Người Việt trẻ nói gì về sách và kiến tạo văn hóa đọc?
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm nay, Báo Thế giới & Việt Nam có cuộc phỏng vấn để hiểu hơn về suy nghĩ của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay đối với việc kiến tạo văn hóa đọc.
Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam là cơ hội để tôn vinh giá trị của sách, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng, để các tác giả, nhà xuất bản và độc giả cùng nhau chia sẻ tình yêu sách và khuyến khích mọi người đọc sách.
Nhiều bạn trẻ đã được truyền cảm hứng và đang duy trì việc đọc sách mỗi ngày…
Cần đưa sách vào nhà trường một cách sáng tạo
Trả lời cho câu hỏi “Điều gì khiến bạn bắt đầu đọc sách?”, Lê Phú Cường, sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bộc bạch: “Có lẽ điều này bắt nguồn từ khi tôi còn học tiểu học.
Mỗi cuối buổi sinh hoạt lớp, cô giáo đều đọc cho chúng tôi nghe những câu chuyện trong cuốn Những tấm lòng cao cả - một tiểu thuyết dành cho trẻ em của nhà văn người Italy Edmondo De Amicis. Sau đó, tôi bắt đầu tìm đọc những cuốn sách văn học như Không gia đình hay Oliver Twist...”.
Khi được hỏi về những thay đổi của bản thân sau đọc sách, Cường chia sẻ: “Việc từ nhỏ đã được tiếp xúc với những cuốn sách văn học kinh điển đã giúp tôi phần nào định hình tư duy cũng như tính cách, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Khi lớn lên, đọc các cuốn sách trinh thám, tôi nhận ra rằng, những người xuất chúng như Sherlock Holmes đều có khả năng chú ý đến tiểu tiết, họ chú ý đến những điều không ai để ý.
Ngoài ra, tôi cũng học được kỹ năng hợp tác, làm việc tập thể, biết cách tận dụng điểm mạnh của người khác cũng như của bản thân để tạo ra một kết quả hoàn mỹ hơn”.
Theo Cường, để phát triển và kiến tạo văn hóa đọc một cách có hiệu quả, cần truyền tải những tác phẩm văn học vào hệ thống giáo dục nhà trường một cách sáng tạo, thu hút.
Cậu Sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội này nói: “Đơn giản như trong giờ tập đọc của học sinh tiểu học, có thể đọc và thảo luận với các em về nội dung cũng như ý nghĩa của tác phẩm mang lại. Tôi nghĩ điều đó không chỉ là một cách học vô cùng hiệu quả mà còn giúp học sinh có tư duy đa chiều, phát triển tư duy tranh luận về một tác phẩm văn học kinh điển”.
Thói quen đọc sách được mẹ nhắc nhở từ ngày bé
Với Thanh Thảo, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điều khiến bạn bắt đầu đọc sách là vì mẹ Thảo là giáo viên cấp một.
Cô chia sẻ: “Mẹ là giáo viên nên thứ đặc quyền to lớn nhất mà tôi nhận được là kho tàng sách báo được tự do lựa chọn đọc mỗi khi rảnh.
Thói quen đọc sách được mẹ nhắc nhở từ ngày bé đã theo tôi cho tới tận bây giờ".
Thảo nuôi dưỡng và lan tỏa văn hóa đọc của bản thân bằng cách giới thiệu những cuốn sách hay đến bạn bè cùng phòng, cùng lớp.
Cô nói: “Tôi thích cảm giác được cùng bạn bè bàn luận về một cuốn sách nào đó từng đọc qua. Mỗi người đều có một quan điểm riêng nhưng lại chung nhận định về một luận điểm nào đó. Cảm giác ấy thật tuyệt!”.
Khi được hỏi về cuốn sách tâm đắc nhất, Thảo nhắc tới Nhà nhỏ - càng ở càng rộng, tác giả là một kiến trúc sư.
Cô hào hứng: “Những bí quyết chăm sóc tổ ấm được chia sẻ trong cuốn sách hết sức đơn giản, dễ làm và thú vị. Ngay sau khi đọc xong, tôi đã bắt tay vào công cuộc dọn dẹp để thử những tips mà sách nói tới và cảm thấy khá hiệu quả".
Sách là người trợ giúp đắc lực
Khởi đầu hành trình đọc sách của Tiến Hữu, sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bắt đầu với việc vô tình đọc sách thần thoại, đó là cuốn Thần thoại Hy Lạp. Những truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại về các vị thần đã khơi dậy niềm hứng thú trong cậu.
Hữu nói, đọc Thần thoại Hy Lạp, cậu không chỉ được đắm chìm trong thế giới thần kỳ của các anh hùng, cuốn sách còn cung cấp kiến thức về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo, văn hóa của họ.
