Người Việt bị lừa trên mạng xã hội gần 16 tỷ USD trong năm 2023
Chiều 27/2, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt 'Phần mềm lắng nghe mạng xã hội' và ký 'Biên bản ghi nhớ phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực TT&TT'.
Quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả chuyển đổi số
Đến dự buổi ra mắt và chứng kiến việc ký biên bản ghi nhớ, có Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bạch Mai; Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng và Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Hồi; ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP; ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP; ông Dương Vũ Thông - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.
Việc tổ chức ra mắt “Phần mềm lắng nghe mạng xã hội” và ký biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện chủ đề năm 2024 của TP “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” nhằm phục vụ các cơ quan, đơn vị giám sát thông tinvà nắm bắt xu hướng trên các phần mềm mạng xã hội (MXH) nói riêng và không gian mạng nói chung, theo ảnh hưởng của các chính sách Nhà nước theo thời gian thực và các báo cáo gồm chỉ số, biểu đồ chỉ rõ các xu hướng và hành vi của người dân để đưa ra các quyết định phù hợp.
Theo Sở TT&TT, phần mềm được ra mắt là một ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực lắng nghe MXH. Phần mềm có tính năng nổi bật là thu thập dữ liệu một cách toàn diện, có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng MXH phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác. Phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để phân tích dữ liệu MXH một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý. Từ việc phát hiện xu hướng, diễn tiến thông tin đến nhận diện tâm trạng và cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực - trung lập và tiêu cực; cung cấp những phân tích sâu sắc cho từng vấn đề muốn thu thập và phân tích giúp người dùng hiểu rõ hơn về đối tượng, nội dung thông tin mà họ quan tâm.
Về tính năng trên, Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ phần mềm này thống kê các thông tin trên báo chí, MXH cho kết quả có 65% bình luận tích cực, 25% bình luận trung dung, 10% người dân bình luận tiêu cực.
Phần mềm giúp cơ quan Nhà nước quản lý, định hình dư luận
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng Thông tin điện tử và truyền thông Sở TT&TT, phần mềm cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu. Từ báo cáo tổng quan đến phân tích chi tiết, người dùng có thể tùy chỉnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng đơn vị khai thác, phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Cũng theo ông Hòa, phần mềm này được sử dụng nhằm thu thập, nắm bắt nhanh thông tin dư luận, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động; các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật khi triển khai trên thực tế; đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn… để từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn.
Ngoài ra, phần mềm còn quản lý dư luận, theo dõi dư luận và các nội dung xuyên tạc, phá hoại; phần mềm có thể giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội nhất là các nội dung, diễn biến thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá lợi dụng MXH và nền tảng internet để kích động, kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Sở TT&TT, Hiệp hội Doanh nghiệp TP và Đoàn Luật sư TP trong việc bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi những rủi ro trên mạng.
Dùng chung một nền tảng sẽ tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả
Trao đổi với phóng viên báo đài, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng cho biết, lãnh đạo TP rất mong muốn lắng nghe và hiểu được ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của người dân trong quá trình thực thi chính sách, đặc biệt khi ban hành và hoạch định các chính sách, chủ trương.
Với yêu cầu, đặc điểm của TP, thời gian qua Sở TT&TT cùng các đơn vị khác đã hình thành nhiều công cụ về mặt công nghệ thông tin, CĐS để giúp TP có thông tin từ người dân, doanh nghiệp để điều hành, chỉ đạo hoạt động.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm, tới đây TP sẽ sử dụng chung phần mềm và xem đây nền tảng này cho tất cả các sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP. Với nền tàng phần mềm này, chỉ một đơn vị đầu tư và bảo trì nhưng giúp toàn TP hưởng lợi và cùng sử dụng. Do đó sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí đầu tư của các đơn vị trên địa bàn TP.
“Nền tảng này giúp cho các cơ quan trên địa bàn TP giải quyết được 3 nhóm nhiệm vụ: tổng hợp và phân tích; đánh giá thông tin; dự báo xu hướng và xử lý trong thời gian tới. Đây là sản phẩm cụ thể khởi đầu cho năm chủ đề CĐS của TP năm 2024. Chúng ta mong muốn cụ thể hóa được yêu cầu của lãnh đạo TP là chính quyền TP sẽ hoạt động dựa trên nền tảng số, dựa trên dữ liệu và hoạt động trên thời gian thực. Tới đây, mỗi sở, ngành, địa phương sẽ được cấp một tài khoản và được tập huấn để sử dụng, khai thác phần mềm”, Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết.
Thời gian qua không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại ở Việt Nam có nhiều đột phá, trở thành nguồn lực mới cho phát triển đất nước; bên cạnh đó, không gian mạng cũng có nhiều nguy cơ, thách thức. Số liệu của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo công bố năm 2023 có gần 16 tỷ USD của người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng với tổng số 53 tỷ USD trên toàn cầu; tình trạng một số website, trang mạng xã hội cung cấp thông tin với hình thức hoạt động là trang chia sẻ bình luận, đánh giá về công ty trong nước nhưng “biến tướng” thành nơi nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân lẫn doanh nghiệp gây tác động tiêu cực đến lòng tin của khách hàng với doanh nghiệp.
Trong năm 2023, Sở TT&TT đã chấn chỉnh, xử lý 211 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, xử l phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp với tổng số tiền 557,5 triệu đồng; trong đó, phần lớn các trường hợp vi phạm có nguyên nhân là do chưa nắm rõ các định của pháp luật.