Người Việt xa xứ chuẩn bị tết
Cuối năm, nhiều người Việt ở nước ngoài đặt vé máy bay về Việt Nam để được quây quần bên đại gia đình. Những người không có điều kiện trở về cũng cố gắng chuẩn bị chu toàn nhất cho một cái tết thật ấm áp, gần gũi và đặc trưng ở xứ người.
Tết Nguyên đán của Việt Nam thường rơi vào ngày trong tuần, hầu hết người Việt sở tại vẫn đi làm bình thường. Một số ít người có thể lấy phép để duy trì phong tục “kiêng làm việc ngày tết để tránh gặp xui”. Bà con kinh doanh tự do vẫn phải mở cửa hàng quán nhưng sẽ trang trí với đầy đủ màu sắc, phong vị tết.
Người Việt xa xứ trồng cây, chơi hoa quanh năm, nhưng tết đến sẽ trưng các loại cây hoa gợi ngày tết quê nhà. Hoa đào hồng, hoa mai vàng cũng không khó kiếm lắm. Bà con cắm lai rai chơi cả tháng trước và trong tết. Chậu quất (tắc) lúc lỉu quả vàng, cành phất lộc xanh được bà con bày biện trong nhà với ước mong một năm mới tấn tài tấn lộc.
Những tấm thẻ xuân in câu đối từ năm trước có thể sử dụng lại, treo trên cành lộc xuân. Nhà có trẻ em nhỏ tuổi đôi khi treo đèn lồng ngoài ban công. Bao lì xì thì đương nhiên không thể thiếu.
Mâm ngũ quả cũng vậy, rất được chú trọng trong nhà người Việt mỗi dịp tết. Mâm ngũ quả của người gốc miền Bắc với nải chuối, quả bưởi, những trái đào, hồng và cam quýt. Sau này có nhiều hơn năm thứ quả nhưng vẫn gọi là mâm ngũ quả như ý nghĩa ban đầu theo thuyết Ngũ hành, vạn vật dung hòa cùng trời đất.
Người gốc miền Trung bày các loại quả tươi ngon, nhiều màu xen kẽ đẹp mắt. Người miền Nam chọn bày mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, còn có cả quả sung, dứa (thơm), cặp dưa hấu.
Ngày tết, nếu không nhanh chân đến siêu thị sớm thì các nguyên liệu như tai heo, lưỡi và chân giò để làm món giò xào sẽ không còn. Húng quế, mắm tôm được đưa sang bằng máy bay; ớt chỉ thiên, rau muống lúc nào cũng có sẵn trong cửa hàng thực phẩm châu Á; lòng heo thì đã có mối lâu năm với lò mổ... - chuyện dễ ợt ở mấy bang Đông Đức tập trung nhiều người gốc Việt sinh sống.
Những lúc tết nhất, giỗ chạp, cần gà cúng nguyên con thì kiếm đâu ra giữa cái xứ siêu thị chỉ bày bán những hộp gà 1kg, 1,2kg hay 1,6kg không đầu, không nội tạng và không chân? Vậy là người Việt lại cử đại diện làm thân với một hai ông bà chủ trại chăn nuôi để đặt mua gà còn sống.
Vài ba người đi chung xe đến trại gà ngoại ô thành phố, trên đường đi gọi điện với chủ trại: “Ông Mueller à, tôi Nguyễn đây. Chuẩn bị cho 15 giai non và 10 gái tơ nhé, cứ lựa hàng ngon vào, chúng tôi sẽ trả giá cao”. Những người ngồi trong xe cười rần vì thứ tiếng Đức bồi của anh bạn không biết dùng từ “gà trống” và “gà mái”, nếu nghe qua rất dễ bị hiểu nhầm.
Các gia đình còn chỉ nhau mua cá trê sông cỡ lớn, lọc phi-lê ướp riềng, nghệ, mắm tôm rồi làm món chả cá Lã Vọng, ăn ngon chẳng kém gì cá lăng, cá vược. Chị em thủ thỉ chia sẻ chọn loại máy nào xay thịt làm giò chả dai giòn mà không cần hàn the, cách lót vải xô vào nồi hấp cho ra lò cả loạt xôi dẻo thơm ráo nước, chia nhau những hũ mẻ chua dịu nấu giả cầy những dịp cuối tuần hay mời nhau bát tào phớ (tàu hũ) nhà làm, cùng nếm mứt sen, bò khô tự tay tẩm sấy, tặng nhau rau thơm, rau muống tự trồng trong chậu…
Thời buổi bão giá, người Việt xa xứ lập ra các nhóm chung trên mạng xã hội để chia sẻ chỗ nào mua gì ngon và rẻ, nơi nào đang giảm giá, khuyến mại. Các công thức nấu ăn, những bí kíp trang trí nhà cửa cũng được chia sẻ cùng nhau mỗi ngày.
Gia đình người Việt nào ở nước ngoài cũng đều mong có một cái tết đậm đà phong vị Việt.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-viet-xa-xu-chuan-bi-tet-post719713.html