Tiến Hữu chia sẻ thêm: “Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, tôi cũng có thêm một góc nhìn khác về bản chất của thế giới, con người”.
Nói về thói quen đọc sách của bản thân, cậu thổ lộ: “Thời gian rảnh, tôi dành phần lớn để đắm chìm vào các cuốn sách về lược sử, thần thoại để tiếp nhận nhiều vấn đề qua khía cạnh văn hóa, lịch sử.
Các cuốn sách đó giúp mở rộng góc nhìn tư duy, giải quyết một vấn đề từ nhiều điểm chạm khác nhau, từ đó có thể đưa ra các phương án giải quyết vấn đề một cách phù hợp và khéo léo nhất".
Sách cũng giúp cậu trong việc viết lách và một vài công việc liên quan đến truyền thông.
Bên cạnh việc đọc những cuốn sách yêu thích, phần thời gian còn lại, Hữu chọn đọc các thể loại sách chuyên môn để nâng cao kiến thức của bản thân.
Đọc sách khiến cuộc sống nhẹ nhàng đi
Khi được hỏi về quá trình đọc sách của bản thân, Hà Anh, 23 tuổi, nhân viên kinh doanh ngành thiết kế thời trang. chia sẻ: “Tôi bắt đầu đọc sách từ một lần có trải nghiệm không vui về việc tranh luận, vô tình làm rạn nứt mối quan hệ về vấn đề không đáng.
Và sự cứng nhắc của bản thân lúc đó khiến tôi không tìm được lý do, cũng không biết đúng sai hay nên suy nghĩ cư xử như thế nào.
Tôi đã quyết định đọc sách để mở rộng góc nhìn của bản thân, không chỉ về vấn đề đã xảy ra, sau đó, bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn các đầu mục sách phù hợp với mình”.
Việc đọc sách khiến cuộc sống của Hà Anh nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sách mở ra nhiều kiến thức, góc nhìn trải nghiệm cho bản thân cô.
Hà Anh bật mí: “Đôi khi sách như một hình thức cụ thể hóa tư duy và cảm xúc một cách ngăn nắp, viết thành câu chữ để hiểu chính mình hơn thay vì để chúng hỗn loạn trong tâm trí.
Ngoài ra, đối với tôi, sách còn là di sản ghi chép lại kinh nghiệm của những người đáng được học hỏi và hoàn thiện bản thân mình”.
Sách giúp ích rất nhiều trong cuộc sống
Đối với một cô gái từ nhỏ đã rất yêu thích văn học như Tâm Trang, 24 tuổi, nhân viên marketing, thì việc đọc sách được coi là một niềm đam mê ăn sâu vào tận máu tủy.
Cô chia sẻ, việc đọc sách giúp ích cho bản thân rất nhiều trong cuộc sống và khiến vốn từ trở nên phong phú hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, thói quen đọc sách phục vụ rất tốt cho công việc của Trang và giúp cho tư duy ngôn ngữ cũng như lời ăn tiếng nói logic, muôn màu muôn vẻ hơn.
Là một fan hâm mộ của văn học, Trang thổ lộ: “Tôi yêu thích nhất nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nên rất hay đọc tác phẩm của bác. Cho tôi một vé đi tuổi thơ và Chú chó nhỏ bên giỏ hoa hồng là 2 tác phẩm tôi ấn tượng nhất. Thường thì vào những ngày rảnh rỗi như cuối tuần hoặc buổi tối, tôi sẽ đọc hết được một cuốn”.
Qua chia sẻ của các bạn trẻ, phần nào có thể thấy, đọc sách và xây dựng văn hóa đọc sách lành mạnh, hiệu quả và tiến bộ vẫn là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay. Chúng ta không chỉ đọc để thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật mà còn làm giàu tri thức, đánh thức niềm rung cảm chân thiện mỹ ở mỗi con người.
Dù có thay đổi nhiều về hình thức và phương thức đọc thì sách vẫn là sản phẩm tinh thần kỳ diệu của con người. Đọc sách là cách tốt nhất để nuôi dưỡng tinh thần.
Có ai đó đã nói, một xã hội tiến bộ phải là một xã hội biết quý trọng sách. Cần phải xây dựng một nền văn hóa đọc vững mạnh và khuyến khích toàn xã hội đọc sách. Một khi con người say mê đọc sách, chắc chắn rằng tri thức sẽ phát triển, nhân tài sẽ xuất hiện, đất nước sẽ cường thịnh, phồn vinh.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-viet-tre-noi-gi-ve-sach-va-kien-tao-van-hoa-doc-224063.html