Nguồn cung khí đốt Nga 'cập kênh', Đức 'ráo riết' tìm đến năng lượng mặt trời
Một 'cơn bão hoàn hảo' đang thúc đẩy người tiêu dùng Đức chuyển sang sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời. Nhu cầu đối với các hệ thống sưởi ấm sử dụng năng lượng mặt trời ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng gần gấp đôi trong năm nay so với cùng kỳ năm 2021.
Bùng nổ năng lượng mặt trời
Hiệp hội năng lượng mặt trời Đức cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay, Đức đã chứng kiến mức tăng 22% trong việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các công ty trong ngành năng lượng tái tạo, điều này đã tạo ra một cơn sốt bán hàng và một sự căng thẳng đối với chuỗi cung ứng.
Nhu cầu về điện mặt trời đã tăng lên ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu khi giá năng lượng tăng vọt, các chính sách khuyến khích được đưa ra và việc áp dụng công nghệ trở nên phổ biến hơn.
Gần đây, người tiêu dùng phải đối mặt với hóa đơn điện nước ngày càng cao, nắng nóng gay gắt và lo lắng về việc liệu họ có thể giữ ấm vào mùa Đông hay không.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow đã giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác.
Mới đây nhất, ngày 22/8, Nga thông báo đóng cửa đột xuất đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào cuối tháng này để bảo trì. Ngay sau thông báo này, giá khí đốt tự nhiên giao ngay ở châu Âu lại tăng lên mức cao kỷ lục mới .
Đối với nhiều hộ gia đình, nỗi sợ hãi lớn nhất là Nga sẽ "tắt vòi" khí đốt hoàn toàn trong mùa Đông năm nay. Chính phủ Đức đã thiết lập một kế hoạch quản lý khủng hoảng cho các doanh nghiệp nếu điều đó xảy ra.
David Wedepohl, Giám đốc điều hành của Hiệp hội năng lượng mặt trời Đức cho hay, nhu cầu năng lượng mặt trở chỉ trở nên mạnh mẽ hơn ở Đức khi nguồn cung khí đốt thiếu hụt do xung đột Nga-Ukraine.
Các quan chức Đức đã phản ứng với cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm. Một số thành phố đã tiết kiệm điện bằng cách giảm thiểu các nhu cầu cơ bản như giảm thời gian dùng đèn chiếu sáng tại nơi công cộng, giảm thời gian dùng hệ thống sưởi.
Theo ông Jim Gordon, Giám đốc điều hành của Smartflower, công ty cung cấp các thiết bị năng lượng mặt trời cho các khuôn viên công ty, trường đại học và các hộ gia đình, bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời.
Ông Gordon nói: “Mọi người đang lo lắng về an ninh năng lượng. Công việc kinh doanh của chúng tôi đang bùng nổ vì có một 'cơn bão hoàn hảo' của các yếu tố hội tụ thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng năng lượng mặt trời".
Doanh số bán hàng tăng vọt
Schneider Electric, Tập đoàn công nghiệp và năng lượng khổng lồ của châu Âu cho biết, nhu cầu đối với các hệ thống sưởi ấm sử dụng năng lượng mặt trời ở Đức đã tăng gần gấp đôi trong năm nay so với cùng kỳ năm 2021.
Konstantin Elstermann, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực gia đình và phân phối của Schneider Electric, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về mua sắm năng lượng sạch nhận định, số lượng người sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời ở Đức đã đạt đến "đỉnh cao nhất mọi thời đại".
Tương tự, Sonnen, một nhà cung cấp pin năng lượng mặt trời của Đức nhận thấy, thời gian qua, đơn đặt hàng của công ty đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.
Giám đốc điều hành Oliver Koch cho hay, công ty đã ghi nhận nhu cầu mua pin năng lượng mặt trời tăng thêm kể từ cuối tháng 2, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu. Công ty đang liên tục nâng năng lực sản xuất để theo kịp nhu cầu.
Theo Giám đốc điều hành Robert Sawyer, nhu cầu quá cao, Smartflower hiện đang kỳ vọng, doanh số bán hàng sẽ tăng gấp 4 lần tại Đức trong năm nay.
Ông Robert Sawyer nhấn mạnh: "Trong sáu tháng đầu năm 2022 ở Đức, chúng tôi bán được nhiều hàng hơn so với cả năm 2021".
Rào cản chuỗi cung ứng
Tuy nhiên, những sự bùng nổ năng lượng mặt trời không phải là không có thách thức.
Ông Elstermann nhận định, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Ông Elstermann khẳng định: “Một số thợ điện chuyên lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời phải đặt trước từ ba đến sáu tháng.Điểm nghẽn này gần như vượt qua sự thiếu hụt nguyên liệu và năng lực sản xuất hiện tại".
Theo ông David Wedepohl, ngành công nghiệp này đang chạy đua để giải quyết vấn đề nguồn lao động. Nhiều thợ điện từng rời bỏ công việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trong thập niên qua đã quay lại thị trường.
Ông David Wedepohl nói: “Rất nhiều thợ lắp đặt đang phải tăng ca, gấp rút đào tạo nhân viên để có thêm nhân lực làm việc. Đây là một thách thức, nhưng hy vọng, đây cũng là thời điểm tốt để ngành năng lượng mặt trời có thể vươn lên".
Vấn đề chung của châu Âu
Hiện tại, Đức đã phải sử dụng các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt và đảm bảo nguồn điện cung cấp cho cả đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, chính phủ không hài lòng về điều đó.
Ông Olaf Scholz nói: "Thật là cay đắng khi chúng tôi phải tạm thời sử dụng nhà máy điện than. Điều này sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn".
Trên khắp châu Âu, các quốc gia khác cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp thay thế khí đốt Nga.
Năm nay, Vương quốc Anh cũng tuyên bố thúc đẩy các nguồn điện khác, bao gồm cả năng lượng gió và năng lượng hạt nhân. Đối với một số người tiêu dùng, các lựa chọn thay thế cho hệ thống sưởi bằng gas, chẳng hạn như lò sưởi đốt củi, đã trở nên phổ biến hơn.
Trong tháng này, Bộ trưởng Khí hậu Áo Leonore Gewessler đã kêu gọi nhiều dự án năng lượng xanh hơn để giúp nước này loại bỏ khí đốt Nga.
Khi đề cập đến các đơn vị được sử dụng để xây dựng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió, bà Leonore Gewessler cho hay: “Chúng ta cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc này bởi chúng tôi thấy rằng, sự phụ thuộc của Áo vào nhiên liệu hóa thạch được sử dụng như một vũ khí trong chiến tranh".