Nguồn cung bất động sản nhà ở bật tăng 30% trong quý 2/2025
Các chính sách pháp lý mới đang giúp thị trường bất động sản nhà ở khởi sắc trong quý 2/2025…

Nguồn cung nhà ở được dự báo tăng trong thời gian tới
Quý 2/2025, thị trường bất động sản đón làn sóng khởi sắc mạnh mẽ với nguồn cung nhà ở dự báo tăng 30% so với quý trước, nhờ loạt chính sách tháo gỡ pháp lý, hạ tầng phát triển và tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, tạo động lực cho cả cung và cầu.
KHỞI SẮC
Theo dữ liệu từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam, quý 1/2025, tổng cung bất động sản nhà ở đạt 27.000 sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 14.500 sản phẩm chào bán mới, chỉ bằng khoảng 1/2 quý trước nhưng tăng gấp 3 so với quý 1/2024. Còn lại là hàng tồn tiếp tục chào bán.
Trong khi đó, nhu cầu mua bất động sản vẫn có xu hướng tăng khi nhà đầu tư có tâm lý lạc quan hơn về kỳ vọng động lực tăng giá từ tăng trưởng kinh tế, hạ tầng phát triển, dòng tiền được “nới lỏng”... Bên cạnh đó, nhu cầu mua nhà ở thực vẫn ở mức cao và được thúc đẩy “xuống tiền” khi giá bán được dự báo sẽ tiếp tục tăng, lãi suất vay mua bất động sản đang ở mức thấp với nhiều gói vay ưu đãi dành riêng cho người trẻ.
Thời gian này nhu cầu đầu tư có xu hướng tìm đến “vùng trũng” về giá nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ quy hoạch, hạ tầng phát triển. Đặc biệt là trong bối cảnh giá bất động sản tại các thành phố lớn đã quá cao, chỉ phù hợp với số ít các nhà đầu tư có khả năng tài chính mạnh, có nhu cầu tích trữ tài sản lâu dài.
Ngoài ra, sóng sáp nhập đơn vị hành chính cũng kích thích cầu đầu tư tăng ở một số địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển sau sáp nhập, như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên…
VARS dự báo, thị trường bất động sản sẽ có sự khởi sắc rõ nét trong quý 2/2025, khi nguồn cung phục hồi nhờ các chính sách tháo gỡ pháp lý trên nền tảng kinh tế tăng trưởng, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, lãi suất ở mức thấp.
Nguồn cung bất động sản nhà ở quý 2 dự kiến tăng khoảng 30% với quý trước, với hàng loạt dự án đã ra mắt vào cuối quý 1, song, cơ cấu nguồn cung vẫn chủ yếu là sản phẩm cao cấp, hạng sang và căn hộ chung cư tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn cung. Nhưng vẫn còn rủi ro liên quan đến "sức khỏe" tài chính của các chủ đầu tư.

