Nguồn gốc của sự chênh lệch giàu nghèo
Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới đã thu thập những nỗ lực kết hợp của gần 100 nhà nghiên cứu liên quan đến 80 quốc gia trên mọi châu lục.
Mọi xã hội đều đã vun đắp kiến thức và phân tích sự chênh lệch giàu nghèo thực sự, giả định hoặc mong muốn, giữa người nghèo và người giàu, chí ít từ thời của những tác phẩm The Republic và The Laws (trong đó Plato cho rằng chênh lệch giàu nghèo là không quá 4 lần). Vào thế kỷ 18, Jean-Jacques Rousseau giải thích rằng sự hình thành sở hữu tư nhân và tích lũy của cải tư nhân quá mức là nguồn gốc của bất bình đẳng và bất hòa giữa mọi người.
Tuy nhiên, phải đến khi Cách mạng Công nghiệp ra đời, những thắc mắc chân thực về tiền lương và điều kiện sống của người lao động mới chồng chất, cùng với những nguồn tư liệu mới về thu nhập, lợi nhuận và tài sản. Vào thế kỷ 19, Karl Marx đã cố gắng sử dụng tốt nhất nguồn dữ liệu tài chính và tài sản thừa kế của người Anh dưới thời ông, ngay cả khi phương tiện và tư liệu lúc bấy giờ chỉ có hạn.
Sang thế kỷ 20, việc nghiên cứu những câu hỏi này đã chuyển sang một bước ngoặt mang tính hệ thống hơn. Các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu trên quy mô lớn về giá cả và tiền lương, thu nhập và lợi nhuận từ đất đai, tài sản và ruộng vườn thừa kế.
Năm 1933, Ernest Labrousse xuất bản cuốn Esquisse du mouvement des prix et des revenus en France au xvme sìecle (Phác thảo về diễn biến giá cả và thu nhập ở Pháp vào thế kỷ 18), một nghiên cứu đồ sộ trong đó ông chỉ ra diễn biến qua nhiều thập niên trước Cách mạng Pháp: tiền lương nông nghiệp đã giảm so với giá lúa mì và thu nhập từ đất đai, tất cả đều trong bối cảnh áp lực nhân khẩu tăng mạnh.
Dù không tuyên bố dứt khoát đó là nguyên nhân duy nhất khiến cuộc Cách mạng nổ ra, nhưng xem ra rõ ràng diễn biến này chỉ khiến cho tầng lớp quý tộc và chế độ chính trị tồn tại bấy lâu ngày càng trở nên mất lòng dân.
Năm 1965, trên trang nhất của nghiên cứu Le Mouvement du Profit en France au xixe sìecle (Diễn biến lợi nhuận ở Pháp trong thế kỷ 19), Jean Bouvier và các đồng tác giả đã mô tả chương trình nghiên cứu qua đó họ khẳng định: “Chừng nào thu nhập của các tầng lớp xã hội đương thời vẫn còn nằm ngoài phạm vi nghiên cứu khoa học, thì việc cố gắng viết một lịch sử kinh tế và xã hội xác thực vẫn còn vô nghĩa”.
Thường gắn liền với trường phái Annales, vốn có ảnh hưởng đặc biệt trong nghiên cứu lịch sử Pháp giai đoạn 1930 đến 1980, lịch sử kinh tế và xã hội mới này không bỏ qua việc nghiên cứu các hệ thống sở hữu. Năm 1931, Marc Bloch xuất bản nghiên cứu kinh điển về các hình thái hệ thống nông nghiệp thời trung cổ và hiện đại. Năm 1973, Adeline Daumard trình bày kết quả của một cuộc khảo sát rộng lớn được thực hiện dựa trên văn khố về tài sản thừa kế của Pháp thế kỷ 19.
Từ thập niên 1980, phong trào nghiên cứu tuy có chậm lại đôi chút nhưng đã để lại một dấu ấn kéo dài trong thực tiễn nghiên cứu khoa học xã hội. Suốt thế kỷ 20 đã có vô số nghiên cứu của nhiều nhà sử học, xã hội học và kinh tế học, từ Francois Simiand đến Christian Baudelot và từ Emmanuel Le Roy Ladurie đến Gilles Postel Vinay, về tiền lương và giá cả, thu nhập và của cải, thuế thập phân và tài sản.
