Chứng khoán Dầu khí (PSI): Sở hữu loạt lợi thế, định hướng thành Ngân hàng đầu tư lĩnh vực năng lượng

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 25/4, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (mã cổ phiếu PSI - sàn HNX) cho biết công ty đang sở hữu loạt lợi thế nền tảng và tự tin sẽ duy trì mức tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Mục tiêu tăng trưởng hai chữ số

Phát biểu tại Đại hội, bà Lưu Thị Việt Hà - Phó Giám đốc Chứng khoán Dầu khí cho biết, công ty ghi nhận 347,3 tỷ đồng doanh thu và 25,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, lần lượt hoàn thành 116% kế hoạch doanh thu và 123% kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông giao.

Trong đó, doanh thu dịch vụ chứng khoán và doanh thu dịch vụ tài chính lần lượt hoàn thành 111% và 113% kế hoạch cả năm. Trong đó, tiền thu từ bán chứng khoán môi giới cho khách hàng tăng trưởng gấp 4,6 lần so với năm 2023, đạt gần 67 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ an toàn tài chính luôn duy trì trên 200%, so với mức quy định là 180%.

Các con số này cho thấy tiềm năng tăng trưởng bền vững của công ty, khả năng thu hút thêm nhiều khách hàng, và đảm bảo tạo ra lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi, mặc dù đối diện với sự biến động của thị trường chứng khoán và các biến động kinh tế vĩ mô.

Bà Lưu Thị Việt Hà - Phó Giám đốc Chứng khoán Dầu khí phát biểu tại Đại hội.

Bà Lưu Thị Việt Hà - Phó Giám đốc Chứng khoán Dầu khí phát biểu tại Đại hội.

Bà Lưu Thị Việt Hà cũng cho biết với thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực, Chứng khoán Dầu khí đã tư vấn cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) niêm yết thành công trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, công ty cũng đã ký kết hợp đồng tư vấn chuyển nhượng vốn của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tại một số đơn vị niêm yết trong tháng 12/2024.

Về triển vọng thị trường năm nay, Chứng khoán Dầu khí đánh giá sản xuất sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay, hướng đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%. Đối với thị trường chứng khoán, bên cạnh vai trò bệ đỡ đến từ sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, triển vọng còn đến từ câu chuyện nâng hạng thị trường. FTSE Rusell có thể đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi (Emerging Market - EM) trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 và MSCI có thể thực hiện đánh giá tương tự một năm sau đó.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng có thể giúp thu hút đến 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động.

“Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VN-Index vẫn đang duy trì mức cao hơn đáng kể so với tỷ suất sinh lời tiền gửi tiết kiệm 13 tháng. Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ trở nên hấp dẫn và khởi sắc hơn trong thời gian tới”, bà Lưu Thị Việt Hà nói.

Bà Phan Quỳnh Nga - Giám đốc Chứng khoán Dầu khí phát biểu tại Đại hội.

Bà Phan Quỳnh Nga - Giám đốc Chứng khoán Dầu khí phát biểu tại Đại hội.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Chứng khoán Dầu khí trình cổ đông xem xét kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu ở mức 383 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện của năm 2024 và phấn đấu tăng trưởng 15%. Công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế năm nay tăng 15%, đạt 30 tỷ đồng.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Chứng khoán Dầu khí nhấn mạnh: “Năm 2025 là thời điểm then chốt để Chứng khoán Dầu khí khẳng định bản lĩnh và vươn lên mạnh mẽ. Chúng tôi cam kết theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, lấy công nghệ và con người làm trọng tâm, đồng hành cùng cổ đông, khách hàng và đối tác trong hành trình phát triển.”

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định Chứng khoán Dầu khí sẽ theo đuổi mô hình Ngân hàng Đầu tư trong lĩnh vực năng lượng với 03 trụ cột chiến lược là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam), Ngân hàng PVCombank, và tổ hợp các đối tác nước ngoài. Các dịch vụ, sản phẩm chiến lược sẽ là sản phẩm tài chính trong lĩnh vực năng lượng.

Thúc đẩy việc tăng vốn, sở hữu loạt lợi thế lớn

Tại phần Thảo luận, ban lãnh đạo Chứng khoán Dầu khí đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi liên quan đến triển vọng kinh doanh thời gian tới trong bối cảnh hệ thống KRX chuẩn bị đi vào vận hành chính thức; kế hoạch tăng vốn điều lệ; năng lực cạnh tranh…

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá việc hệ thống KRX chính thức thức Go-live sau thời gian dài chuẩn bị sẽ mở ra con đường “cao tốc” cho thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển các sản phẩm tài chính mới,… cũng như góp phần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính quốc tế về việc nâng hạng thị trường.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Chứng khoán Dầu khí.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Chứng khoán Dầu khí.

