Người Việt ở Thái 'chưa từng thấy Covid-19 đến gần như vậy'
Làn sóng Covid-19 thứ ba ở Thái Lan bùng phát ngay trước lễ hội năm mới Songkran, khiến nhiều người Việt ở đây lo sợ, phải hủy bỏ kế hoạch cá nhân.
Từ vài ngày trước, anh Phạm Phú Thịnh, 27 tuổi ở Bangkok, bắt đầu phải chuyển về làm việc ở nhà, trong khi cả Thái Lan đang phải đối mặt với làn sóng thứ ba đúng dịp lễ năm mới Songkran.
“Tôi rất lo lắng vì chưa bao giờ cảm thấy dịch bệnh lại đến gần như vậy, trong chung cư tôi ở đã có người nhiễm”, anh Thịnh nói với Zing.
Theo AFP, Bangkok đang vật lộn với tình trạng số trường hợp Covid-19 tăng mạnh. Đây được coi là tâm dịch của làn sóng thứ ba ở Thái Lan, với hơn 1.000 ca bệnh được ghi nhận trong tháng này.
Khoảng 40 tỉnh đã áp đặt quy định kiểm dịch hoặc hạn chế cho người từ Bangkok, hoặc từ các điểm nóng Covid-19 khác, trở về trong kỳ nghỉ lễ năm mới.
“Phòng thân” trước làn sóng thứ ba
Tại công ty anh Thịnh, đa số đồng nghiệp của anh đều khá lo lắng và hoang mang vì độ lây lan nhanh của Covid-19 trong lần bùng phát dịch này.
“Rất nhiều người tìm đến các gói bảo hiểm Covid-19 để đề phòng tình huống xấu nhất”, anh cho biết.
Để phòng ngừa dịch bệnh, công ty anh Thịnh áp dụng nhiều biện pháp như khử khuẩn, xịt khử trùng những khu vực chung và tất cả thang máy. Chốt kiểm tra nhiệt độ cũng được lập nên ở các lối vào tòa nhà.
Yêu cầu giãn cách xã hội được áp dụng. Các thiết bị như bàn ghế, tay cầm đều được vệ sinh thường xuyên.
Vì dịch bệnh đã kéo dài hơn một năm nên anh Thịnh cũng “dần thích nghi”, không còn lạ lẫm với các biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Riêng trong đợt bùng phát này, anh tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hơn 1 m khi giao tiếp với người khác.
“Tôi cũng hạn chế tuyệt đối việc đi ra ngoài, đến những nơi đông người như trung tâm thương mại, nhà hàng. Ngoài ra tôi cũng tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, đi ngủ sớm để nâng cao sức đề kháng”, anh chia sẻ.
Cũng sinh sống tại Bangkok nhưng công ty của Lê Thảo Vy, 25 tuổi, chưa áp dụng chế độ làm việc tại nhà.
“Mình vẫn đi làm bình thường, nhưng trong giờ làm việc phải đeo khẩu trang 24/24. Nhiều đồng nghiệp cũng mang cơm theo ăn trưa để đỡ phải ra quán”, Vy nói với Zing.
“Mình cũng thấy sợ vì trong đợt này Thái Lan phát hiện chủng Covid-19 mới bắt nguồn từ Anh, trong khi nhiều người dân ở đây vẫn chưa có ý thức, không đeo khẩu trang khi ra ngoài và đôi lúc vẫn tụ tập đông người”, Vy chia sẻ.
Các trung tâm thương mại chỉ kiểm tra ở cửa ra vào, còn sau đó, khi vào bên trong, “ai muốn đeo thì đeo, còn không đeo khẩu trang cũng được”.
Vì vậy, cô gái Việt 25 tuổi cho biết luôn hạn chế ra đường nếu không cần thiết, vì “không biết được ở đâu có người mắc bệnh”.
Lễ Songkran thứ hai người Thái không té nước
Suksan Kittisupakorn, Tổng giám đốc Cục Dịch vụ Y tế, cho biết thủ đô Bangkok đã dựng 10 bệnh viện dã chiến, với sức chứa tới 3.000 bệnh nhân, để ứng phó với "đợt bùng phát nghiêm trọng nhất" ở Thái Lan.
Làn sóng Covid-19 thứ ba ập tới vào đúng kỳ nghỉ lễ Songkran - tức lễ hội đón năm mới của người Thái, bắt đầu từ ngày 13/4.
Vào dịp này, người Thái Lan có truyền thống về quê đón năm mới cùng gia đình và tổ chức lễ hội té nước, vốn là điểm thu hút khách du lịch trước khi Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên trong năm nay, chính quyền Bangkok đã hủy tất cả sự kiện mừng năm mới tụ tập đông người.
Thảo Vy cho biết nhiều đồng nghiệp ở công ty chị không về quê được vào dịp này, một phần do lo sợ dịch bệnh và không muốn phải cách ly. Nhiều người cũng phải hủy kế hoạch đi du lịch.
“Mọi người cũng buồn chán và nhớ nhà dịp năm mới nhưng cũng không làm gì được, vì dịch bệnh ở Bangkok cũng đang lan nhanh”, Vy cho biết.
Sinh sống và học tập ở tỉnh Nonthaburi, kế bên Bangkok từ cuối năm 2019, chị Thái Thị Thanh Hà cho biết đây là năm thứ hai chị không được đón lễ Songkran.
“Mọi người nói Songkran rất vui và có nhiều hoạt động. Nhưng dịch quay trở lại ngay trước lễ, nhiều người ở đây cũng khá hoang mang. Giống như năm ngoái, năm nay người dân không đi ra đường té nước được, đa số mọi người ở nhà tổ chức ấm cúng và ăn lẩu, không nhộn nhịp như mọi năm”, chị Hà nói với Zing.
Đại học Bangkok, trường chị Hà đang theo học, cho sinh viên nghỉ lễ 2 tuần nên chị định dành thời gian đi du lịch. Nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, “đi đâu cũng phải tính đến sự an toàn. Các hoạt động của lễ hội không trải nghiệm được thì cũng có phần tiếc nuối”.
“Lễ Songkran năm nay không được trọn vẹn và nhiều kế hoạch không theo như dự định ban đầu”, chị Hà chia sẻ.
Anh Thịnh cho rằng khả năng số ca mắc Covid-19 sẽ tăng lên rất nhanh, con số có thể lên đến 1.000 ca/ngày. Tuy nhiên, cả anh Thịnh và chị Hà đều tin tưởng vào các biện pháp ngăn chặn Covid-19 của chính phủ Thái Lan.
“Mình khá an tâm với cách phòng chống dịch của chính phủ Thái Lan. Riêng việc cách ly người từ các tỉnh có dịch về quê đã là biện pháp rất hữu hiệu rồi”, chị Hà nói.
“Với các biện pháp của chính phủ Thái Lan, số ca bệnh có thể sẽ giảm dần vào cuối tháng 5”, anh Thịnh dự đoán.