Người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng VinFuture nhắn nhủ gì tới các nhà khoa học trẻ?

GS. TS Võ Tòng Xuân, 'cha đẻ' của nhiều giống lúa ngon tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn các nhà khoa học đầu tư cho những nghiên cứu 'chạm' tới cuộc sống của người dân thay vì chỉ để trên giá sách.

GS. TS Võ Tòng Xuân giao lưu với các nhà khoa học trẻ.

GS. TS Võ Tòng Xuân giao lưu với các nhà khoa học trẻ.

Ở mùa giải thứ 3, lần đầu tiên Giải thưởng VinFuture gọi tên một nhà khoa học Việt Nam ở hạng mục Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Ông là GS. TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, chuyên hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

Nhớ lại hành trình dài với cây lúa Việt Nam, GS Xuân kể, ông làm việc ở Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế từ năm 1965 đến năm 1971. Thời gian này ông được nghiên cứu nhiều về công nghệ lúa và GS Gurrdev Singh Khush (người cùng được trao Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với GS Xuân ở VinFuture 2023) là người hướng dẫn ông.

"Khi ấy tôi mới vào nghề. Khi quay lại Việt Nam năm 1971, chiến tranh vẫn diễn ra, tôi tới trường Đại học Nam Cần Thơ và giảng dạy về nông nghiệp" - GS Xuân nói và cho biết giống lúa đầu ông mang về Việt Nam từ .Viện nghiên cứu lúa quốc tế là IR8, IR5.

GS. TS Võ Tòng Xuân được vinh danh bởi đã phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

GS. TS Võ Tòng Xuân được vinh danh bởi đã phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

Khi đó ở Việt Nam gặp khó khăn là có côn trùng gây hại, chỉ 3 ngày ăn sạch cây lúa. GS Khush đã đặt ra mục tiêu là bổ sung một loại gen có thể kháng sâu bệnh vào giống lúa năng suất cao. GS Xuân đã sàng lọc gen để cấy ghép vào giống lúa mới. Ông viết thư sang Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế để tìm ra giống lúa mới có thể kháng sâu bệnh. GS Khush đã thực hiện việc chọn lọc gen và tích hợp vào giống lúa mới. Kết quả có năm 1972, và tới 1973 có giống IR 26 khả năng kháng bệnh. Sau năm 1975, GS Xuân và các cộng sự tiếp tục có thêm các nghiên cứu cho giống lúa mới dù thời đó điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam nói chung và trường Đại học Cần Thơ nói riêng rất khó khăn.

GS Xuân nhớ lại ban đầu các sinh viên đã mang mỗi người 1 kg lúa đi trồng ở diện tích 1000m2 với mong muốn có thể nhân giống nhanh chóng. Trong 2 tháng sinh viên quay lại học, để lại ruộng cho người nông dân.

"Từ hai mùa vụ ban đầu chúng tôi đã tạo ra các giống lúa đầu tiên trao cho ng nông dân. Các giáo viên, sinh viên cùng nhau ra tận cánh đồng, làm việc, canh tác, hỗ trợ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long" - GS Xuân bồi hồi nhớ lại.

Là người đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long, GS Xuân luôn tích cực hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, ông đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. IR64 được phổ biến lần đầu tiên ở Philippines vào năm 1985, ngay sau đó là ở Bhutan, Burkina Faso, Campuchia, Trung Quốc, Ecuador, Gambia, Ấn Độ, Indonesia, Mauritania, Mozambique, Việt Nam và các vùng Sahelian của Tây Phi.

Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á, chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.

Xu hướng ở nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam, các nhà khoa học hay suy nghĩ về quá nhiều chủ điểm để nghiên cứu và cố gắng đưa các bài báo lên tạp chí quốc tế, công bố là xong, mà không có ứng dụng trong thực tế. Điều đó tốn kém về tiền của.
Các nhà khoa học hiện nay, khi ngân sách nghiên cứu hạn chế, nên tìm và xác định vấn đề thực tiễn, vấn đề xã hội ở những địa bàn, khu vực gần gũi với chuyên ngành của mình. Sau đó, cần thiết kế các giả thiết, thực hiện các thí nghiệm để thử nghiệm giả thiết đưa ra. Từ đó kết quả mới được ứng dụng bởi chính con người ta quan tâm. Thay vì chỉ làm nên 1 bài báo, chủ đề hay, nhưng kết quả xong rồi chỉ để trên giá sách hoặc kết quả không chạm tới cuộc sống người dân. Hy vọng các nhà khoa học trẻ theo định hướng đó. Trước hết các bạn hãy học tập, học hỏi thật xuất sắc đã. Học thật chứ không phải học giả.

GS. TS Võ Tòng Xuân.

Đến nay nước ta đã có thêm các giống mới chất lượng tốt hơn. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. GS Xuân bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng với sự công nhận từ Hội đồng Giải thưởng VinFuture với nghiên cứu của mình, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ trong việc đưa vào ứng dụng các giống gạo mới để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Nỗ lực này giúp đạt năng suất lúa cao hơn cũng như cải thiện sinh kế cho nông dân khu vực này.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-viet-dau-tien-nhan-giai-thuong-vinfuture-nhan-nhu-gi-toi-cac-nha-khoa-hoc-tre-10269615.html