Người Việt ở Texas hậu bão tuyết: 'Ai cần thì tôi giúp'
Cộng đồng người Việt tại bang Texas, Mỹ, góp công sức và thời gian để hỗ trợ nhau vượt qua hậu quả mà cơn bão tuyết lịch sử gây ra.
Đến gần nửa đêm mới kết thúc một ngày tất bật, chị Trần Yến Nhi, sống ở thành phố Houston, chia sẻ với Zing về cuộc sống bận rộn những ngày qua để hỗ trợ cộng đồng người Việt.
Vào những ngày bình thường, công việc nấu ăn giúp chị kiếm thêm thu nhập nuôi con nhỏ. Tuần qua, số phần ăn tăng lên nhiều hơn, khi chị Nhi quyết định hỗ trợ thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng vì cơn bão tuyết Uri quét qua Texas.
Ưu tiên gia đình có người già và trẻ nhỏ
Trong những ngày đầu sau khi bão quét qua, toàn bang Texas mất điện. Nhiều hộ gia đình không có nước sử dụng. Với những gia đình đông người, phải chăm sóc người già và trẻ nhỏ, họ không thể đi chợ mua đồ nấu ăn. Do đó, “ai cần thì tôi giúp", chị Yến Nhi nói với Zing.
Vì cơn bão mới qua đi nên nhu yếu phẩm ở Texas hiện không đủ cung cấp. Ngoài chợ, thực phẩm khan hiếm. Người dân bị hạn chế mua nước, sữa, và thịt trứng. Thậm chí, ở nhiều cửa hàng, nguyên liệu và đồ ăn đã hết sạch. Rau củ cũng chỉ còn ít.
“Đa số chợ của người Việt thì còn có đồ để bán cho mọi người", chị Nhi cho hay.
Chị Yến Nhi có ý định nấu ăn cho mọi người từ mấy ngày trước, nhưng do mất điện nên không thể làm sớm hơn.
Một người gốc Việt khác, chị Phạm Nguyễn Quỳnh Trang, 33 tuổi ở thành phố Houston, vừa trả lời Zing vào trưa 19/2 (giờ địa phương), vừa bận rộn điều phối công tác thiện nguyện hỗ trợ người Việt ở Texas.
Nhóm của chị Trang có 30 người, đều là nhân viên trong công ty marketing do chị đứng đầu.
Mọi người trong nhóm vừa là người quyên góp, vừa chịu trách nhiệm điều phối giữa những nhà hảo tâm, các nhà hàng và bà con người Việt có nhu cầu nhận đồ ăn hỗ trợ.
Chị Trang cho biết chị và nhóm thiện nguyện mới có ý tưởng về hoạt động này vào ngày 17/2, xuất phát từ nhu cầu ăn uống của mỗi người trong nhóm.
“Mọi người bị mất nước nhiều nên bà con gặp khó khăn trong việc nấu nướng. Nếu có nước lại thì nó cũng không sạch”, chị chia sẻ.
Nhóm của chị Trang ưu tiên đồ ăn cho các gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi. “Đối với các nhà như vậy, thực sự mình muốn cho thêm, nhưng cũng phải cân đối với những người sau”, chị chia sẻ.
Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng
Để chuẩn bị đồ ăn cho mọi người, buổi sáng, chị Yến Nhi thức dậy từ sớm, đi mua đồ ở những khu chợ còn mở cửa.
Ban đầu, chỉ một mình chị Nhi tự gánh vác việc hỗ trợ cộng đồng. Sau này, một vài người bạn của chị mong muốn tham gia. Có những người không thể đến nấu cùng, họ gửi đồ qua để chị chuyển lại cho những người cần.
Sau khi đồ ăn được nấu xong, chị Nhi đăng lên các hội nhóm của người Việt ở Houston. Mọi người ai cần thì sẽ liên lạc với chị qua Facebook cá nhân của chị hoặc qua số điện thoại.
“Houston không phải vùng nghèo khổ gì, nhưng hiện tại mọi người gặp trở ngại thì hỗ trợ lẫn nhau", chị Yến Nhi nói.
Chị Nhi và những người bạn của mình gửi tặng mọi người sữa, đồ ăn, và nước. Với đồ ăn, mỗi gia đình nhận 2 phần ăn, và đủ cho 4 người dùng.
Với chị Trang, ban đầu chị chỉ định quyên góp để giúp đỡ bà con và chuẩn bị 50 phần ăn/ngày để phát miễn phí. Sau đó, các nhân viên trong công ty muốn đóng góp thêm nên số phần ăn lên.
“Lúc mới đăng lên ngày 18/2, bạn bè của mình và mọi người biết được nên lại muốn quyên góp nữa. Vì thế nên số suất ăn tiếp tục tăng. Nhu cầu của mọi người rất cao. Từ đó đến nay nhóm mình chưa nghỉ, túc trực 24/7 để trả lời bà con”, chị nói thêm.
