Nguồn gốc bộ trang phục đỏ trắng của Ông già Noel

Mặc áo choàng nhung đỏ viền lông trắng, đi bốt đen, đội chiếc mũ len ấm áp - diện mạo đặc trưng của Ông già Noel đã ăn sâu vào văn hóa đại chúng, là biểu tượng sâu sắc trong trí tưởng tượng của người dân trên khắp thế giới.

Những người đàn ông hóa trang thành Ông già Noel. Ảnh: The New York Times

Những người đàn ông hóa trang thành Ông già Noel. Ảnh: The New York Times

Trang phục của Ông già Noel có vô vàn phiên bản khác nhau – từ bộ đồ giản dị của Tim Allen trong phim The Santa Clause khi ông hóa thân thành người tặng quà huyền thoại, đến hình ảnh đầy phong cách của nhóm The Plastics trong bộ phim Mean Girls với chiếc váy hai dây mảnh. Dù có những biến tấu thú vị, bộ trang phục đặc trưng của Ông già Noel vẫn tạo nên một hình ảnh đồng nhất, gắn kết từ những trung tâm thương mại ở Mỹ đến khắp nơi trên thế giới, dù thực tế nhân vật này chỉ tồn tại trong tưởng tượng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Ông già Noel cũng mặc bộ đồ đỏ nổi tiếng. Thực tế, phải mất gần một thế kỷ, trang phục và ngoại hình của ông mới dần dần trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng như chúng ta biết ngày nay. Trước khi có Ông già Noel kiểu Mỹ, đã có vô vàn hình ảnh tiền thân - từ Thánh Nicholas, vị giám mục Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu; đến Sinterklaas trong truyền thống Hà Lan; từ ông già Noel Pháp Père Noël khoác áo trùm kín đầu đến Christkindl, Chúa Hài Đồng mang quà trong truyền thống Đức, và nhiều hình tượng khác nữa. Tuy nhiên, hình ảnh Ông già Noel như một nhân vật đặc trưng của nước Mỹ chỉ thực sự hình thành từ thập niên 1820, qua những bài thơ, tranh minh họa và chiến dịch quảng cáo đầy sáng tạo.

Nhóm The Plastics trong vai những người giúp việc của Ông già Noel trong bộ phim Mean Girls. Ảnh: Moviestore/Shutterstock

Nhóm The Plastics trong vai những người giúp việc của Ông già Noel trong bộ phim Mean Girls. Ảnh: Moviestore/Shutterstock

Các đặc điểm đặc trưng của Ông già Noel - một người đàn ông râu dài, mặc áo lông, ngồi trên tuần lộc kéo xe trượt tuyết - đã trở thành hình ảnh kinh điển nhờ bài thơ A Visit from St. Nicholas của nhà thơ Clement Clarke Moore vào năm 1823, cũng như một bài thơ ít nổi tiếng hơn từ năm 1821 mang tên Santeclaus. Tuy nhiên, những chi tiết khác về trang phục của ông có thể được diễn giải và thay đổi theo từng thời kỳ và sự sáng tạo của mỗi thế hệ.

Hình ảnh min họa Thánh Nicholas mặc áo vàng trong bài thơ của Moore. Ảnh: L. Prang & Co.

Hình ảnh min họa Thánh Nicholas mặc áo vàng trong bài thơ của Moore. Ảnh: L. Prang & Co.

Ông già Noel mặc đồ màu xanh lá cây trong bài thơ minh họa năm 1821. Ảnh: Thư viện Đại học Yale

Ông già Noel mặc đồ màu xanh lá cây trong bài thơ minh họa năm 1821. Ảnh: Thư viện Đại học Yale

Nhà sử học Gerry Bowler, tác giả của cuốn Santa Claus: A Biography, cho biết: “Thế kỷ 19 chứng kiến những cuộc tranh luận sôi nổi về ngoại hình và trang phục của Ông già Noel. Phải mất gần 80 năm, các nghệ sĩ Mỹ mới có thể thống nhất về bộ đồ đặc trưng của nhân vật này. Trước đó, Ông già Noel có thể mặc bất kỳ màu sắc nào, với đủ kiểu áo choàng và vô số biến thể thú vị khác nhau”.

