Nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm
Phân tích của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (Vnrea) về thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, cơ cấu nguồn cung các phân khúc BĐS vẫn mất cân đối, khan hiếm và mặt bằng giá cao, các dự án mới tại các địa phương chủ yếu phục vụ những người mua có khả năng tài chính cao, đầu tư lâu dài.
BĐS nhà ở giữ đà phát triển tích cực
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thị trường BĐS đang hồi phục nhanh và có những khởi động kích hoạt chu kỳ phát triển mới. Dữ liệu nghiên cứu của Vnrea cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, nguồn cung đạt hơn 27.000 sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024.

Nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm.
Trong đó, đáng chú ý, nguồn cung BĐS nhà ở tiếp tục giữ đà tăng trưởng tích cực so với cuối năm 2024, nhờ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, hàng trăm dự án BĐS cũng đã được tái khởi động và đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm ra hàng nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường trong quý II/2025.
Theo bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, các dự án mở bán nhà ở nhìn chung đều được hấp thụ tốt, nhờ nhu cầu ở thực vẫn trong xu hướng tăng. Tâm lý của nhà đầu tư lạc quan hơn về kỳ vọng tăng giá trong trung - dài hạn nhờ động lực tăng trưởng kinh tế và hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, nhất là tín hiệu “nới lỏng” dòng tiền cho vay của Ngân hàng Nhà nước, góp phần kích thích nhu cầu BĐS, không chỉ ở nhóm người mua để ở, mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt.
Tỷ lệ hấp thụ chung BĐS trên thị trường đạt 45%, tương đương hơn 12.000 giao dịch, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ các dự án mới mở bán tích cực, đạt khoảng 60%, đặc biệt tại các địa phương có quy hoạch, hạ tầng ổn định như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thái Nguyên...
Phân khúc căn hộ tiếp tục dẫn dắt thị trường, đóng góp tới 72% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ có xu hướng chậm lại do nguồn cung vẫn được đóng góp chủ yếu từ các dự án ở khu vực Hà Nội, trong khi sức cầu tại Hà Nội đang trong giai đoạn điều chỉnh sau thời kỳ tăng trưởng “nóng”.
Việc triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cũng đang có nhiều tín hiệu tốt, với quy mô dự án NƠXH đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng năm 2024 tăng lần lượt 46% và 13,4% so với năm 2023, nhất là tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng...
Tuy nhiên, xu hướng phân hóa giữa các phân khúc BĐS vẫn tiếp diễn trong giai đoạn tới khi các dự án mới chủ yếu được triển khai bởi các doanh nghiệp lớn, vốn có lợi thế về tiềm năng, thương hiệu trên thị trường.
Mất cân đối nguồn cung
Cũng theo phân tích của Vnrea, cơ cấu nguồn cung nhà ở trên thị trường BĐS Việt Nam vẫn mất cân đối. Phân khúc căn hộ chung cư (CHCC) tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng hơn 69% trong cơ cấu nguồn cung nhà ở mở bán từ đầu năm đến nay, trong đó, CHCC cao cấp, hạng sang vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với số lượng dự án hạng sang mới đang có xu hướng tăng trong khi CHCC thương mại giá bình dân khan hiếm.
Mặt khác, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120. 000 tỷ đồng cho người mua NƠXH vẫn thấp, chỉ đạt 3,3% do lãi suất vẫn cao, thời gian vay ngắn và các địa phương có nhu cầu cao vẫn thiếu quỹ đất, nguồn cung NƠXH.
Mặt bằng giá BĐS neo ở mức cao từ trong năm 2024 vẫn có xu hướng tăng, khi áp lực chi phí, nhất là các khoản liên quan đến đất đai gia tăng trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm, khiến các chủ đầu tư tiếp tục có xu hướng phát triển các dự án cao cấp nhằm đảm bảo mục tiêu lợi nhuận.
Qua tìm hiểu, giá bán trung bình CHCC tại Hà Nội hiện nay đạt mức trung bình 70 triệu đồng/m², tăng 2,5% so với cuối năm 2024. Đà tăng giá chủ yếu đến từ việc các chủ đầu tư mở bán lại dự án với mức giá điều chỉnh nhích lên. Khu vực TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức giá bán bình quân 72 triệu đồng/m2, giá chung cư các dự án sẵn có không tăng. Còn giá bán bình quân CHCC tại TP Đà Nẵngđạt mức 62 triệu đồng/m², tăng 3% so với cuối năm 2024...
Trên thị trường, các giao dịch BĐS của các phân khúc cũng diễn biến trái chiều. Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục phục hồi “chậm chắc”, khi các chủ đầu tư tìm được hướng đi mới cho các dự án và nhu cầu đầu tư phục hồi. Nguồn cung BĐS du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục được cải thiện, thị trường ghi nhận 950 sản phẩm mở bán mới, gấp 2,4 lần so với cuối năm 2024 và gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, các dự án mới mở bán đều được hấp thụ tương đối tốt.
Thị trường BĐS công nghiệp tiếp tục nắm giữ vai trò chủ đạo với nguồn cung tăng trưởng mạnh và nhu cầu vẫn trong xu hướng tăng, với 15 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được Chính phủ điều chỉnh/chấp thuận chủ trương đầu tư, bằng 54% năm 2024. Nhu cầu tiếp tục duy trì ở mức cao và đang trong xu hướng tăng nhờ dòng vốn FDI mạnh mẽ, đặc biệt từ các ngành công nghệ cao.
Còn thị trường BĐS thương mại văn phòng, bán lẻ cũng ghi nhận đà tăng trưởng ổn định nhờ nguồn cung và nhu cầu tăng lên, cùng quá trình tăng trưởng kinh tế. Dù vẫn còn một số khó khăn trong ngắn hạn như nhu cầu văn phòng tại một số khu vực không theo kịp nguồn cung tăng nhanh, một số mặt bằng thương mại “ế ẩm” chưa kịp thời cải tạo, nâng cấp...
Nhìn chung, thị trường BĐS đang có bước khởi đầu tích cực trong năm đầu tiên của chu kỳ mới. Các chuyên gia Vnrea nhận định, việc chủ động và linh hoạt trong việc thực thi chính sách của Chính phủ, đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp BĐS, đang tạo điều kiện thúc đẩy phát triển. Doanh nghiệp BĐS với vai trò chủ chốt trong khối kinh tế tư nhân dự báo không ngừng lớn mạnh, góp phần phục hồi nhanh thị trường BĐS nói riêng, nền kinh tế nói chung.