Người Việt lan tỏa tinh thần 'tương thân tương ái', lối sống đẹp trong đại dịch
Cho ý kiến tại buổi họp tổ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, chúng ta đã phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc đã được phát huy, lan tỏa như tinh thần tương thân tương ái, lối sống đẹp trong đại dịch.
Cần tính sớm và chủ động về nguồn cung vaccine
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.
Nêu ý kiến tại tổ, ĐBQH Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đang xây dựng để trình Chính phủ kế hoạch mua vaccine trong năm 2022 cộng với vaccine sản xuất trong nước.
Theo ĐBQH Bùi Thanh Sơn, chúng ta cần tính sớm và chủ động về nguồn cung vaccine bởi thời gian tới sẽ tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, hiện nhiều nước đang tiêm tăng cường mũi thứ 3.
Cũng liên quan đến vaccine phòng COVID-19, ĐBQH Hoàng Công Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện tiêm vaccine là miễn phí, tuy nhiên nguồn lực không phải là vô hạn, nhất là trong bối cảch dịch bệnh được đánh giá sẽ còn kéo dài. Đại biểu Hoàng Công Anh cho rằng, cần đặt vấn đề về nguồn lực kinh phí trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, đến sự chỉ đạo điều hành của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Quan trọng là chúng ta đã phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc đã được phát huy, lan tỏa như tinh thần tương thân tương ái, lối sống đẹp.
ĐBQH Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc, chúng ta đã kịp thời tổng kết, điều chỉnh phương án phòng, chống dịch bệnh từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Ví dụ như trước đây chúng ta áp dụng "5K" nhưng giờ là "5K + công nghệ + vaccine" và thêm ý thức người dân, trong đó vaccine và thuốc vẫn là giải pháp trọng tâm. Từ đó đã giúp chúng ta bước đầu mở cửa lại nền kinh tế với 2 nhóm nhiệm vụ trụ cột là tài khóa chính sách, và sản xuất, dịch vụ, du lịch.
ĐBQH Nguyễn Văn Hùng.
Bên cạnh đó, ông Hùng bày tỏ lo lắng về việc khi dịch bệnh qua đi nhưng hệ lụy, hệ quả về tâm lý xã hội sẽ tác động lâu dài nên cần phải cảnh báo đưa ra dự báo để có giải pháp kịp thời, phù hợp.
Giải pháp nhằm tạo việc làm cho người dân ngay tại địa phương
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo ông Nguyễn Văn Hùng, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội rất chi tiết. Theo ông Hùng, qua dịch bệnh đã đặt ra bài toán về phát triển hài hòa giữa đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Vị đại biểu này cũng đặt ra vấn đề, nếu đô thị hóa tốt thì khi dịch bệnh sẽ giảm nhiều vấn đề, giúp không bị "dồn toa" vào khu công nghiệp. Khu công nghiệp chủ yếu là nhà máy, nếu đô thị hóa sẽ giãn ra được phát triển không gian, ngành kinh tế phát triển, nói cách khác phát triển như vậy sẽ bền vững và tác động lại đến công nghiệp.
Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, ĐBQH Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, để phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế hiệu quả trong năm 2022, chúng ta cần chuẩn bị giải pháp quyết liệt hơn.
Theo đại biểu Minh, ở Việt Nam, nhiều công trình hạ tầng lớn có sẵn nhu cầu đầu tư có thể triển khai được ngay như cao tốc, sân bay, cảng biển… nhằm tạo việc làm, cơ sở hạ tầng cho quốc gia khi COVID-19 dần kiểm soát.
Trước vấn đề nhiều lao động di tản khi dịch bệnh bùng phát, ông Minh nhấn mạnh việc Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo xây nhà cho người thu nhập thấp, đây là giải pháp rất đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lê Bảo - Hoàng Dương