Những diện mạo khác biệt của Ông già Noel

Trong những diễn giải ban đầu về hình ảnh Ông già Noel trong bài thơ của Moore, ông được miêu tả là một người vui vẻ, cá tính, một kẻ bán hàng rong nhỏ bé và tinh quái, có thể chui qua ống khói một cách khéo léo và đáng tin cậy. Bài thơ minh họa năm 1864 hình dung Thánh Nicholas – nhân vật vốn gắn liền với trang phục của một Giám mục – trong chiếc áo choàng vàng và mũ lông ấm áp. Còn bức tranh sơn dầu năm 1837 lại khắc họa ông trong chiếc áo choàng đỏ, lót lông mềm mại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hình dung Ông già Noel theo những diện mạo này. Một quảng cáo nổi tiếng năm 1850, quảng bá cho ca sĩ Jenny Lind, lại vẽ Ông già Noel là một người đàn ông không có râu, mang đậm dấu ấn của thời kỳ Chiến tranh Cách mạng. Trong khi đó, bìa sách The Life and Adventures of Santa Claus của L. Frank Baum, xuất bản năm 1902, miêu tả ông trong chiếc áo tối màu viền lông thú và đôi ủng đỏ rực rỡ - một diện mạo hoàn toàn khác biệt, nhưng cũng đầy ấn tượng.

Hình minh họa mô tả Ông già Noel cưỡi gà tây thay vì tuần lộc. Ảnh: Corbis/Getty Images

Hình minh họa mô tả Ông già Noel cưỡi gà tây thay vì tuần lộc. Ảnh: Corbis/Getty Images

Họa sĩ truyện tranh Thomas Nast của tạp chí Harper’s Weekly, người đã khéo léo tạo ra những hình ảnh mang tính biểu tượng như chú lừa cho đảng Dân chủ và chú voi cho đảng Cộng hòa, cũng chính là người góp phần định hình hình ảnh Ông già Noel mà chúng ta biết hôm nay.

Lần đầu tiên, vào năm 1863, trong thời kỳ Nội chiến, ông Nast đã vẽ hình ảnh Ông già Noel mặc áo sao và sọc khi trao quà cho những người lính Quân đội Liên bang. Tuy nhiên, hình ảnh mang tính biểu tượng và tồn tại lâu dài nhất của ông lại là phiên bản vào năm 1881, khi Ông già Noel xuất hiện trong chiếc áo choàng đỏ thắt lưng, gần như giống hệt hình ảnh chúng ta thấy ngày nay, theo Viện Smithsonian.

Sau đó, những họa sĩ nổi tiếng như Norman Rockwell và J.C. Leyendecker đã tiếp nối “công trình” của họa sĩ Nast, khắc họa hình ảnh Ông già Noel khỏe mạnh, trong bộ trang phục đỏ và trắng đặc trưng, thường xuyên xuất hiện trên bìa tạp chí The Saturday Evening Post vào đầu thế kỷ 20.

Theo lời của nhà sử học Bowler, khi Ông già Noel mặc bộ đồ đỏ trắng xuất hiện trên các bìa tạp chí đại chúng, hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng bất di bất dịch, như thể đó chính là Ông già Noel đích thực.

Tranh minh họa của họa sĩ Thomas Nast từ năm 1881 là bức chân dung đầu tiên mang tính hình thành cho thấy Ông già Noel có diện mạo như ngày nay. Ảnh: Alamy

Tranh minh họa của họa sĩ Thomas Nast từ năm 1881 là bức chân dung đầu tiên mang tính hình thành cho thấy Ông già Noel có diện mạo như ngày nay. Ảnh: Alamy

Song những tác phẩm mang tính bước ngoặt của các nghệ sĩ này đã bị lu mờ bởi những chiến dịch quảng cáo kéo dài suốt mùa lễ hội của Coca-Cola, dưới hoa tay của họa sĩ Haddon Sundblom năm 1931.

