Người Việt đổ tiền mua sắm online, số tài khoản bị lộ lọt do mã độc tăng vọt

Người Việt đổ tiền mua sắm online; Số tài khoản bị lộ lọt do nhiễm mã độc tăng vọt... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.

Người Việt đổ tiền mua sắm online

Trong 6 tháng đầu năm 2024, người dùng Việt đã chi tổng cộng 143.900 tỷ đồng để mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử.

Theo số liệu của công ty phân tích thị trường Metric, thương mại điện tử Việt Nam đang đà tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng so với 6 tháng đầu năm 2023.

Một nữ nhân viên chuyển phát đang phân loại đơn hàng. Ảnh: Trọng Đạt

Một nữ nhân viên chuyển phát đang phân loại đơn hàng. Ảnh: Trọng Đạt

Cụ thể, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54.91% và 65.55% so với cùng kỳ 2023.

Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online đang diễn ra mạnh mẽ.

Một xu hướng nổi bật là sự gia tăng thị phần của các Shop Mall ( gian hàng chính hãng). Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng ShopMall đã tăng trưởng 12.29% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa - đời sống vẫn dẫn đầu về doanh số và sản lượng trên cả 5 sàn thương mại điện tử.

Top 10 thương hiệu doanh số cao nhất thị trường thương mại điện tử chỉ chứng kiến sự xuất hiện duy nhất của một thương hiệu Việt Nam là Vinamilk; Thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt trên các nền tảng. Các thương hiệu nội địa cần chiến lược kinh doanh khéo léo hơn để tăng cường sức cạnh tranh trên sân nhà.

Số tài khoản người Việt bị lộ lọt do nhiễm mã độc tăng vọt

Tại chương trình tập huấn mô phỏng bảo vệ tương tác (KIPS) nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó và tăng cường công tác huấn luyện chống tấn công mạng, do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phối hợp với Kaspersky tổ chức, sáng ngày 25/7, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, cùng với sự gia tăng các cuộc tấn công vào các hệ thống thông tin quan trọng, lừa đảo trực tuyến, đánh cắp và lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân, đặc biệt là lộ lọt do thiết bị nhiễm mã độc đang diễn ra phổ biến, phức tạp ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam. Tình trạng mua bán dữ liệu diễn ra rất công khai, được tổ chức một cách có hệ thống với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp.

Một chuyên gia đang nghiên cứu "đề bài" trong chương trình tập huấn mô phỏng bảo vệ tương tác. Ảnh: Trọng Đạt

Một chuyên gia đang nghiên cứu "đề bài" trong chương trình tập huấn mô phỏng bảo vệ tương tác. Ảnh: Trọng Đạt

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống giám sát kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận hơn 90.000 điểm yếu lỗ hổng an toàn thông tin tại các cơ quan, tổ chức Việt Nam. Số sự cố nghiêm trọng mà đơn vị phải xử lý đã tăng gần 60% so với năm 2023.

Báo cáo của Kaspersky cho thấy, số tài khoản bị lộ lọt do nhiễm mã độc tại Việt Nam trong những năm gần đây gia tăng đột biến, năm 2023 gấp 31 lần so với năm 2020. Hệ thống của Công ty An ninh mạng Viettel cũng ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 46 vụ lộ lọt rao bán dữ liệu, 13 triệu bản ghi bị rao bán, hơn 12,3GB mã nguồn bị lộ lọt.

Trên thực tế, bất chấp những cảnh báo từ Cục An toàn thông tin và các cơ quan chức năng, cũng như của báo chí, truyền thông, số nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến vẫn có xu hướng gia tăng.

Tính đến tháng 6/2024, thông qua việc triển khai Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia, Cục An toàn thông tin đã ngăn chặn 3.170 website lừa đảo trực tuyến, bảo vệ gần 11 triệu người dân trước các website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Thực tế đó đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải chú trọng, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin từ phía người dùng hệ thống.