Nguồn: VARS
Theo VARS, tỷ trọng đóng góp của khu vực miền Nam vào nguồn cung nhà ở cả nước tiếp tục có xu hướng tăng, nhưng khu vực miền Bắc vẫn sẽ dẫn đầu về tỷ trọng nguồn cung nhà ở với hàng loạt dự án quy mô lớn đang triển khai mạnh mẽ tại Hà Nội và các tỉnh vùng ven nhờ lợi thế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng và đô thị.
Xu hướng phân hóa nguồn cung theo doanh nghiệp cung ứng cũng sẽ vẫn tiếp diễn mặc dù có nhiều hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ ra hàng do các dự án của các chủ đầu tư lớn vẫn có số lượng sản phẩm “áp đảo”.
Chuyên gia của VARS nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phát triển với mặt bằng giá duy trì ở mức cao và khó giảm sâu, đặc biệt là tại khu vực trung tâm các thành phố lớn nhờ vào hàng loạt các yếu tố tạo động lực tăng giá trong khi phần lớn các nhà đầu tư vẫn chưa chịu áp lực lớn về dòng tiền. Dù vậy, đà tăng giá của thị trường sẽ chậm lại khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu ở thực và phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Tại báo cáo về thị trường bất động sản nhà ở của VIS Rating cũng cho biết, trong năm 2025, các chủ đầu tư sẽ cải thiện doanh số bán hàng và hiệu quả tài chính do hoạt động phát triển dự án gia tăng từ nửa cuối năm 2024 sẽ thúc đẩy nguồn cung nhà ở mới cùng với tâm lý tích cực của người mua nhà.
Các chính sách mới sẽ thúc đẩy nguồn cung và nhu cầu nhà ở trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8/2024, cùng hơn 20 nghị định/thông tư, đã thúc đẩy hoạt động phát triển dự án và bán hàng. Đơn cử, số lượng dự án được cấp phép mới trong năm 2024 tăng 16% so với cùng kỳ.
3 KỊCH BẢN CHO THỊ TRƯỜNG
Chia sẻ về tổng quan thị trường bất động sản, bà Trịnh thị Kim Liên, Giám đốc kinh doanh Dat xanh Services, thị trường bất động sản đang ở trạng thái "nén" từ quý 1 kỳ vọng sẽ được "giải nén" trong quý 2.
Theo đó, sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ có sự tăng trưởng đáng kể, tỷ lệ thuận với nguồn cung mới tăng mạnh trong quý 2, đặc biệt nhiều dự án đến từ các chủ đầu tư uy tín, top đầu thị trường.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Dat Xanh Services – FERI, ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam sẽ tác động không thuận lợi cho đà phục hồi của kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Chính sách thuế quan này hiện đang làm đảo lộn nhiều kế hoạch, dự tính ở cấp quốc gia, ngành nghề, và cần tiếp tục quan sát kỹ thêm.
Dat Xanh Services – FERI dự báo 3 kịch bản tăng trưởng cho thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam trong quý 2/2025 gồm: kịch bản lý tưởng, kịch bản kỳ vọng, kịch bản thách thức.
Cụ thể, ở kịch bản lý tưởng, nguồn cung mới tăng 25 - 30%, lãi suất thả nổi ở mức 8 - 10%, giá bán tăng 5 - 7% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30 - 40%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường.
Kịch bản kỳ vọng, nguồn cung mới tăng 20 - 25%, lãi suất thả nổi ở mức 9 - 11%, giá bán tăng 3 - 5% và tỷ lệ hấp thụ đạt 25 - 30%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường.
Kịch bản thách thức, nguồn cung mới tăng 15 - 20%, lãi suất thả nổi ở mức 10-12%, giá bán giữ nguyên không tăng, và tỷ lệ hấp thụ đạt 20 - 25%. Đây là kịch bản cẩn trọng, nhưng cũng khá hợp lý trong giai đoạn thị trường ẩn chứa nhiều biến số.
Chia sẻ quan điểm về thị trường bất động sản năm 2025, tại hội thảo mới đây, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong năm 2025, thị trường bất động sản đang ở điểm phục hồi với nhiều triển vọng đi kèm thách thức.
“Loạt câu hỏi được đặt ra: Điều gì xảy ra cho thị trường bất động sản nếu nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số liên tục trong 20 năm tiếp theo trong động thái nhanh chóng thay đổi điều kiện và cấu trúc thị trường? Là rủi ro hay cơ hội? Chúng ta có quản trị được không? Cấu hình, cấu trúc thể chế thay đổi như thế nào? Cơ hội có được tận dụng không hay sẽ chuyển hóa thành nguy cơ?

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Bối cảnh thương mại quốc tế đặt ra cơ hội và thách thức như thế nào khi có nguy cơ Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc có thể mở ra cơ hội bùng nổ cho Việt Nam?...”, ông Thiên bày tỏ.
Trong khi đó, cấu trúc phát triển sẽ thay đổi, như từ không gian mặt đất sang không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ, không gian số... mở ra cơ hội cho tăng trưởng, tuy nhiên điều quan trọng là năng lực thực thi, triển khai đến đâu. Đặc biệt, mô hình TOD đang được chú trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, mở ra không gian tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản, nền kinh tế.