“Để đáp ứng việc vận hành hệ thống KRX, Chứng khoán Dầu khí đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm qua, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Công ty đã dành rất nhiều nguồn lực để bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng như máy chủ, đường truyền…; làm việc với đối tác công nghệ - DATX để xây dưng các kịch bản cụ thể, đào tạo nhân lực. Cuối cùng, công ty cũng chú trọng nâng cấp, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Chúng tôi đã sẵn sàng triển khai hệ thống KRX”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Về vấn đề tăng vốn, Chủ tịch Chứng khoán Dầu khí cho biết về điều kiện, năng lực triển khai, công ty đã sẵn sàng và nhiều cổ đông lớn, cổ đông nước ngoài đã nhiều lần trao đổi với công ty về các kế hoạch tăng vốn. Nhưng do đặc thù về cơ chế quản lý nên kế hoạch tăng vốn chưa được triển khai như kỳ vọng, kéo theo đó một số hoạt động kinh doanh chưa phát huy hết tiềm năng.

“PVCombank là ngân hàng mẹ đang nắm giữ gần 52% vốn công ty, Petrovietnam lại chiếm 52% vốn tại PVCombank, nên việc tăng vốn của Chứng khoán Dầu khí bị quản lý bởi nhiều cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước… Hiện chúng tối đang cố gắng kiến nghị các cơ quan chức năng sắp xếp lại cơ chế quản lý về vấn đề tăng vốn. Việc tăng vốn sẽ giúp Chứng khoán Dầu khí tận dụng tối đa lợi thế sẵn có”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo Chủ tịch Chứng khoán Dầu khí, công ty đang sở hữu nhiều yếu tố nền tảng thuận lợi với việc ngân hàng mẹ - PVCombank với hơn 130 điểm giao dịch trên toàn quốc và 5 triệu khách hàng; có mối quan hệ sâu, rộng với Petrovietnam - tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và các đơn vị thành viên; cũng như có sự tín nhiệm cao từ các đối tác trong và ngoài nước. Qua đó, mở ra tiềm năng lớn để triển khai các dịch vụ tài chính, chứng khoán hướng đến mô hình Ngân hàng đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.

Dư địa phát triển lớn từ lĩnh vực năng lượng

Cổ đông Chứng khoán Dầu khí tiến hành bỏ phiếu thông qua các tờ trình của HĐQT tại Đại hội.

Cổ đông Chứng khoán Dầu khí tiến hành bỏ phiếu thông qua các tờ trình của HĐQT tại Đại hội.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Chứng khoán Dầu khí đã làm chủ các hoạt động tư vấn, thoái vốn, dịch vụ tài chính liên quan trong ngành dầu khí Việt Nam với dư địa phát triển rất lớn trong việc cung cấp dịch vụ cho Petrovietnam, các đơn vị thành viên và các đối tác.

“Bằng năng lực của chính mình, Chứng khoán Dầu khí đã tham gia đấu thầu, cạnh tranh sòng phẳng để trúng thầu 4 hợp đồng tư vấn chuyển nhượng vốn của Petrovietnam tại 4 đơn vị niêm yết, gồm PVI, Petrosetco, PAP, PVE. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã cơ bản đáp ứng yêu cầu pháp lý, yêu cầu tiến độ, yêu cầu chuyên môn. Thông tin cụ thể sẽ được HĐQT công bố đến cổ đông sau khi các bên có liên quan được phê duyệt chính thức”, Chủ tịch Chứng khoán Dầu khí nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ sự tin tưởng hoạt động IPO, nhất là các thương vụ từ khối doanh nghiệp nhà nước, sẽ sớm sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang nỗ lực khơi thông các vướng mắc pháp lý và nguồn lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, đón đầu dòng vốn từ việc nâng hạng thị trường.

Các thương vụ IPO được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn việc tiềm năng cho Chứng khoán Dầu khí khi năng lực tư vấn của công ty đã được chứng minh thông qua các hoạt động tư vấn cho nhiều đối tác trong và ngoài nước như Nikko, Lọc hóa dầu Bình Sơn…

Trong đó, Trung tâm Phân tích của Chứng khoán Dầu khí đang đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa các đối tác và khách hàng, định chế tài chính trong tư vấn đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng, thực hiện các hoạt động quan hệ cổ đông (IR)… từng bước trở thành trung tâm kinh doanh, gia tăng đóng góp vào kết quả chung của công ty.

Ngoài ra, Chứng khoán Dầu khí cũng đang đẩy mạnh mảng đầu tư - nguồn vốn với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu tối thiểu từ 30 – 35% và nguồn vốn đầu vào đạt bình quân 1.300 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh mảng dịch vụ chứng khoán đã hoạt động hết 100% công suất với việc dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt mức tối đa theo quy định, việc đẩy mạnh mảng tư vấn và mảng đầu tư - nguồn vốn sẽ tạo thành “kiềng ba chân” vừa tạo động lực tăng trưởng 10 - 15%/năm, vừa tăng cường tính bền vững trong phát triển kinh doanh của công ty”, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Kết thúc Đại hội, toàn bộ các tờ trình của HĐQT Chứng khoán Dầu khí đã được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chung-khoan-dau-khi--psi-so-huu-loat-loi-the--dinh-huong-thanh-ngan-hang-dau-tu-linh-vuc-nang-luong-139828.htm