Hơn 2,3 tỷ giao dịch qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia

Trong gần 7 tháng đầu năm 2024, tổng giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP đã đạt 533 triệu. Con số này trong 2 năm 2020 và 2021 lần lượt là 11,5 triệu và 193,8 triệu giao dịch.

Với kho dữ liệu điện tử, Đà Nẵng cho phép người dân lưu trữ giấy tờ điện tử, kết quả thủ tục hành chính và được dùng lại ở các lần thực hiện dịch vụ công online tiếp theo. Ảnh minh họa: N.Quốc

Với kho dữ liệu điện tử, Đà Nẵng cho phép người dân lưu trữ giấy tờ điện tử, kết quả thủ tục hành chính và được dùng lại ở các lần thực hiện dịch vụ công online tiếp theo. Ảnh minh họa: N.Quốc

Trên quy mô toàn quốc, nhìn lại hơn 4 năm triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhận định: Cơ sở pháp lý về cơ sở dữ liệu đã có bước tiến vượt bậc.

Thực tế triển khai phát triển dữ liệu cho thấy, nếu trước năm 2020 chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp được đưa vào vận hành, thì đến nay các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm đã hoàn thành.

Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu khác cũng đang gấp rút hoàn thiện. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện và cung cấp dữ liệu rộng rãi phục vụ cải cách hành chính. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đã cập nhật được dữ liệu đất đai của 455/705 đơn vị cấp huyện và đang từng bước được lấp đầy.

Năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng NDXP là 11,5 triệu giao dịch và đã liên tục tăng thời gian qua. Tổng giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua NDXP từ đầu năm nay đến ngày 16/7 là 533 triệu, nâng tổng số giao dịch lũy kế đến giữa tháng 7/2024 lên đạt 2,3 tỷ.

Tuy vậy, trong báo cáo đánh giá chuyển đổi số nửa đầu năm 2024, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, một trong những tồn tại là hiện vẫn còn nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được hoàn thiện, chia sẻ dữ liệu rộng khắp cho các bộ, ngành, địa phương khai thác sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Sinh viên Việt Nam ‘thắng lớn’ tại cuộc thi kỹ năng an toàn thông tin ASEAN 2024

Diễn ra trong ngày 25/7 theo hình thức trực tuyến, cuộc thi được Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản tổ chức, với sự tham gia phối hợp của Cơ quan an ninh mạng quốc gia Thái Lan.

Tham gia đua tài cùng hơn 200 bạn trẻ yêu thích an toàn thông tin đến từ 9 nước ASEAN khác.

Kết quả chung cuộc, các sinh viên Việt Nam tham dự cuộc thi kỹ năng an toàn thông tin ASEAN 2024 đều đã đạt điểm số cao. Đặc biệt, trong top 10 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi, có tới 7 vị trí đầu tiên cùng là các sinh viên Việt Nam.

Top 10 cuộc thi kỹ năng an toàn thông tin ASEAN 2024 được Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN – Nhật Bản chủ trì tổ chức ngày 25/7. Ảnh: asean.firstseclounge.org

Top 10 cuộc thi kỹ năng an toàn thông tin ASEAN 2024 được Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN – Nhật Bản chủ trì tổ chức ngày 25/7. Ảnh: asean.firstseclounge.org

Trong đó, 2 vị trí dẫn đầu cuộc thi thuộc về 2 sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội là Nguyễn Hoàng Huy và Đinh Thái Sơn; 4 vị trí tiếp theo do các sinh viên Đại học FPT nắm giữ; vị trí thứ 7 thuộc về sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM. Các thí sinh có tên trong Top 10 của cuộc thi đều được Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản cấp chứng nhận.

Thành tích mà các sinh viên Việt Nam vừa đạt được trong cuộc thi kỹ năng an toàn thông tin ASEAN 2024 do Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản tổ chức, tiếp tục khẳng định chất lượng nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam nói chung và cuộc thi ‘Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN’ nói riêng.

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-viet-do-tien-mua-sam-online-so-tai-khoan-bi-lo-lot-do-ma-doc-tang-vot-2306310.html