Người Việt vừa được đặt tên cho một quảng trường ở Paris là ai?

Tham gia Thế chiến I, Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay phục vụ trong quân đội Pháp hơn 100 năm trước.

Ngày 29/6, lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường nhỏ ở trung tâm quận 16 thủ đô Paris đã diễn ra với sự hiện diện của Phó Thị trưởng thành phố Paris Laurence Patrice; Thị trưởng quận 16 Francis Szpiner, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo người thân gia đình ông Đỗ Hữu Vị, quan chức và bà con địa phương.

Quảng trường Đỗ Hữu Vị tọa lạc trên nút giao giữa đại lộ Versailles và bến Louis Blériot ở quận 16, nhìn ra trụ sở Đài Phát thanh Pháp và cầu Grenelle.

Lễ đặt tên quảng trường Đỗ Hữu Vị. (Nguồn: TTXVN)

Lễ đặt tên quảng trường Đỗ Hữu Vị. (Nguồn: TTXVN)

Người con Chợ Lớn, Sài Gòn

Đỗ Hữu Vị sinh tại Chợ Lớn, là con út của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, điền chủ lừng lẫy ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Cha của ông được người Sài Gòn xưa xếp hàng thứ hai ở Sài Gòn về độ giàu có.

Theo Tràng An báo số 856 hiện lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, từ nhỏ, ông Vị theo học trường Trung học La San Taberd (Sài Gòn) rồi được cha gửi sang Pháp học tại trường Lyceé Janson de Sailly (Paris).

Sau khi tốt nghiệp, ông theo học trường dự bị Lyceé Louis le Grand nhưng cuối năm 1904 dự thi và trúng tuyển vào trường võ bị Saint Cyr. Năm 1906, ông tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy.

Ra trường, ông Vị gia nhập lực lượng quân đội Pháp, phục vụ cho trung đoàn Lê dương số 1 chiến đấu tại Casablanca của Morocco (châu Phi). Giữa năm 1908, ông về Pháp, tham gia đội phi hành của Louis Charles Joseph Blériot bay qua biển Manche rồi thích nghề bay. Thời gian này, ông kết bạn với một phi công trẻ là Victor Ménard.

Giai đoạn 1908-1910, Đỗ Hữu Vị tình nguyện chiến đấu tại biên giới Morocco và Algérie. Sau đó, ông lại về Pháp để theo học phi công quân sự và được Câu lạc bộ Hàng không Pháp cấp bằng cơ phó. Cuối năm 1911, ông cùng Ménard thực hiện chuyến bay vòng quanh nước Pháp.

Tháng 12/1912, ông trở lại Morocco, tham gia phi đội trinh sát của tướng Brulard, được thăng trung úy. Cuối năm 1913, ông nghỉ phép ở Đông Dương, được Toàn quyền Pháp bấy giờ là Albert Sarraut nhờ giúp đỡ để xây dựng những cơ sở cho cơ quan hàng không thuộc địa.

Ảnh và chữ ký của phi công Đỗ Hữu Vị. (Nguồn: Wikipedia)

Ảnh và chữ ký của phi công Đỗ Hữu Vị. (Nguồn: Wikipedia)

Ông cũng tham gia thử nghiệm một loại thuyền lướt trên mặt nước, chạy bởi động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo trên sông Mekong và sông Hồng. Các cuộc biểu diễn máy bay của ông ở Sài Gòn và Hà Nội làm dân chúng bàn tán sôi nổi một thời.

Nổi danh ở Thế chiến I

Tháng 8/1914, ông tình nguyện trở lại Pháp để tham gia lực lượng hàng không trinh sát trong Thế chiến I. Ông lập nhiều công tích và được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh ngũ đẳng.

Năm 1915, trên đường trở về đơn vị sau một trận đánh, máy bay gặp bão cuốn và bị rơi tại làng Laffaux (vùng Picardie, Pháp), ông bị thương nặng gãy cánh tay trái, hàm mặt và phần sọ bên dưới, hôn mê chín ngày nhưng sống sót.

Sau khi được chữa trị, Đỗ Hữu Vị tiếp tục ra trận. Vì không đủ sức điều khiển máy bay, ông giữ vị trí quan sát trên không trong đội phi hành với phi công Marc Bannin.

Năm 1916, do sức khỏe không cho phép, ông buộc phải từ bỏ sự nghiệp phi công, chuyển sang bộ binh, được thăng hàm đại úy và bổ nhiệm làm chỉ huy Đại đội 7 thuộc Trung đoàn Lê dương thứ 1, chiến đấu tại mặt trận sông Somme.

Tem Đỗ Hữu Vị được phát hành ở Đông Dương. (Wikipedia)

Tem Đỗ Hữu Vị được phát hành ở Đông Dương. (Wikipedia)

Ngày 9/7/1916, trong một cuộc tấn công quân Đức, ông dẫn đơn vị xung phong, bị trúng nhiều phát đạn, chết ngay trên trận tuyến. Thi hài của ông được an táng tại làng Dompierre thuộc vùng Somme. Năm 1921, người anh cả Đỗ Hữu Chấn đã cho chuyển hài cốt của ông về an táng trong phần mộ gia đình tại Việt Nam.

Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương được ghi nhận có Phan Tat Tao, Cao Đắc Minh, Felix Xuân Nha (Nguyen Xuan Nha) nhưng Đỗ Hữu Vị được xem là nổi tiếng nhất.

Vì vậy, chính phủ Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, đường phố ở các nước thuộc địa và ngay tại Pháp.

Lưu tên trên những con đường

Hiện nay, có gần 200 đường phố và địa danh ở Pháp mang tên địa danh hoặc nhân vật người Việt. Việc lưu giữ tên tuổi của họ trong ký ức chung ở không gian công cộng nhằm cụ thể hóa nguyện vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn “tăng cường sự đoàn kết và gắn bó cộng đồng các dân tộc trong sự phong phú và đa dạng của nó”.

Trước năm 1945, phố Cửa Bắc ở Hà Nội cũng có tên là phố Đỗ Hữu Vị. Ở Sài Gòn trước kia cũng có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị, nay được đổi tên thành đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1). Đà Nẵng có đường Đỗ Hữu Vị mà bây giờ là đường Hoàng Diệu.

Đường Đỗ Hữu Vĩ tại ngôi làng bên Pháp. (Ảnh: Mathilde Tuyet Tran)

Đường Đỗ Hữu Vĩ tại ngôi làng bên Pháp. (Ảnh: Mathilde Tuyet Tran)

Ngày nay, tại làng Laffaux vùng Picardie, Pháp, nơi ông bị rơi máy bay có con đường mang tên Do Huu Vi. Con đường nằm trong một khu vực dân cư, đường ngắn, băng qua khu đồi với địa đạo, các lô cốt cũ bên cạnh.

Do Đỗ Hữu Vị dành phần lớn thời gian sinh sống, hoạt động ở Pháp nên các tài liệu về ông chỉ được ghi lại qua báo chí thời bấy giờ.

Không chỉ được vinh danh là một trong hơn 300 người gốc hải ngoại có công với nước Pháp, ông còn là gương mặt người gốc châu Á duy nhất được đưa vào triển lãm “Chân dung nước Pháp", tổ chức hồi đầu năm nay tại Bảo tàng Con người ở thủ đô Paris.

(tổng hợp)

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-viet-vua-duoc-dat-ten-cho-mot-quang-truong-o-paris-la-ai-189066.html