Nguồn gốc của cái ác

Nhiều người gây tội ác khi còn rất trẻ, họ đều phải lớn lên cùng những người mẹ tuổi vị thành niên và nghiện thuốc phiện, hoàn cảnh mà ai cũng biết sẽ kéo theo sự ruồng bỏ, xa lánh.

Việc cái ác đến từ đâu cũng như chúng ta phải làm gì để chống lại nó đã là một chủ đề tranh luận bất hủ của nhân loại kể từ khi các nền văn minh bắt đầu xuất hiện. Mọi người thường cho rằng cái ác chỉ được sinh ra khi bản năng phá hoại bẩm sinh của một đứa trẻ không được chuyển hóa thành nhân cách tốt đẹp, đoan trang và cao quý thông qua sự trừng phạt về thể xác.

Ngày nay chẳng mấy ai còn tin câu chuyện truyền miệng ngày xưa rằng ma quỷ đã lén đánh tráo con của chúng ta bằng con của chúng, và rằng chúng ta phải thật nghiêm khắc với giống loài quỷ quái đó để đưa chúng về con đường chính đạo. Tuy nhiên, một số người vẫn còn tranh cãi nghiêm túc về chuyện bộ gen có thể định hướng một số đứa trẻ trở thành kẻ phạm tội ngay từ khi sinh ra.

Việc truy tìm các gen "bất hảo" này đã là chủ đề của nhiều dự án nghiên cứu, mặc dù vậy, các giả thuyết này đều sớm bị bác bỏ khi phải đối mặt với sự thật. Chẳng hạn, chưa có ai ủng hộ lí thuyết “cái ác bẩm sinh” giải thích được tại sao một nhóm trẻ em có “gen xấu”, tại sao những người tình nguyện đi theo phục vụ Hitler, lại được sinh ra vào khoảng đầu thế kỷ XX.

Đến giờ, chúng ta đã có đủ bằng chứng để bác bỏ quan điểm khẳng định rằng một số người được sinh ra với thiên tính xấu xa. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp huyền thoại phi lý này ở đa số các nền văn hóa, và chúng cũng nhanh chóng được truyền bá rộng rãi. Dù đã bị bác bỏ nhưng luận điểm này vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Ngày nay chúng ta biết rằng bộ não của một đứa trẻ mới sinh không phải là một sản phẩm hoàn chỉnh như nhiều người từng nghĩ. Sự hình thành của não bộ phụ thuộc rất nhiều vào những trải nghiệm đầu đời. Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy não bộ chúng ta có khả năng thay đổi trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong những năm đầu tiên.

Chẳng hạn, một người sẽ không thể nào phát triển được khả năng đồng cảm nếu họ không được lớn lên trong tình yêu thương và sự chở che, đùm bọc. Nói cách khác, một đứa trẻ lớn lên trong sự khước từ về mặt cảm xúc hoặc bị đối xử tàn bạo về thể chất sẽ khó có thể đồng cảm được với người khác.

Tất nhiên, chúng ta cũng không được sinh ra trong sạch hoàn toàn. Mỗi đứa trẻ mới sinh đều có một hành trình của riêng mình, chín tháng từ khi thụ thai đến lúc được sinh ra. Bên cạnh đó, mỗi đứa trẻ đều được kế thừa rất nhiều từ mã gen của cha mẹ chúng. Những yếu tố này có thể, ở một mức độ nhất định, định hình tính khí cũng như năng khiếu thiên bẩm của một đứa trẻ.

Nhưng tính cách của một người lại chủ yếu phụ thuộc vào việc người đó có nhận được sự yêu thương, bảo vệ và thấu hiểu trong những năm tháng lớn khôn hay không, hay tất cả những gì mà họ nhận được chỉ có sự vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ và tàn nhẫn.

Nhiều kẻ giết người khi còn rất trẻ, mới chỉ vừa quá tuổi nhi đồng, đều phải lớn lên cùng những người mẹ tuổi vị thành niên và nghiện thuốc phiện, hoàn cảnh mà ai cũng biết sẽ kéo theo sự ruồng bỏ, xa lánh và những tổn thương tinh thần nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, các nhà thần kinh học đã có thể khẳng định rõ hơn rằng những đứa trẻ từng bị chấn thương tâm lý hay từng bị bỏ rơi thường kéo theo những ảnh hưởng không tốt đến não bộ, lên đến ba mươi phần trăm tại những vùng điều khiển cảm xúc.

Họ giải thích là do những tổn thương nặng nề trong thời thơ ấu đã kích thích trẻ và đẩy nhanh tốc độ giải phóng các hormone căng thẳng, hủy hoại các tế bào thần kinh và các liên kết thần kinh mới được hình thành.

Alice Miller/ Bách Việt Books & NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-cua-cai-ac-post1486236.html