Nguồn cung thiếu hụt, xuất khẩu cà phê tiếp tục có cơ hội tăng
11 tháng năm nay, theo thống kê của ngành Hải quan, cà phê Việt Nam xuất khẩu đạt 1,36 triệu tấn, trị giá ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước
Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu giảm dần trong 2 tháng gần đây do lượng tồn kho của cà phê Việt Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam có diện tích cà phê lớn thứ 6 thế giới, nhưng sản lượng cà phê lại đứng thứ 2 thế giới. Nguyên nhân được các chuyên gia ngành cà phê đánh giá là do tồn kho của cà phê Việt Nam Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Giá cà phê, sau thời gian chững lại, hiện đã đạt đến đỉnh, có thời điểm tăng lên 70.000 đồng/kg và dự báo trong vụ sau giá có thể tăng hơn nữa vì nguồn cung đang thiếu.
Về thị trường, Hoa Kỳ đang là thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 1,76 nghìn tấn, trị giá 6,31 triệu USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm mạnh 78,8% về lượng và giảm 69,3% về trị giá.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 93,84 nghìn tấn, trị giá 224,97 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 4,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận mức cao kỷ lục 3.586 USD/tấn, tăng 9,9% so với tháng 9/2023 và tăng 45,1% so với tháng 10/2022. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta sang Hoa Kỳ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.397 USD/tấn.
Robusta là chủng loại cà phê được xuất khẩu nhiều nhất sang Hoa Kỳ, chiếm 79% tổng kim ngạch trong 10 tháng năm 2023, cao hơn so với tỷ trọng 68,4% cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê Arabica và chế biến sang Hoa Kỳ giảm, chiếm lần lượt 10,46% và 10,54% trong 10 tháng năm 2023, thấp hơn so với tỷ trọng 16,97% và 14,63% trong 10 tháng năm 2022.
Trên thị trường giao dịch hàng hóa, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 20 - 26/11, giá cà phê tăng lần lượt 0,9% với Arabica và 0,95% với Robusta. Nguồn cung dần có những tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ lấn át lực mua từ giới đầu cơ.
Sau hai tháng giảm liên tiếp, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở Hàng hóa liên lục địa (ICE-US) trong tuần qua đã cải thiện khi tăng từ 289.699 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong hơn 24 năm lên 290.734 bao. Đồng thời, các kho lưu trữ hiện tại của Sở này cũng vẫn còn 22.014 bao Arabica đang chờ chứng nhận để bổ sung vào lượng tồn kho đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, mưa làm nhiệt độ dịu lại tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, khiến thị trường kỳ vọng nguồn cung vụ mới sẽ tích cực hơn. Tuy vậy, giới đầu cơ vẫn đặt cược vào giá cà phê còn dư địa tăng, từ đó thúc đẩy các vị thế mua ròng. Điều này khiến nguồn cung Arabica có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đủ làm đảo chiều giá.
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng công bố một loạt báo cáo giữa niên vụ cho các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu. Đơn vị này đã hạ dự báo nguồn cung cà phê của hầu hết các quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu như Brazil, Việt Nam và Indonesia với nguyên nhân thời tiết không thuận lợi cho cà phê phát triển tốt. Nguồn cung thiếu hụt là cơ hội cho xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục tăng cao về giá trị.