Bên cạnh đó, các nhà sử học và kinh tế học Mỹ và Anh cũng mở đường cho lịch sử phân phối của cải. Năm 1953, Simon Kuznets kết hợp các tài khoản quốc gia đầu tiên mà ông đã giúp thiết lập sau những tổn thương của thời kỳ Suy thoái, với dữ liệu từ thuế thu nhập liên bang (ra đời vào năm 1913, sau một cuộc đấu tranh chính trị và hiến pháp kéo dài) để ước tính tỷ lệ thành phần thu nhập cao trong tổng thu nhập quốc gia.
Nghiên cứu của ông chỉ bao gồm một quốc gia duy nhất (Hoa Kỳ) và trong một thời gian tương đối ngắn (1913-1948), nhưng là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, và đã gây ra một chấn động lớn. Robert Lampman cũng thực hiện nghiên cứu tương tự vào năm 1962 với dữ liệu thừa kế của Cục thuế liên bang. Năm 1978, Tony Atkinson đẩy mạnh phân tích hơn nữa, sử dụng các nguồn dữ liệu thừa kế của Anh. Alice Hanson Jones thậm chí còn quay ngược thời gian xa hơn: vào năm 1977, bà đã công bố kết quả của một cuộc điều tra rộng lớn về tài sản của người Mỹ dưới thời thuộc địa.
Dựa trên tất cả các nghiên cứu trước đó, một chương trình nghiên cứu mới về lịch sử thu nhập và thịnh vượng đã được tổ chức vào đầu những năm 2000, mà tôi may mắn được tham gia với sự hỗ trợ nhiệt thành của nhiều đồng nghiệp như Facundo Alvaredo, Tony Atkinson, Lucas Chancel, Emmanuel Saez, và Gabriel Zucman.
So với các nghiên cứu quá khứ, làn sóng mới này có lợi thế về các phương tiện kỹ thuật tiên tiến. Vào thời kỳ từ năm 1930 đến 1980, Labrousse, Daumard và Kuznets đã thực hiện nghiên cứu hầu như hoàn toàn bằng thủ công, trên thẻ hồ sơ.
Mọi tập hợp dữ liệu và mọi bảng kết quả đều đòi hỏi đầu tư kỹ thuật đáng kể, đôi khi khiến nhà nghiên cứu không còn hơi sức để lo liệu chu toàn nhiệm vụ diễn giải lịch sử, huy động các nguồn lực khác và phân tích phản biện các hạng mục, nên rõ ràng là đã làm cho lịch sử trở nên yếu kém và đôi khi bị coi là tập trung hạn hẹp (nghĩa là quá tập trung vào việc tạo ra các trình tự lịch sử có thể so sánh theo thời gian và không gian, một việc tuy có thể được coi là cần thiết nhưng không đủ để thúc đẩy tiến bộ trong khoa học xã hội).
Ngoài ra, các nguồn dữ liệu thu thập trong làn sóng nghiên cứu đầu tiên gần như không thể truy nguyên, làm hạn chế khả năng tái sử dụng và thiết lập một quy trình tích lũy thực sự.
Ngược lại, những tiến triển tin học hóa kể từ năm 2000 đã giúp mở rộng phân tích, bao trùm được những khoảng thời gian dài hơn và nhiều quốc gia hơn. Dựa trên chương trình nghiên cứu này, vào năm 2021, Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới (WID.world) đã thu thập những nỗ lực kết hợp của gần 100 nhà nghiên cứu liên quan đến 80 quốc gia trên mọi châu lục, với dữ liệu về phân phối thu nhập và thịnh vượng mà có những trường hợp là từ thế kỷ 18 và 19, và tiếp tục cho đến những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.
Việc nhìn từ góc độ so sánh trong khung thời gian dài hơn đã giúp các nhà nghiên cứu thực hiện nhiều phép so sánh hơn, cũng như đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc giải thích các diễn biến quan sát trên phương diện xã hội, kinh tế và chính trị.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-cua-su-chenh-lech-giau-ngheo-post1514562.html