Cảm nghĩ về mùa trăng tròn - Tết Trung Thu

Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết đoàn viên (15/8 Âm lịch) hàng năm là dịp mọi người quây quần bên nhau phá cỗ, ngắm trăng rằm, tương truyền đây là ngày trăng sáng nhất tròn trịa nhất trong một năm.

Tác giả: Ánh Trăng

“Thùng thình, thùng thình trống rộn ràng ngoài đình,
Có con sư tử đang múa quanh vòng quanh.
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng,
Dưới ánh trăng vàng đàn em hát vang vang...”

Đó là những câu hát được vang lên trên mỗi con phố, trong mỗi ngôi nhà vào dịp Trăng tròn.

Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết đoàn viên (15/8 Âm lịch) hàng năm là dịp mọi người quây quần bên nhau phá cỗ, ngắm trăng rằm, tương truyền đây là ngày trăng sáng nhất tròn trịa nhất trong một năm. Mọi người kể cho nhau nghe về sự tích dân gian chị Hằng chú Cuội, về những chiếc bánh nướng, bánh dẻo từ đâu mà có,…Ngày lễ Trung Thu không lớn như ngày Rằm tháng Giêng hay Rằm tháng Bảy, nhưng đối với nét văn hóa Phật giáo Việt Nam đang ngày càng bảo tồn và phát huy những giá trị, nét đẹp của phong tục lễ hội cổ truyền dân tộc bên cạnh sự phát triển thời đại công nghệ mới hiện đại hóa thì thật đáng quý khi nếp cũ vẫn được lưu truyền.

Tại mỗi gia đình vào dịp Trung Thu, ban ngày các gia đình sắm lễ mỏng lòng thành như hoa quả, bánh kẹo, hoa tươi dâng lên ban thờ gia tiên, ban thờ Phật để bày tỏ tấm lòng hiếu kính, đặc biệt vào ngày rằm tháng 8 trên ban thờ của mọi nhà sẽ không thể thiếu một thứ quả, thứ bánh được coi là truyền thống của Tết đoàn viên, ấy là quả bưởi, chiếc bánh nướng, bánh dẻo.

Đến buổi tối, các gia đình, hàng xóm láng giềng quây quần tụ họp cùng nhau thụ lộc từ rất sớm, thư thái chờ trăng lên. Địa điểm có thể là sân chơi công cộng, hay nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố, một nơi rộng rãi để có thể tụ tập đông. Trẻ con sẽ được ông bà, bố mẹ mua cho nhiều đồ chơi gắn liền với đặc trưng của ngày lễ này: đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ Trung Thu, đèn cù, đèn kéo quân, đầu sư tử,…

Ảnh: st

Ảnh: st

Những đứa trẻ của các gia đình là háo hức nhất, không chỉ được mua đồ chơi, chúng còn được theo bố mẹ, ông bà cho sum họp cùng những gia đình thân quen khác để cùng nhau bày biện, sửa soạn mâm cỗ Trăng Rằm tháng 8 thật chu toàn, đẹp đẽ.

Cả lũ đứa lớn đứa bé rủ nhau đi rước đèn lồng, đèn ông sao quanh khu phố, người lớn thì ở lại sân nhà thưởng thức mâm cỗ và trò chuyện. Ngoài đường phố, các tốp nghệ thuật biểu diễn múa lân nhộn nhịp, các thanh thiếu niên hóa trang thành nhân vật cổ tích, mang lại niềm vui, tiếng cười cho người dân.

Ngày nay, mâm cỗ Trung Thu được nghệ thuật hóa hơn do nhu cầu đời sống con người cao hơn, thẩm mĩ hơn ngày xưa rất nhiều. Nếu như mâm bồng bày ban thờ không thể thiếu quả bưởi, mâm phá cỗ Trung Thu khi thụ lộc cũng vậy, quả bưởi lúc này được sự khéo léo của con người tạo nên những hình hài ngộ nghĩnh xinh xắn với nhiều hình dáng: chú chó, chú mèo, hay làm thành giỏ đựng nhiều thức quả,…Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống hình dáng cổ điển, đơn giản được sáng tạo kiểu cách điệu đà, mềm mại hơn như vẽ hoa sen, tạo hình chú heo con, chất liệu làm bánh cũng phong phú, đa dạng như: bánh làm từ bột mì, bột gạo, bột rau câu,…

Ảnh: st

Ảnh: st

Theo quan niệm của người xưa, nếu chờ được lúc trăng lên, chứng kiến cảnh trăng tròn nhất, sáng nhất thì người ấy sẽ có được nhiều may mắn trong suốt một năm, những điều ước về sức khỏe, gia đình, học tập cũng trở thành hiện thực. Vì vậy không chỉ các bạn nhỏ mà người lớn ai cũng háo hức tham gia đêm hội trăng rằm và chờ trăng lên.

Ảnh: st

Ảnh: st

Tại nhiều ngôi chùa, Tết Trung Thu không phải ngày lễ trọng đại nhưng được các tăng ni, phật tử tổ chức thông qua các khóa thiền, khóa tụng kinh cầu quốc thái dân an, không khí tại mỗi buổi đàm pháp ấm áp hơn mọi ngày vì có chén trà xanh cùng miếng bánh cổ truyền, đặc biệt nhiều chùa còn tổ chức buổi lễ đêm hội trăng Rằm dành cho các thiếu nhi xung quanh địa bàn chùa.

Có những ngôi chùa tổ chức cho trẻ em, người dân xung quanh rước đèn, được các tăng, ni, phật tử hướng dẫn thiền hành, gieo tạo nhân duyên cho mọi người biết đến với phật pháp, nương tựa Tam bảo, không chỉ là một lần tham dự đêm hội trăng rằm ở chùa mà còn là dịp lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp của đạo Phật cùng văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài ra, các chùa cũng bày biện từ sớm những mâm cỗ Trung Thu dâng lên Tam bảo để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn.

Mặc dù Tết Trung Thu không phải là một ngày lễ Phật giáo chính thức, nhưng nó vẫn được nhìn nhận qua lăng kính của Phật giáo như một dịp để thực hành các giá trị tinh thần, tôn vinh sự đoàn viên, duy trì sự hòa hợp, an lạc trong cuộc sống. Phật pháp, tựa như ánh sáng của vầng trăng chiếu rọi, chỉ đường dẫn lối cho con người khỏi lạc đường trong đêm tối, dẫn dắt con người tu tập đúng chính pháp.

Tác giả: Ánh Trăng

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cam-nghi-ve-mua-trang-tron-tet-trung-thu.html