Người Việt chi hơn 7,6 tỷ USD nửa đầu năm để mua sắm trên các sàn TMĐT

Thương mại điện tử Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bất chấp số lượng nhà bán suy giảm. Dữ liệu từ nền tảng phân tích Metric cho thấy, sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok Shop đang định hình lại cục diện thị trường.

Mua sắm trực tuyến bùng nổ, nhưng số lượng nhà bán suy giảm

Theo “Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2025 & Dự báo quý III/2025” do Nền tảng dữ liệu Metric.vn phát hành mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2025, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tổng cộng 202.300 tỷ đồng để mua sắm trên 4 nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) bao gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop. Con số này tăng 41,52% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh sức tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn.

Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, sản lượng hàng hóa tiêu thụ cũng đạt gần 1.924 triệu sản phẩm, tăng 25,44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng nhà bán phát sinh doanh thu trong kỳ lại giảm còn 537.900, tương đương mức sụt giảm 6,25%.

Theo nhận định từ bà Nho Đinh – Giám đốc điều hành tại Metric.vn, sự sụt giảm này không đồng nghĩa với việc TMĐT kém hấp dẫn mà phản ánh quá trình thanh lọc tự nhiên của thị trường. "Số lượng nhà bán trên 4 sàn TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy áp lực cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt.

Theo kinh nghiệm của tôi khi tiếp xúc và trò chuyện với nhiều doanh nghiệp, thì những nhà bán không đủ năng lực vận hành, thiếu chiến lược về sản phẩm và giá sẽ khó trụ lại. Trong khi đó, các nhà bán hàng có quy mô lớn, vốn mạnh và hiểu dữ liệu lại tận dụng tốt hơn giai đoạn này để tăng trưởng”.

TikTok Shop tăng tốc, Shopee giữ vững vị thế dẫn đầu

Trong số 4 nền tảng được phân tích, TikTok Shop là cái tên nổi bật nhất khi đạt mức tăng trưởng doanh số ấn tượng, lên tới 69% so với cùng kỳ. Nền tảng này tiếp tục phát huy thế mạnh từ mô hình "shoppertainment" – kết hợp giải trí và mua sắm – để thu hút người dùng trẻ.

Shopee giữ vững vị thế số 1 về thị phần với mức tăng trưởng doanh số 16%, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng ở mọi phân khúc, mọi ngành hàng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ TikTok Shop đang gia tăng rõ rệt, đặc biệt ở nhóm sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn vặt,...

Ngược lại, cả Lazada và Tiki đều ghi nhận mức tăng trưởng âm và sụt giảm về thị phần, cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nền tảng TMĐT. “Cuộc đua trên TMĐT giờ đây không chỉ là về giá hay khuyến mãi, mà là cuộc chơi về công nghệ, dữ liệu và khả năng thu hút hệ sinh thái người bán – người mua – đối tác hậu cần”, anh Văn Sơn – một nhà bán thời trang nam trên đa sàn nhận định.

Hàng nhập khẩu mở rộng trên Shopee, giá trị đơn hàng tăng

Một xu hướng đáng chú ý trong giai đoạn này là sự tăng trưởng của hàng nhập khẩu giá rẻ trên Shopee. Cụ thể, nhóm sản phẩm này chiếm tới 6% tổng doanh số toàn sàn, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 6,61%. Trong khi đó, sản lượng bán ra gần như không thay đổi (+0,05%), cho thấy giá trị trung bình của mỗi đơn hàng đã tăng lên đáng kể.

Cụ thể, tổng cộng, hơn 164,6 triệu sản phẩm hàng nhập khẩu giá rẻ đã được tiêu thụ trên Shopee trong 6 tháng, với giá trị trung bình mỗi sản phẩm đạt khoảng 45.625 đồng. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn có xu hướng ưu tiên giá cả nhưng đang dịch chuyển dần sang các sản phẩm có chất lượng tốt hơn trong cùng phân khúc.

Làm đẹp giữ vững ngôi vương, thời trang trẻ em bất ngờ bứt tốc

Trong nhóm các ngành hàng, Làm đẹp tiếp tục dẫn đầu về doanh số với 35,762 tỷ đồng – khẳng định sức hút bền vững của các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm trong kênh online.

Tuy nhiên, ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất lại là Thời trang trẻ em, với mức tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Đây là một trong những danh mục có sự chuyển dịch mạnh về thói quen tiêu dùng hậu đại dịch, khi các bậc phụ huynh đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm cho con nhỏ. Văn phòng phẩm và đồ chơi là hai ngành hàng theo sau về tốc độ tăng trưởng.

Sản phẩm giá rẻ tiếp tục chiếm ưu thế

Xét theo phân khúc giá, nhóm sản phẩm có mức giá từ 100.000 – 200.000 đồng tiếp tục dẫn đầu về cả doanh số lẫn sản lượng. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn ưu tiên các sản phẩm có mức giá hợp lý, dễ tiếp cận trong bối cảnh chi tiêu cá nhân được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Sự phổ biến của phân khúc giá rẻ cũng cho thấy áp lực cạnh tranh giữa các nhà bán ngày càng lớn, đặc biệt là trong việc tối ưu chi phí sản xuất, logistics và quảng cáo để duy trì biên lợi nhuận.

Khuyến mãi mùa hè kích hoạt tăng trưởng TMĐT quý III

Theo dự báo của Metric.vn, quý III/2025, TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng với doanh số ước đạt 122.8 nghìn tỷ đồng và sản lượng khoảng 1,236 triệu sản phẩm, tăng lần lượt 21% và 27% so với quý II/2025.

Động lực chính đến từ các chương trình khuyến mại quy mô lớn diễn ra trong mùa hè, đặc biệt là các chiến dịch như “Mega Sale” và “Back to School” – vốn đã trở thành điểm nhấn thường niên trên các sàn TMĐT.

Tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý hơn là xu hướng tiêu dùng online tiếp tục được duy trì ở mức cao, không chỉ ở nhóm người trẻ mà lan rộng sang các nhóm độ tuổi trung niên – nơi hành vi mua sắm đang trở nên thường xuyên và có chủ đích hơn.

Hành vi tiêu dùng trong quý III cũng cho thấy sự dịch chuyển rõ nét về ưu tiên của người mua. Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe là các ngành hàng ghi nhận nhu cầu tăng mạnh – phản ánh sự chú trọng của người tiêu dùng vào các sản phẩm thiết yếu, gắn liền với sinh hoạt hàng ngày và tiêu chí chất lượng.

Nghĩa Thịnh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nguoi-viet-chi-hon-76-ty-usd-nua-dau-nam-de-mua-sam-tren-cac-san-tmdt.html