Tết càng cận kề, không khí ở các vùng quê trong tỉnh càng hối hả dù cho dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Người chạy xe thâu đêm, suốt sáng, người tranh thủ tháo ao bán cá, người thì tăng cường đưa các loại hàng hóa, nông sản bán online để tăng thu nhập, có tiền mua sắm Tết.
Nhiều hộ dân ở xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) tháo ao để bắt cá phục vụ cho ngày Tết. Làm nghề chạy xe dịch vụ đã nhiều năm, với anh Vũ Minh, phố Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn), Tết là dịp bận rộn hơn cả khi lượng công việc tăng gấp hai, gấp ba lần ngày thường. Nay mới là ngày 26 Tết, nhưng những hôm gần đây, anh Minh đều "full" lịch chạy xe.Tối qua, anh Minh vừa có chuyến đón khách ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) trong đêm. Chở khách về nhà đã hơn 4 giờ sáng, anh chỉ ngủ được gần 3 giờ đồng hồ thì phải dậy để tiếp tục chở khách ra thành phố Hòa Bình. "Làm nghề lâu năm nên quen rồi, dù có hơi mệt nhưng chỉ cần chợp mắt được khoảng 1-2 tiếng đồng hồ là lại chạy thoải mái. Giáp Tết là thời điểm có nhiều khách nhất nên phải tranh thủ chạy để kiếm thêm thu nhập. Nói thật, nhìn ngoài đường nhà nhà, người người sắm đào, quất nhưng nhà mình thì cứ phải cận Tết, tầm 29, 30 thì mới mua. Cũng không cầu kỳ đâu, mình hay mua những cành nhỏ nhỏ, xinh xinh, giá rẻ thôi” - anh Minh chia sẻ. Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên những người làm nghề chạy xe dịch vụ như anh Minh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Theo anh Minh chia sẻ, có dạo xe của anh Minh nằm nhà nửa tháng trời mà không có khách. Do đó, khi nhu cầu đi lại vào cuối năm tăng cao, đặc biệt là các biện pháp phòng dịch bệnh được nới lỏng thì anh Minh đã nỗ lực để phục vụ khách hàng, đồng thời cũng thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Anh Minh cho biết, bản thân anh đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng các con anh còn nhỏ nên chưa tiêm.Do đó, bản thân anh luôn tự nhắc nhở mình phải đảm bảo an toàn trước khi trở về nhà. "Trước khi nhận đưa đón khách thì mình cũng phải xem họ trở về từ vùng nào. Đặc biệt là sau mỗi chuyến chở khách, mình phải test nhanh, rồi mới về nhà. Cố gắng chạy đến 29 Tết, rồi sau đó cả gia đình sẽ về ăn Tết bên ngoại” -anh Minh chia sẻ. Nếu như những người chạy xe dịch vụ đang tranh thủ những ngày áp Tết để kiếm thêm thu nhập thì nhiều bà con ở các xã vùng sâu cũng đang chạy đua với thời gian với hy vọng Tết này sẽ đủ đầy hơn. Trên trang hội nhóm đồng hương của bà còn thuộc các xã vùng sâu Gia Mô, Lỗ Sơn, Nhân Mỹ (Tân Lạc), những ngày gần đây tràn ngập các bài viết rao bán hàng hóa Tết. Ngoài các mặt hàngnhư mứt, bánh kẹo, miến thì còn có các mặt hàng của người dân địa phương. Đó là cành đào, lá dong, lạt gói bánh hay lợn đen bản địa, gà ta, thịt trâu, thịt bò. Nhưng nhiều nhất có lẽ là cá ao. Từ địa phận của xã Do Nhân cũ (nay sáp nhập là xã Nhân Mỹ) đến xã Gia Mô, chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh các hộ dân đang tháo ao để bán cá phục vụ dịp Tết. Ở xóm Rên, xã Gia Mô ngập trànkhông khí Tết khihàng chục người dân đang tập trung bắt cá. Thế nhưng, cũng có những hộ dân vẫn đang khá trăn trở khi Tết đã cận kề mà lợn vẫn chưa bán được. Như gia đình anh Án, xóm Sung Mùi, xã Phú Cường (Tân Lạc) nuôi được đàn lợn bản địanhưng vẫn chưa có khách hỏi mua. Mấy hôm nay, anh Án liên tục đăng bán lợn lên mạng xã hội, đồng thời tìm thương lái đến mua nhưng vẫn chưa bán được. Anh Án cho biết, gia đình anh nuôi giống lợn này chủ yếu để tiêu thụ trong dịp Tết mà đến nay vẫn chưa bán được. Cứ tình hình như vậy, những ngày tới, anh sẽ mang lợn ra chợ để bán. Bán được lợn thì Tết này mới ấm cúng được. Anh Án không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khăn vì khó tiêu thụ sản phẩm nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi Tết đã cận kề hơn bao giờ hết, những người chạy xe dịch vụ hay những người nông dân chưa tiêu thụ được nông sản vẫn sẽ cố gắng để "chạy” đến những phút giây cuối cùng của năm cũ, với mong muốn sắm sửa được một cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn. Viết Đào