Những bức vẽ này đã trở thành hình ảnh biểu tượng Ông già Noel mà chúng ta quen thuộc ngày nay. Với làn da hồng hào, dáng vẻ tròn trịa, phiên bản Ông già Noel của họa sĩ Sundblom, ban đầu được lấy cảm hứng từ một nhân viên bán hàng đã nghỉ hưu và là bạn của ông, nhanh chóng trở nên phổ biến và tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ qua.

Quảng cáo ngày lễ của Coca-Cola đã trở thành biểu tượng tương đồng với hình ảnh đương đại của Ông già Noel, thường bị nhầm lẫn là thiết lập diện mạo của ông. Ảnh: Alamy

Quảng cáo ngày lễ của Coca-Cola đã trở thành biểu tượng tương đồng với hình ảnh đương đại của Ông già Noel, thường bị nhầm lẫn là thiết lập diện mạo của ông. Ảnh: Alamy

“Có lẽ hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Coca-Cola là thương hiệu đã xác định trang phục đỏ trắng cho Ông già Noel. Tuy nhiên, đó không phải là sự thật. Trang phục mang tính biểu tượng của Ông già Noel đã được định hình từ nhiều thập kỷ trước”, nhà sử học Bowler chỉ ra.

Coca-Cola thậm chí không phải là thương hiệu đầu tiên sử dụng hình ảnh Ông già Noel trong bộ đồ đỏ, như ông Bowler chia sẻ. Trước đó, công ty đồ uống White Rock Beverages đã thực hiện điều này trong Thế chiến thứ nhất, vài năm trước khi họa sĩ Sundblom vẽ Ông già Noel cho Coca-Cola.

“Chắc chắn là các quảng cáo của Coca-Cola đã phủ sóng khắp nơi – chúng vô cùng phổ biến trong nhiều năm. Vì vậy, mọi sự thay đổi đều khiến người ta cảm thấy khó chấp nhận”, ông nói tiếp.

Hình ảnh trở thành biểu tượng

Bức tranh sơn dầu vẽ Ông già Noel của Robert Walter Weir từ năm 1837, mô tả ông là người bán hàng rong không có râu, đội mũ trùm đầu. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Smithsonian American

Bức tranh sơn dầu vẽ Ông già Noel của Robert Walter Weir từ năm 1837, mô tả ông là người bán hàng rong không có râu, đội mũ trùm đầu. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Smithsonian American

Theo nhà sử học Stephen Nissenbaum, mặc dù bộ trang phục đỏ nổi tiếng của Ông già Noel không phải là hình ảnh đầu tiên gợi nhớ về ông, nhưng những người sáng tạo ra hình ảnh này đã cố ý làm cho hình ảnh đó trở thành biểu tượng. Trong cuốn sách The Battle for Christmas xuất bản năm 1988, ông Nissenbaum nghiên cứu sự hình thành nhân vật Ông già Noel và thách thức quan điểm phổ biến cho rằng ông là một sự du nhập tự nhiên từ nhân vật Thánh Nicholas của Hà Lan, Sinterklaas.

Thay vào đó, nhà sử học Nissenbaum cho biết nhóm “quý ông yêu thích lịch sử” ở New York - bao gồm Clement Clarke Moore, nhà sáng lập Hội Lịch sử New York John Pintard và nhà văn Washington Irving - đã cố tình thay đổi hình ảnh của Thánh Nicholas vào những năm 1820, biến ông thành biểu tượng của ngày lễ ấm cúng, vui vẻ trong bối cảnh nghèo đói và tội phạm gia tăng.

Theo nhà sử học Nissenbaum, truyền thống lễ Giáng sinh ở New England ban đầu không phải là một dịp lễ trang nghiêm - mà là một lễ hội kéo dài cả tháng, ồn ào và phóng túng vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Lễ hội này được mô tả như một chiếc “van an toàn” cho phép người nghèo giải tỏa sự ức chế, xả hơi có kiểm soát thay vì gây bất ổn xã hội. Một phong tục phổ biến trong dịp này là người nghèo có thể đến nhà của những gia đình giàu có, với hy vọng được nhận thức ăn và đồ uống ngon lành như một cử chỉ thiện chí.

