Nguồn cung giảm, chi phí vận chuyển tăng đang ảnh hưởng đến giá tiêu

Trong tháng 7, giá tiêu nội địa đạt 150.000 đồng/kg, tăng 83% so tháng 1-2024 và tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá tiêu trong nước và xuất khẩu do nguồn cung giảm và chi phí vận chuyển được dự báo tăng cao.

(KTSG Online) – Trong tháng 7, giá tiêu nội địa đạt 150.000 đồng/kg, tăng 83% so tháng 1-2024 và tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá tiêu trong nước và xuất khẩu do nguồn cung giảm và chi phí vận chuyển được dự báo tăng cao.

Một vườn tiêu ở Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: N.K

Một vườn tiêu ở Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: N.K

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác các tháng cuối năm 2024 của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa qua.

Theo VPSA, trong tháng 7, giá tiêu nội địa đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng tăng 66,5% so với năm 2023. Trong khi đó, giá xuất khẩu giá xuất khẩu tiêu đen tháng 6 đạt 5.000 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 32% so với tháng 1 đạt 3.900 đô la/tấn. Còn trung bình 6 tháng giá xuất khẩu tiêu đen tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

VPSA lý giải rằng, giá tiêu tăng trong 3 tháng vừa qua bởi sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Thị trường hồ tiêu đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cây hồ tiêu như ngập úng, sâu bệnh, giảm năng suất. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã liên tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á như ở Singapore và Malaysia ảnh hưởng đến giá cả tại các điểm đến và có thể gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển. Các nhà phân tích dự kiến, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay. Từ đầu năm đến nay, giá cước đã tăng gấp 5 lần. Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác như Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024. Vì thế, theo VPSA, giá hồ tiêu trên thị trường sẽ tiếp tục có những biến động trong thời gian tới. Các doanh nghiệp và người nông dân cần có những chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với tình hình mới.

Nam Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguon-cung-giam-chi-phi-van-chuyen-tang-dang-anh-huong-den-gia-tieu/