Nguồn gốc và sự ra đời của thước Lỗ Ban
Trong kiến trúc xây dựng và nội thất, thước Lỗ Ban là yếu tố được coi như một phần của khoa học phong thủy, được quan tâm thứ 3 sau Nhất vị, Nhị hướng.
Lỗ Ban là ai?
Lỗ Ban (chữ Hán: 魯班 ha; bính âm: Lu Ban), tên thật Công Du Ban (chữ Hán: 公輸班; bính âm: Gōngshū Pán), họ Công Du, tên Ban (班, 盘 hay 般), hiệu Công Du Tử, được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng. Theo tìm hiểu, có vài truyền thuyết về lai lịch của ông. Trong đó có nơi kể lại rằng, Lỗ Ban là thợ mộc giỏi của nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông) thời Xuân Thu (770-476 TCN). Tên ông là Ban, họ là Công Thâu (cũng đọc Công Du). Lỗ Ban nghĩa là “ông Ban người nước Lỗ”.
Theo E.T.C. Werner (tác giả của cuốn sách "A Dictionary of Chinese Mythology") cho rằng Lỗ Ban sinh năm 506 TCN. Cha là Công Thâu Hiền. Công Thâu Ban thuở trẻ là thợ giỏi về các loại vật liệu như gỗ, đá, kim loại. Năm 40 tuổi ông ở ẩn trên núi Lịch Sơn, tu luyện pháp thuật.
Một thuyết khác cho rằng Lỗ Ban là người Đôn Hoàng, Túc Châu (nay là huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc), thời Chiến Quốc (475-221 TCN). Ông có tài nghệ tinh xảo, chế tạo diều gỗ cho người ngồi trên đó bay đi do thám thành trì nước Tống.
Một thuyết khác lại cho rằng ông tên là Công Thâu Ban, thường gọi là Công Thâu Tử, vốn là con của Lỗ Mục Công (có sách chép là Lỗ Chiêu Công). Tương truyền Công Thâu Tử chế tạo nhiều loại máy móc, có thể dùng trong tác chiến như thang mây (vân thê) bắc lên tường thành để công phá thành. Mặc Tử là người chủ trương phản chiến, từng đánh bại Công Thâu Ban về kỹ thuật công phá thành.
Sách Mặc Tử, thiên Công Thâu chép: “Công Thâu Ban làm thang mây cho nước Sở xong, sắp đem đi đánh Tống. Mặc Tử nghe tin, bèn đi suốt mười ngày mười đêm từ nước Lỗ đến kinh đô của nước Sở để yết kiến Công Thâu Ban. Mặc Tử cởi đai lưng giả làm thành, lấy thẻ tre giả làm khí giới. Công Thâu Ban chín lần bày cách đánh thành giả ấy nhưng Mặc Tử chín lần cự lại. Công Thâu Ban dùng hết khí giới đánh thành mà Mặc Tử thì còn cách chống giữ. Công Thâu Ban chịu thua”.
Thước lỗ ban ra đời thế nào?
Sau khi Công Thâu Ban chịu thua, Mặc Tử đã thuyết phục ông không chế tạo những công cụ phục vụ chiến tranh nữa mà chuyển sang phát minh ra công cụ lao động và sản xuất như móc khoan, máy xay đá, xẻng, dụng cụ đo góc, thước đo... Trong đó, thước Lỗ Ban tương truyền là do ông sáng chế, ngoài ra nó còn có nhiều tên gọi khác như Môn xích, Bát tự xích và mục đích được dùng để đo kích thước nhà cửa, phòng ốc, đình viện, giường phòng và các loại khí cụ.
Trên tất cả các loại thước Lỗ Ban đều có nguyên lý giống nhau, được phân chia thành các cung lớn (tốt hoặc xấu), trong mỗi cung lớn này lại chia thành các cung nhỏ thể hiện chi tiết tốt hoặc xấu về việc gì. Màu đỏ trên thước Lỗ Ban biểu thị cho các cung tốt nên dùng, màu đen biểu thị cho các cung xấu nên tránh.
Ngày nay, thước Lỗ Ban được ứng dụng rộng rãi trong kiến trúc xây dựng và nội thất, là yếu tố được coi như một phần của khoa học phong thủy. Kích thước hợp phong thủy là vấn đề được quan tâm thứ 3 trong các vấn đề về phong thủy, chỉ sau 2 yếu tố Nhất vị, Nhị hướng.
Một ngôi nhà xây đúng hướng, hợp tuổi gia chủ, đúng ngày giờ và vào đúng năm cũng chưa đủ tốt hẳn mà còn xấu đi khi xây nhà, làm cửa phạm phải các kích thước rơi vào cung xấu trong thước Lỗ Ban. Một khi kích thước thông thủy của các cửa phạm phải cung xấu sẽ làm chìm đắm mọi cái tốt dù có hợp hướng.
Khác với hướng nhà và sự hợp tuổi với thời gian có thể lựa chọn và điều chỉnh thì kích thước chỉ có thể lấy đúng cung số để không gây tai họa cho gia chủ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguon-goc-va-su-ra-doi-cua-thuoc-lo-ban-407733.html