Nguồn kiến thức pháp luật hữu ích cho nhân dân
BHG - Nhiều năm qua, xã Kim Thạch (Vị Xuyên) luôn chú trọng xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL), thường xuyên bổ sung các đầu sách phục vụ nhu cầu tìm đọc, nghiên cứu các quy định, văn bản, kiến thức pháp luật của cán bộ, nhân dân địa phương; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL), nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
TSPL của xã hiện có trên 200 đầu sách, đầy đủ các tài liệu về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến nhân dân và hoạt động cơ quan, đơn vị. Các tài liệu pháp luật phổ thông như: Sách hỏi đáp, bình luận, tờ gấp đề cương, băng, đĩa hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nhiều loại công báo, bản tin pháp luật của Trung ương và của tỉnh. Nhiều đầu sách về các lĩnh vực: An toàn giao thông, xây dựng, đất đai, hộ tịch, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, các chế độ, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ khẩu, khiếu nại… Đồng thời, còn có sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính tư pháp, hòa giải ở cơ sở, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; những tài liệu hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế mới...
Chị Hoàng Thị Chiên, thôn Nà Cọ tâm sự: Tôi cùng với các chị em trong thôn thường xuyên rủ nhau đến TSPL của xã, để tìm đọc các tài liệu, văn bản pháp luật mới ban hành. TSPL rất hữu ích, bổ sung những thông tin về pháp luật, giúp người dân hiểu biết sâu và nắm chắc hiến pháp, để sống và làm việc nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, giúp nhân dân địa phương thêm gắn kết, xây dựng vững chắc khu dân cư văn hóa, gia đình hạnh phúc và làm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn khi số lượng người dân đến tìm đọc, tìm hiểu TSPL chưa được nhiều, chủ yếu là công dân đến xã thực hiện các giao dịch với ngân hàng, chờ đợi để các thủ tục hành chính. Nhiều công dân khi có vấn đề liên quan đến pháp luật hay quyền lợi cá nhân, thì hỏi trực tiếp công chức Tư pháp – Hộ tịch của xã. TSPL ở xã chỉ mở cửa vào giờ hành chính nên việc người dân tiếp cận không thường xuyên. Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người dân có thể khai thác thông tin trên internet với thời gian nhanh chóng, thuận tiện nên TSPL không được để ý đến nhiều.
Đồng chí Trương Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Kim Thạch cho biết: TSPL có ý nghĩa rất quan trọng đến hoạt động phổ biến, GDPL cho người dân ở địa phương. Đồng thời, giúp các Chi bộ, MTTQ, các hội, đoàn thể nghiên cứu áp dụng vào các hoạt động quản lý xã hội, từng bước đưa pháp luật vào đời sống, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân. Đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và trong cách tổ chức thực hiện, tăng cường công tác phổ biến sâu rộng thu hút mọi đối tượng đến với TSPL, nâng cao phong trào học tập, tìm hiểu pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, vai trò, ý nghĩa, sự quan trọng của TSPL trong đời sống nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, xây dựng, khai thác TSPL, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Thực hiện luân chuyển sách pháp luật đến nhà văn hóa từng thôn, giúp người dân không phải di chuyển xa, thuận tiện trong việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và áp dụng vào thực tiễn. Thường xuyên rà soát, bổ sung các đầu sách mới để cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích và đáp ứng nhu cầu tra cứu pháp luật của cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn. Xã sẽ in các văn bản pháp luật mới để phát trực tiếp cho nhân dân trong các đợt tuyên truyền, phổ biến GDPL trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt các hội, đoàn thể để TSPL hoạt động hiệu quả hơn. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho quản lý, khai thác TSPL hiệu quả và nâng cấp hệ thống máy tính kết nối mạng internet để khai thác tài liệu, văn bản pháp luật.