Người Việt ở Lào ai cũng biết Bác Hồ, cả những cháu thiếu nhi
Thế hệ thứ 3-4 người Việt ở Lào biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những câu chuyện ông bà. cha mẹ kể lại.
Sinh thời Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt và có lẽ chính những tình cảm ân tình của người Việt xa xứ đã tiếp thêm sức mạnh cho Bác trên chặng đường buôn ba tìm đường cứu nước. Hướng về Bác Hồ cũng là cách mà kiều bào khắp năm châu hướng về Tổ quốc, nhất là đối với kiều bào trẻ ở Lào là thế hệ thứ 3, thứ 4 với mong muốn được tìm hiểu, duy trì bản sắc, văn hóa dân tộc Việt ở nước ngoài.
"Thế hệ trẻ kiều bào ở Lào là lớp thế hệ thứ 3, thứ 4 được sinh ra và lớn lên ở quê hương thứ 2. Mặc dù các em ít nhiều được biết về quê hương đất nước, về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những câu chuyện của ông bà, cha mẹ kể lại, nhưng nhiều em trong số đó luôn tự hào về gốc gác, cội nguồn của mình. Đặc biệt, luôn dành sự tôn kính cho Chủ tịch Hồ Chí Minh để hai tiếng Việt Nam sẽ chắp cánh cho các em trở về tìm hiểu, khám phá, cống hiến trong một ngày không xa".
"Người Việt ở Lào ai cũng biết về Bác Hồ, em học được đức tính từ Bác là chăm chỉ và thật thà.”
“Em biết Bác Hồ qua lời kể của ông bà, bố mẹ. Ngoài học tại trường, em còn lên mạng tìm hiểu về Bác. Người Việt tại Lào rất ngưỡng mộ và yêu quý Bác vì lòng yêu nước, thương dân của Bác”
“Em rất khâm phục Bác vì Bác đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thoát khỏi cuộc sống nô lệ, dẫn dắt đồng bào vượt qua chiến tranh".
Đó là cảm nhận của các em thiếu niên, nhi đồng người Việt ở Lào khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.
Không nói sõi tiếng Việt, nhưng Somsanit, 18 tuổi lại rất đam mê tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Mặc dù sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Triệu Voi, nhưng đối với Somsanit vẫn một lòng hướng về Bác với niềm yêu thương và tôn kính.Somsanit chia sẻ: hàng năm vào ngày sinh của Bác, em thường được ông bà, cha mẹ đưa đến khu tưởng niệm – nơi có bàn thờ Bác Hồ, trước là để thắp nén hương thơm, ôn lại những kỹ niệm về Bác Hồ kính yêu, sau là để lắng nghe những câu chuyện kể về công lao, đức tính giản dị, hiền hòa, yêu thương đồng bào của Bác.
“Người Việt tại Lào rất là yêu quý Bác Hồ, từ bé tới lớn em đã được bố mẹ kể rất nhiều câu chuyện về Bác như câu chuyện về Bác đi Nga và Trung Quốc. Bác là một người rất giỏi vì Bác biết rất nhiều thứ tiếng. Em muốn học thật giỏi để sau này trở về Việt Nam xây dựng quê hương đất nước"- Em Somsanit cho biết.
Hàng năm cứ đến ngày sinh nhật Bác, bà con người Việt sinh sống tại Lào lại cùng nhau tụ họp, tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ, ôn lại thời kỳ gian lao nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, Hội người Việt Nam còn phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về Bác như: phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi đua tìm hiểu về Bác, về quê hương đất nước…nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ, không chỉ giữ vẹn nguyên nét đẹp văn hóa dân tộc trong trái tim người Việt ở xa quê hương mà còn lan tỏa rộng hơn để nhiều người biết đến.
Em Mina Saynhavong, 18 tuổi, học sinh Trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du chia sẻ: sinh ra và lớn lên ở Lào, từ nhỏ khi bập bẹ nói được hai từ “ba, mẹ” cũng là lúc phát âm được hai tiếng “Bác Hồ”.
“Bác là một vị anh hùng vĩ đại, Bác đã hy sinh cho đất nước, hy sinh cho Tổ quốc. Ước mơ của em sau này được trở thành một bác sỹ để có thể chữa bệnh cứu người, giống như Bác có tấm lòng vĩ đại bao la"- Em Mina Saynhavong cho biết.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Hội người Việt Nam thủ đô Viêng chăn, ngôi trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du đã được xây dựng và đi vào sử dụng từ năm 2008. Đây chính là nơi học tập, rèn luyện của biết bao thế hệ học sinh là con em kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Lào. Trong những ngày tháng 5 rộn rã đầy ý nghĩa này, nhà trường lại náo nức tổ chức các hoạt động kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), nhằm giúp các em học sinh khơi dậy tinh thần yêu nước cũng như lòng tự hào, tự tôn dân tộc đối với thế hệ trẻ kiều bào.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trường nhà trường cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa nhân dịp Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Các thầy, cô giáo sau khi giảng bài đều cho các em học sinh xuống thư viện đọc, tìm hiểu thêm về Bác Hồ để các em biết thêm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam và hướng cho các em học những tính cách, đạo đức, tấm gương giản dị của Bác".
Mặc dù có ít cơ hội được tiếp xúc hay tìm hiểu về Bác Hồ so với các bạn ở trong nước, nhưng hình ảnh về Bác đã sâu thẳm trong tâm can, tiềm thức của các bạn kiều bào trẻ ở Lào qua những lời cha mẹ kể, qua những bài hát từ thủa ấu thơ. Chắc chắn rằng, thanh niên, sinh viên kiều bào trẻ Lào sẽ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là những sứ giả quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới nói chung cũng như là cầu nối cho tình hữu nghị và quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào nói riêng, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một phát triển, giàu đẹp và hùng cường./.)