Vào thời của nhà thơ Moore, Giáng sinh không được tổ chức theo một hình thức thống nhất. Những người Thanh giáo đã cố gắng loại bỏ dịp lễ này, trong khi những tín đồ Tin lành lại nỗ lực biến nó thành một dịp lễ trang trọng vào ngày 25/12. Một số cộng đồng khác vẫn duy trì không khí vui tươi truyền thống, dẫn đến sự hình thành của các nhóm băng đảng đường phố ồn ào, hoạt động khắp nơi trong dịp lễ.

“Không có hoạt động nào trong số đó giống với dịp lễ Giáng sinh mà chúng ta biết ngày nay. Trong những cách ăn mừng này, không có những buổi tụ họp ấm cúng hay cảnh tượng những đứa trẻ háo hức nhận quà. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy cây thông Noel, tuần lộc, hay ông già Noel ở bất kỳ đâu”, nhà sử học Nissenbaum viết.

Chân dung Ông già Noel của J.C. Leyendecker (trái) và Norman Rockwell (phải) đã giúp thiết lập bộ đồ và tính cách nhân từ Ông già Noel. Ảnh: The Saturday Evening Post

Chân dung Ông già Noel của J.C. Leyendecker (trái) và Norman Rockwell (phải) đã giúp thiết lập bộ đồ và tính cách nhân từ Ông già Noel. Ảnh: The Saturday Evening Post

Trong phiên bản Giáng sinh mới mẻ này, trẻ em - những sinh linh vốn chỉ được đối xử như những người lớn thu nhỏ với cuộc sống đầy thiếu thốn - bỗng chốc trở thành đối tượng của sự hào phóng, đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận của xã hội. Hình dung của nhà thơ Moore về Thánh Nicholas, theo Nissenbaum, là một hình ảnh được “tân trang” theo kiểu thế tục, thuộc tầng lớp lao động, nơi mà nhân vật này không còn là kẻ đột nhập vào các ngôi nhà, mà trở thành một vị khách không yêu cầu điều gì. Ngược lại, chính ông là người mang đến những món quà.

Và khi trang phục thay đổi, bản chất nghịch ngợm của Ông già Noel cũng dần phai mờ, nhường chỗ cho hình ảnh một vị khách cao lớn, vui vẻ và đầy lòng nhân từ.

“Đó là một ngoại hình hiền từ, nhưng lại mang một nét gì đó xa lạ. Ông ấy là nhân vật của trí tưởng tượng, mặc những bộ đồ mà không ai khác có thể mặc. Nhưng theo thời gian, nó đã trở nên quen thuộc”, ông Bowler nhận xét về trang phục của Ông già Noel.

Ông Bowler tin rằng nhiều đặc điểm trong trang phục của Ông già Noel đã chinh phục trí tưởng tượng của mọi người thực ra là những lựa chọn mang tính thực tế: Khi đã quyết định rằng ông đến từ Bắc Cực, thì chiếc áo choàng đỏ rực sẽ là lựa chọn hợp lý, nổi bật giữa bộ râu và tuyết trắng.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm chính xác phong cách ảnh hưởng đến phong cách trang phục của Ông già Noel có thể rất mơ hồ, vì hình ảnh của ông có nhiều điểm tương đồng với các nhân vật khác nhau trên thế giới. Một số đặc điểm chỉ đơn giản được kết hợp lại thành hình ảnh Ông già Noel đặc trưng của phương Tây. Chỉ riêng chiếc mũ của ông đã được nhận diện là mũ Phrygian cổ xưa, mũ nỉ, mũ Camauro viền lông của Giáo hoàng, và nhiều kiểu mũ khác nữa. Nhưng giờ đây, tất cả đã trở thành một phần không thể thiếu để nhận diện nhân vật này..

Với lịch sử phong phú và đa dạng, trang phục của Ông già Noel chắc chắn đã trải qua vô vàn biến tấu thú vị. Biết đâu trong tương lai, tủ đồ của ông có thể sẽ lại được làm làm mới, mở rộng thêm một lần nữa, với vẻ đẹp mới mẻ nhưng không làm phai mờ những giá trị truyền thống của lễ Giáng sinh.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/nguon-goc-bo-trang-phuc-do-trang-cua-ong-gia-noel-20241223171650122.htm