Người xây dựng thương hiệu men lá Bằng Phúc
Bằng Phúc- vùng đất nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, nguồn nước tinh khiết, con người chăm chỉ, sáng tạo, vì thế nơi đây sở hữu 02 đặc sản truyền thống đó là rượu men lá và chè tuyết Shan.
Để những sản phẩm này thực sự có thương hiệu, lan tỏa khắp mọi miền, trở thành hàng hóa, đứng vững trên thị trường, tạo thu nhập ổn định cho người dân thì cần tới những con người thực sự có đầu óc, năng động, sáng tạo, tổ chức liên kết, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề. Anh Tô Hữu Hoài, chủ cơ sở Rượu men lá Tô Hoài ở thôn Nà Pài là một trong những người tiên phong như vậy.
Sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này, sống giữa làng nghề, sản phẩm rượu của bà con Bằng Phúc trước đây chưa trở thành hàng hóa. Học hỏi kinh nghiệm ở một số tỉnh về phát triển thương hiệu sản phẩm truyền thống, anh Hoài đã nung nấu ý tưởng phải xây dựng thương hiệu rượu và chè cho quê hương. Trong làng có rất nhiều hộ dân thiếu việc làm, thanh niên phải ly hương đi lao động các công ty, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh.
Anh Hoài đã bàn bạc kêu gọi họ quay trở lại quê hương để cùng làm tại cơ sở. Năm 2018, anh mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, hệ thống lọc khử Andehit hiện đại, đăng ký chất lượng sản phẩm. Ban đầu chỉ có hơn 10 hộ liên kết cung cấp sản phẩm rượu, đến nay đã phát triển lên trên 50 hộ với hơn 100 lao động. Cơ sở của anh luôn có trên 10 lao động trực tiếp với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng. Có nhiều hộ gia đình cả nhà 04 người đều làm việc tại cơ sở nhiều năm nay.
Hiện nay, cơ sở có 03 dòng sản phẩm gồm rượu gạo tẻ, rượu nếp và rượu ngô men lá. Sở dĩ rượu của cơ sở được nhiều khách hàng đón nhận do mùi thơm đặc trưng không lẫn với sản phẩm rượu của nơi khác, ngọt êm, uống không đau đầu. Bởi lẽ những loại rượu nơi đây được kết tinh từ dòng nước trong lành, khí hậu mát mẻ, men lá từ 25 loại thảo dược đặc trưng khai thác ở trên rừng. Nếu như rượu thông thường cơm và men chỉ cần ủ hơn 1 tuần, nhưng với rượu men lá của cơ sở phải ủ ít nhất 1 tháng mới đem đi nấu. Sản phẩm rượu của cơ sở làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nhất là trong dịp Tết. Những tháng cao điểm cơ sở tiêu thụ được khoảng 60.000 lít rượu các loại. Rượu được tiêu thụ ở nhiều thị trường như Cao Bằng, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và cả Sài Gòn, Đà Nẵng, Sóc Trăng…
Sản xuất rượu bà con còn có thu nhập “kép” đó là sử dụng bã rượu để chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi hộ nấu rượu đều nuôi từ 50 con lợn, hộ nhiều lên tới 300 con. Anh Hoài là đầu mối cung cấp toàn bộ nguồn vật tư đầu vào sản xuất cho bà con như gạo, chất đốt, cám chăn nuôi…Từ việc liên kết xây dựng phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm mà giờ đây nhiều hộ gia đình trong thôn đã có thu nhập khá từ nghề với mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng.
Trong những năm tới, anh Hoài ấp ủ nhiều dự định để phát triển các sản phẩm hơn nữa, đặc biệt là mở rộng liên kết sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 100 hộ dân trong thôn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng sản phẩm làng nghề do ngành Nông nghiệp triển khai tại cơ sở./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nguoi-xay-dung-thuong-hieu-men-la-bang-phuc-post60748.html