Nguồn cung hàng hóa duy trì ổn định, giá cả bình ổn
Cung ứng đầy đủ
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã ban hành 6 kế hoạch về việc cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu để ứng phó khẩn cấp trong giai đoạn mới. Đồng thời, sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương đã lập 15 tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và cung ứng hàng hóa tại 99 chợ, 11 siêu thị, 304 cửa hàng tiện lợi.
Hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm tại Big C Bình Dương
Ngành công thương cũng kịp thời đề xuất phương án phân chia tần suất đi chợ truyền thống; ban hành nhiều công văn gửi các cơ quan hữu quan và các địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ cho nhân viên và phương tiện của các tổ chức, như Viettel Post, Bưu điện, Aeon Mail... về bố trí địa điểm bán hàng, lưu thông vận chuyển thuận lợi. Theo đó, Sở Công thương đã kịp thời phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường triển khai nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa kịp thời cho người dân, nhất là tại các khu cách ly, phong tỏa. Cụ thể, tăng lượng hàng cung ứng từ 130 - 150% tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện hữu. 100% các cơ sở kinh doanh triển khai bán hàng trực tuyến phục vụ người dân. Hiện Bưu điện tỉnh và các địa phương cố định tổ chức bán hàng bình ổn thị trường tại 48 điểm trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố (bán luân phiên từ 10 - 15 điểm/ngày), tổng lượng hàng hóa mỗi ngày từ 6 - 7 tấn rau, củ quả các loại, thịt tươi sống 1,5 tấn.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11/12 siêu thị, 282/304 cửa hàng tiện lợi và 36/99 chợ truyền thống đang hoạt động. Hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu và giá hàng hóa ổn định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Người dân đã được phát phiếu đi chợ/phiếu mua hàng theo thời gian quy định. Sức mua ổn định, không có hiện tượng thu gom, tăng giá đột biến.
Trong tình hình dịch bệnh, các địa phương cũng đã chủ động vận động các hợp tác xã và tổ chức, cá nhân khác thực hiện bán hàng lưu động. Mỗi ngày, trung bình tại các địa phương tổ chức bán 4 - 6 chuyến bán hàng lưu động với tổng lượng hàng hóa ước đạt 1,2 - 1,5 tấn. Một số địa phương như TP.Dĩ An, TP.Thuận An tiếp tục vận động các cá nhân, đơn vị tại địa phương tổ chức thêm các điểm bán hàng lưu động, “hàng 0 đồng”, “đi chợ thay” cho người dân và các khu cách ly. UBND TX.Bến Cát cũng đang triển khai mô hình “chợ ngoài trời” tại phường Mỹ Phước, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi và tiếp tục nhân rộng. Đến nay, Sở Công thương cũng đã hướng dẫn triển khai hiệu quả hoạt động quản lý dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh (Shipper).
Bảo đảm mua sắm an toàn
Ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc Siêu thị Big C Bình Dương, cho biết: “Big C và hệ thống siêu thị GO! có một kho dự trữ lớn cho các mặt hàng thiết yếu. Tại Bình Dương, Big C và GO! cũng đang áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá để hỗ trợ người dân tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Từ kinh nghiệm trong việc phân phối hàng hóa trong những đợt giãn cách trước, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa, không nên mua sắm dồn dập sẽ tạo áp lực lớn, gây quá tải hệ thống phân phối”.
Hiện nay, để bảo đảm an toàn cho hoạt động mua sắm, ngành công thương thực hiện rà soát, ưu tiên xét nghiệm và tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn bộ người lao động đang làm việc trong hệ thống thương mại của tỉnh. Từ ngày 28-7, Sở Công thương đã thành lập Tổ xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng dịch bệnh Covid-19, tổ chức test nhanh cho 1.430 nhân viên của 11 siêu thị trên đia bàn tỉnh. Qua đó sàng lọc cách ly kịp thời các F0, bảo đảm hệ thống thương mại hoạt động liên tục, an toàn.
Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết trong thời gian tới, ngành công thương tiếp tục theo dõi tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, yêu cầu các đơn vị báo cáo nhanh tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Sở Công thương cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tăng cường nguồn hàng nông sản cung ứng cho tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã chủ động về nguồn cung, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng như các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
“Trong đợt 2 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thị trường tương đối ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô mua hàng. Các đội QLTT tại các địa phương cũng nỗ lực tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương bảo đảm về giá cả, chất lượng hàng hóa cho người dân. Lực lượng QLTT sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, gây nhiễu loạn thị trường”.