Trong hai ngày 18/2 và 19/2, nhóm của chị Trang phát tổng cộng 370 phần phở, 20 phần cơm, 50 phần trà sữa, 100 phần rau má để hỗ trợ cho bà con người Việt gặp khó khăn và có nhu cầu.
“Tổng số tiền chi ra lần này ít nhất là 4.000 USD”, chị Trang chia sẻ.
“Các bên quyên góp cho nhóm mình bao gồm hai công ty của người Việt, còn lại là các đồng bào muốn hỗ trợ bà con. Những cá nhân này gửi tiền cho nhóm mình đều xin được giấu tên, chỉ muốn làm thiện nguyện trong thầm lặng. Cũng nhờ có họ nên nhóm mình mới thực hiện được công việc ý nghĩa này cho bà con”, chị Trang nói.
Ngoài công tác thiện nguyện, chị Trang và các thành viên khác trong nhóm cũng phải đối mặt với khó khăn như những người dân khác ở Texas: mất điện, mất nước, và phải đi “ngủ lang”.
“Nhà nào có điện, có nước là mình và các bạn đến ở nhờ, để có Internet mà làm việc, còn giúp đỡ được bà con”, chị kể.
“Bà con đến nhận đồ ăn rất dễ thương. Có người kể nhà họ tối ngủ lạnh, không có đồ ăn đồ uống, họ cảm ơn mà mình nghe muốn khóc luôn: ‘cô cảm ơn con’, ‘chú cảm ơn con’. Những lúc này mới thấy đồng hương người Việt mình thương nhau lắm”, chị Trang xúc động kể lại.
Khi Zing liên lạc với chị Nhi, chị thỉnh thoảng phải tạm dừng cuộc trò chuyện vì các cuộc gọi tới từ những người cần tiếp tế thực phẩm. Chị tâm sự nhìn thấy sự phấn khởi của những người được giúp đỡ chính là động lực để nhóm của chị tiếp tục công việc đang làm.
Tự ứng vật liệu hỗ trợ cộng đồng
Anh Dương Minh Hoàng làm thợ sửa chữa ở Mỹ gần 5 năm. Anh tự lập một công ty chuyên xây dựng, lắp ráp, và sửa chữa các thiết bị trong gia đình.
Cũng như phần lớn người dân Houston những ngày bão đổ bộ, anh không có điện, Internet và sóng điện thoại để liên lạc với mọi người. Anh cũng không biết chuyện gì đang xảy ra với những nhà khác ở khu vực lân cận.
Ngày 17/2, khi bão tuyết dần tan và điện bắt đầu quay trở lại với các hộ gia đình, anh Hoàng liên tục nhận được cuộc gọi từ người dân nhờ sửa chữa đồ đạc.
Ở Mỹ, nếu bể đường ống nước thì khả năng rất cao ngôi nhà đó sẽ bị sập trần, theo anh Hoàng.
Thông thường, nếu sửa ống nước, anh Hoàng sẽ đảm nhận cả phần xây đắp trần. Tuy nhiên, vì số lượng nhà cần sửa ống nước sau bão tuyết quá nhiều, nên anh chỉ kịp lắp lại đường ống trước, còn tường nhà phải để sau.
Ngoài ra, vì quá nhiều nhà bị hỏng ống nước, dẫn đến "cháy" nguồn cung về nguyên vật liệu sửa chữa và thay thế. “Tôi muốn sửa cũng không đủ đồ. Thiết bị đang hiếm ở Houston”, anh Hoàng nói.
Do vậy, anh Hoàng quyết định dùng số vật liệu trữ sẵn cho các hợp đồng đã đặt trước, để ưu tiên sửa chữa cho các gia đình.
Anh Hoàng cho biết thêm rằng phần lớn người Mỹ đều mua bảo hiểm, để khi nhà bị hỏng ở đâu thì có thể nhận được khoản bồi thường. Theo Reuters, Karen Clark & Co - công ty bảo hiểm trụ sở ở Boston (Massachusetts) - ước tính tổng số tiền bồi hoàn cho tất cả thiệt hại sau trận bão tuyết ở Texas có thể đến 18 tỷ USD.
Những ngày qua, hôm nào anh Hoàng cũng dậy đi làm từ sớm và gần khuya mới kết thúc công việc. Dù làm thêm giờ và phải di chuyển nhiều trong điều kiện khó khăn hơn bình thường, anh khẳng định không tăng giá.
"Người Việt sống ở Houston rất đông, và số lượng gia đình có thiết bị hỏng rất lớn. Tôi chỉ mong mọi người có nước dùng sớm nhất có thể", anh nói với Zing.