Người xưa chăm sóc răng miệng như thế nào? Họ đánh răng ra sao? Làm sao nếu răng bị đau?

Không ít người tự hỏi, khi không có các sản phẩm tẩy rửa như bàn chải và kem đánh răng như ngày nay thì người xưa có làm sạch răng miệng hay không? Câu trả lời tất nhiên là có. Hôm nay chúng ta sẽ tìm về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé.

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều cách để giữ vệ sinh răng miệng ví dụ như đánh răng, sử dụng nước súc miệng hay đi nha sĩ… Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc rằng người Trung Quốc xưa sẽ làm sạch răng miệng thế nào khi mà thời đó không hề có bàn chải cũng như kem đánh răng?

Trên thực tế, người xưa cực kỳ thông minh và thậm chí họ có rất nhiều phát minh để giúp cho răng miệng của mình luôn được giữ sạch sẽ, thơm tho.

Người cổ đại từ xa xưa đã xem trọng việc chăm sóc bảo vệ răng miệng. Họ cho rằng “cái răng, cái tóc” là gốc rễ sinh mệnh của mỗi con người. Từ hàng ngàn năm trước, khi nhận thức được vấn đề về răng miệng, họ cũng đã biết tìm hiểu rất nhiều nhiều phương pháp trị liệu khác nhau.

Vào thời nhà Tần và nhà Hán, người dân luôn chú trọng đến việc vệ sinh răng miệng. Thời điểm đó, mọi người thường coi việc súc miệng là một việc làm cần thiết để bảo vệ răng lợi. Tất nhiên, nước súc miệng vào thời này không chỉ đơn giản là nước không mà là nước muối, nước trà hay nước thuốc,…

Người xưa chăm sóc răng miệng như thế nào? (Ảnh minh họa)

Người xưa chăm sóc răng miệng như thế nào? (Ảnh minh họa)

Một cách thức khác là làm sạch răng bằng dược cao. Người xưa rang các vị thuốc trư nha, tạo giác, gừng, khai ma, thục địa hoàng, mộc luật, tảo liên lá sen và một số vị thuốc khác cùng với thanh diêm (muối viên). Sau đó xoay nhuyễn rồi nấu lên và đắp lên răng.

Ngoài công thức này còn nhiều loại "kem đánh răng" khác được sử dụng trong thời cổ đại. Từ đấy có thể thấy rõ ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng của người xưa không hề kém người hiện đại.

Người xưa đánh răng như thế nào?

Tới thời nhà Tùy, nhà Đường và một số triều đại khác, việc vệ sinh răng miệng đã có nhiều cải tiến hơn. Ngoài súc miệng, người ta còn biết sử dụng cành liễu để đánh răng.

Thân liễu có tác dụng trừ gió, tiêu sưng, giảm đau... nên vào thời Đường, thời Tống, người ta thường dùng cành liễu dập dẹt sao cho giống như bàn chải để đánh răng. Người xưa cũng hay dùng một ít bột đánh răng để vệ sinh răng miệng tương tự bây giờ.

Ngoài ra, họ cũng dùng vải sạch để lau răng. Khi khai quật một ngôi mộ được khai quật vào thời nhà Đường có phát hiện ghi chép về "một trăm tấm vải lau răng", điều này có nghĩa là vải vóc cũng được người Trung Hoa cổ đại sử dụng để làm sạch răng.

Làm sao nếu răng bị đau?

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hiện tại, có không ít người tin rằng Trung Hoa thời cổ đại không hề có nha sĩ. Nhưng họ đã lầm, từ hàng nghìn năm trước đã có rất nhiều người đảm nhận công việc chăm sóc răng miệng cho con người, tương tự như các nha sĩ hiện nay.

Trương Trọng Cảnh, một thánh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, ông sống thời nhà Hán và có nhiều đóng góp khổng lồ cho Đông y. Ông là người đã phát minh ra phương pháp trám răng sâu ở thời cổ đại bằng hợp kim thủy ngân.

Mặc dù hợp kim thủy ngân có hại cho sức khỏe con người nhưng nó lại có thể giúp lấp đầy các lỗ hổng trên răng.

Đến thời nhà Tống, đã xuất hiện các thầy thuốc chuyên nghiệp chuyên lắp răng giả cho lão bách tính. Chi phí lắp răng giả phụ thuộc vào chất liệu của những chiếc răng giả này. Lúc đó, phổ biến nhất là răng giả bằng ngà voi, xương bò, gỗ đàn hương và nhiều chất liệu khác.

Để cố định răng giả trong hàm, họ thường sử dụng một sợi dây kim loại mảnh. Ngoài việc xử lý vấn đề răng hỏng, răng giả còn có vai trò trang trí.

Từ xưa đến hiện tại, đau răng nói riêng và các bệnh răng miệng nói chung luôn là vấn đề gây phiền toái cho con người. Và người xưa cũng có nhiều cách riêng để bảo vệ và chữa răng đau mà chúng ta không thể ngờ đến.

- Video: Kho báu rơi ra từ “tàu ma” 5.000 năm tuổi. Nguồn: Báo Người lao động.

Theo Nguyễn Giang/Công lý & Xã hội

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nguoi-xua-cham-soc-rang-mieng-nhu-the-nao-ho-danh-rang-ra-sao-lam-sao-neu-rang-bi-dau/20231213101318496