Người Việt ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt
Thời gian qua, những sản phẩm 'Made in Vietnam' có chỗ đứng ngày càng vững chắc với thị phần ổn định trên thị trường nội địa. Gia tăng sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, người tiêu dùng Việt đã chuyển từ 'ưu tiên' sang 'tự hào' bởi chất lượng, mẫu mã hàng Việt ngày càng được cải tiến và nâng cao.
Dây chuyền sản xuất khẩu trang tại Công ty TNHH một thành viên 76 (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang
Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong nhiều sản phẩm phòng dịch, khẩu trang chống giọt bắn bằng vải kháng khuẩn sản xuất trong nước là lựa chọn tối ưu của nhiều người dân. Anh Nguyễn Quang Linh (ở ngõ 70 Ngô Gia Tự, quận Long Biên) chia sẻ: “Gia đình tôi hoàn toàn yên tâm khi sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn của các công ty trong nước sản xuất. Không chỉ dễ chịu khi sử dụng, góp phần phòng dịch tốt mà giá bán rất hợp lý”.
Chuẩn bị bước vào năm học, chị Vương Phương Mai (ở ngõ 205 Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) luôn lựa chọn các sản phẩm hàng Việt Nam cho các con sử dụng. “Đồng phục và giấy vở Hồng Hà, bút mực và thước kẻ Thiên Long, cặp sách Ladoda, giày dép Biti’s… là những đồ dùng đã cùng con tôi đến trường nhiều năm qua”, chị Mai cho biết.
Thời gian qua, ngày càng có nhiều người Việt Nam tin dùng hàng Việt. Nhóm sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt với các thương hiệu nổi bật như: Vinamilk, dệt may Vinatex, Việt Tiến, VinaCafe, giày dép Biti’s… ngày càng “được lòng” các “thượng đế” Việt và có chỗ đứng ổn định trên thị trường.
Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy, có 67% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; 52% người được hỏi luôn khuyên người thân, bạn bè sử dụng hàng Việt Nam; 36% người tiêu dùng chuyển từ mua hàng nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước. Còn nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau dịch Covid-19 có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Một minh chứng rõ hơn là hàng hóa trong nước đang hiện diện và tiêu thụ ngày càng nhiều tại các hệ thống phân phối. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng 90% tại các siêu thị Co.opmart, Vinmart, Intimex, Hapromart; 80% tại siêu thị AEON; 96% tại siêu thị Big C… Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Khi hàng Việt lấp đầy các kênh phân phối mà mức bán lẻ tăng cao đồng nghĩa với hàng Việt được tiêu thụ mạnh. Thống kê cho thấy 7 tháng năm 2020, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa "Made in Vietnam" tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, người Việt Nam đã sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Trong đó, nhiều người sử dụng hàng Việt với sự tự hào, tự tôn, đồng thời đây cũng là cách thiết thực góp phần ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Dẫu còn nhiều việc phải làm nhưng nỗ lực của các doanh nghiệp Việt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước bước đầu đã cho những “trái ngọt”. Đó cũng là kết quả của quá trình cơ quan chức năng cùng các nhà phân phối bền bỉ đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt.
Nhìn nhận hiệu quả tích cực từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trước đây người Việt “ưu tiên” dùng hàng Việt thì hiện nay ngày càng nhiều người Việt “tự hào” và tin dùng hàng Việt. Do đó, cuộc vận động này cần được thay đổi để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội rất đáng giá này để chiếm lĩnh thị trường. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường khâu chế biến, đa dạng sản phẩm, cải thiện mẫu mã gắn với xây dựng thương hiệu, đồng thời chuyển đổi số hóa để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân và sức cầu đang tăng cao. Cùng với đó là thay đổi và chủ động trong cách tiếp cận người tiêu dùng theo hướng “Hàng Việt Nam ưu tiên chinh phục người Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.