, vậy thời gian nào để viết báo?". Ông chia sẻ: “Cũng đơn giản thôi, lúc nào rảnh, ngoài giờ làm việc cơ quan, những ngày nghỉ cuối tuần, hay những lúc cơ quan vắng khách đến giao dịch, khi sự đam mê thôi thúc, thì cầm bút viết, tranh thủ “phiêu” một chút cho đỡ căng thẳng mệt mỏi. Tối về nghiền ngẫm viết nốt chỗ còn dang dở, rồi rà đi soát lại đôi ba lần chỉnh sửa, thấy ổn thì gửi tòa soạn và chờ hồi âm"...
Ông nói: "Tôi thường viết tin, tin ảnh, bài phản ánh về chân dung người tốt việc tốt, mô hình mới... Để có tư liệu viết bài phải đi thực tế thu thập, xử lý thông tin hoặc có thể lấy tư liệu gián tiếp... Xác định đề tài, chủ đề, thể loại phù hợp, xây dựng đề cương. Bài phản ánh phải chân thực, chính xác, miêu tả, phân tích, bình luận công tâm, khách quan. Dung lượng ngôn từ ngắn gọn, đúng văn phong, minh bạch, dễ hiểu. Sự kiện, nhân vật phải có thật, địa chỉ cụ thể, không được hư cấu, cường điệu, “tô hồng”, “bôi đen”. Bài viết phải truyền tải được quan điểm chính trị, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng, dư luận, lan tỏa thông điệp tích cực đến với đời sống, xã hội, công chúng và Nhân dân”.
Cảm nhận khi đọc hai bài báo của ông, ông Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Trung nhận xét: “Cảm ơn anh Cương nhiều lắm! Hai bài viết có tính chuyên sâu, chuyên môn cao, người viết rất am hiểu thổ nhưỡng, phương pháp canh tác, tính độc đáo của sản phẩm, tập quán của quê hương..., giúp cho các sản phẩm lúa nếp Quý Hương (xã Hà Long) và lúa nếp hạt cau (xã Hà Lĩnh) không chỉ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công, mà còn trở thành các sản phẩm có uy tín chất lượng đối với người dùng và thị trường trong tỉnh, trong nước, góp phần xây dựng quê hương Hà Trung ngày càng nhiều sản phẩm OCOP, phát huy truyền thống trong sản xuất để trở nên một huyện giàu đẹp văn minh...” (Trích bài báo “Bến đỗ mới với nghề viết” của tác giả Lê Như Cương, đăng trên Báo điện tử Báo Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhật 20/6/2021).
“Những lời nhận xét chân tình, quý mến của Bí thư Huyện ủy dành cho đã động viên, tiếp sức để tôi tiếp tục viết những bài báo có chất lượng hơn, tốt hơn nữa, góp một phần nhỏ bé vào xây dựng nông thôn mới trên quê hương Hà Trung”, ông nói.
Ông là Lê Như Cương quê ở xã Hà Dương (nay là Yên Dương), từng công tác trong ngành văn hóa thông tin huyện Hà Trung 20 năm (có 10 năm làm trưởng phòng kiêm giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện), 15 năm làm Chánh Văn phòng Huyện ủy, gần 4 năm làm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị (nay là Trung tâm chính trị) huyện Hà Trung. Hiện ông thường trú tại tiểu khu 6, thị trấn Hà Trung, hội viên Câu lạc bộ hưu trí Đò Lèn.
Khép lại bài viết, mong ông luôn khỏe mạnh, tiếp tục sáng tạo ra những “đứa con tinh thần” cho đời.