Người Việt giữ nếp nhà Việt

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21 đã tác động đáng kể đến sự biến đổi xã hội trên nhiều phương diện, trong đó có gia đình. Nhưng không vì thế mà giá trị gia đình, nguồn cội vơi nhẹ trong tim mỗi người, bởi đây chính là mạch nguồn để hình thành nên văn hóa dân tộc.

Bảy người con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua).: GS.TS Nguyễn Lân Tuất, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, PGS.TS Nguyễn Lân Tráng, GS.TS Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Trung. ( Ảnh: Cường Nguyễn).

Bảy người con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua).: GS.TS Nguyễn Lân Tuất, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, PGS.TS Nguyễn Lân Tráng, GS.TS Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Trung. ( Ảnh: Cường Nguyễn).

Gia đình trong tim mỗi người

Tháng 8/2023, có một hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều thế hệ người Việt, đó là hội thảo về “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo nói trên, đến từ một dòng họ nổi tiếng hiếu học và có nhiều đóng góp những gương mặt tài danh cho đất nước, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng - con trai của cố GS.NGND Nguyễn Lân xúc động chia sẻ điều quan trọng nhất giúp 8 anh chị em của ông có được những thành công nhất định trong học tập và khoa học, đó là sự đoàn kết trong gia đình và sự gương mẫu của người đi trước. Theo ông Nguyễn Lân Dũng, trong suốt cuộc đời, dù trải qua những cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhưng ông chưa lúc nào thấy bố mẹ tỏ ra nặng lời với nhau mà luôn tìm cách bảo đảm sức khỏe và sự học hành của các con, các cháu. Tất cả những điều đó đã giúp gia đình GS.NGND Nguyễn Lân có được rất nhiều thành viên có học hàm, học vị cao trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Truyền thống hiếu học của gia đình còn lan tỏa sang thế hệ thứ ba. Đơn cử như gia đình GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, vợ chồng ông đã có 3 phó giáo sư, 4 tiến sĩ và nay thế hệ thứ ba đã có cháu đỗ vào Đại học Harvard, Mỹ… Cả gia đình, người đi trước dìu dắt người đi sau, cùng nhau xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.

Ở câu chuyện thứ hai mà người viết muốn kể ra đây nhân dịp Tết đến Xuân về, đó là câu chuyện về bức tranh “Ước mơ gia đình sum họp khi Tết về” của cô gái Nguyễn Thùy Chi, là Phó Giám đốc của “Chạm vào xanh” - doanh nghiệp xã hội được người khuyết tật sáng lập và điều hành.

Nếu ai quan tâm đến thông tin về cộng đồng những người bại não (CP - Cerebral Palsy) sẽ không thể không biết về Nguyễn Thùy Chi, cô gái sinh năm 1990 quê ở Lào Cai. Từ khi ra đời, với chứng bệnh bại não, tay chân Chi co cứng, không thể cử động theo ý muốn, nhưng Chi đã nghị lực bước qua bệnh tật của mình để bước vào ngưỡng cửa Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2010 và sau đó gánh vác trách nhiệm lãnh đạo của “cộng đồng CP”.

Chia sẻ về bức tranh “Ước mơ gia đình sum họp khi Tết về” được Chi vẽ bằng bàn tay co cứng và “tư thế sáng tác” nằm bò trên giường, giọng Chi như gợi lại một quá khứ buồn: “Em sinh ra ở Yên Bái với cơ thể từ lúc mới sinh đã như thế này. Có lẽ cũng vì thế mà khi em được 3 tuổi, bố mẹ em chia tay nhau, em cũng không có anh chị em nào. Sau khi bố mẹ chia tay, em lưu lạc ở nhà họ hàng ở Hòa Bình, năm 5 tuổi em được ông bà nội đón về Lào Cai”. Chi coi nghệ thuật và hội họa là người bạn thân, là chỗ dựa. “Em vẽ bức tranh này vào một dịp Tết sắp đến. Nhìn cảnh mọi người nô nức chuẩn bị đón Tết, em bỗng nhớ gia đình của mình. Nhớ thôi chứ em không chút oán trách bố mẹ đã bỏ gia đình, bỏ em vì lúc đó họ còn trẻ quá. Bản thân em cũng mơ ước một lúc nào đó em sẽ có một gia đình riêng của mình. Dù biết rằng điều đó là khó, nhưng nỡ nào lại cấm đoán một ước mơ...”, Thùy Chi tâm sự.

Tết này, Thùy Chi ấp ủ vẽ tiếp những bức tranh về gia đình đoàn viên, bởi theo Chi, hạnh phúc chưa bao giờ có khuôn mẫu, thước đo chung, mà chỉ cần mỗi người cảm thấy là đủ.

Đừng vơi nhẹ ý thức về nguồn cội

Người Việt giữ gìn nếp nhà Việt (Ảnh minh họa: Dragon Images).

Người Việt giữ gìn nếp nhà Việt (Ảnh minh họa: Dragon Images).

Giữa bầu không khí sôi động của các tin tức thời sự diễn ra hàng ngày, hàng giờ, sở dĩ hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ được dư luận xã hội quan tâm bởi bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến xã hội, đến từng nếp nhà, từng cá nhân và ở góc độ nào đó đang làm vơi nhẹ phần nào ý thức cội nguồn trong tim mỗi người.

Trải qua lịch sử nghìn năm, truyền thống “chim có tổ, người có tông” chính là điểm nhấn quan trọng trong nền văn hiến Việt Nam. Văn hóa gia đình, dòng họ đã hun đúc lên tinh thần, khí phách, bản lĩnh và thấm sâu vào từng đường gân, thớ thịt của con người Việt Nam. Đây cũng chính là mạch nguồn để hình thành nên văn hóa dân tộc. Việc hàng năm các dòng họ đều tổ chức ngày Giỗ Tổ của mình và cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, con cháu khắp nơi về Giỗ Tổ Hùng Vương và Nhà nước quyết định cho cán bộ, viên chức, người lao động được nghỉ một ngày để làm Giỗ Tổ mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta đều có chung huyết thống, có chung cội nguồn là vậy.

 Thùy Chi gửi gắm ước mơ của mình vào bức tranh. (Ảnh: PV).

Thùy Chi gửi gắm ước mơ của mình vào bức tranh. (Ảnh: PV).

Điều này đã một lần nữa được Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tại hội thảo: “Phát huy giá trị văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, văn hóa giáo dục để gắn kết hơn nữa giữa giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội. Bởi đây là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi kết nối, lưu giữ, trao truyền, tạo dựng các hệ giá trị văn hóa của dân tộc…”.

Xuân Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-viet-giu-nep-nha-viet-post503264.html