Nguồn lợi xanh bền vững

Thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, tiềm năng đất đai rừng phong phú, những năm qua tỉnh ta đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, dong dưỡng, trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng.

Đã có trên 1.000ha rừng gỗ nhỏ được chuyển hóa rừng gỗ lớn

(baophutho.vn) - Thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, tiềm năng đất đai rừng phong phú, những năm qua tỉnh ta đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, dong dưỡng, trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng. Không còn đất trống, đồi núi trọc, những cánh rừng sản xuất được chăm sóc đúng kỹ thuật đã mở hướng thoát nghèo cho người trồng rừng. Chính sách hỗ trợ đã được ban hành, lợi ích kinh tế thấy rõ, song cần sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện của người dân để mang lại lợi ích kép là vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Tăng tuổi rừng

Cánh rừng 20ha trồng keo lai của ông Đinh Văn Nam, khu 1 xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt, có những cây đường kính gần 100cm. Ông Nam phấn khởi chia sẻ: “Khu vực này trên 10ha keo năm năm tuổi tôi đã giữ lại để chuyển hóa thành gỗ lớn. Số còn lại sang năm tôi chuyển hóa nốt. Nếu như đúng chu kỳ khai thác mà bán làm nguyên liệu giấy chỉ thu lãi mỗi ha khoảng 50-70 triệu đồng, để lại sau năm năm lãi gấp đôi, tôi bỏ túi khoảng ba tỉ đồng mà lại không mất công chăm sóc, giống, phân...”.

Ông Nam là một trong hàng trăm hộ dân của huyện Yên Lập được lựa chọn tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn, giúp nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, đặc biệt là phòng chống lũ lụt, hạn hán. Đến nay huyện đã chuyển hóa được 176ha rừng cây gỗ lớn góp phần tăng năng suất rừng trồng thâm canh, tăng tỉ lệ che phủ rừng, giảm xói mòn và rửa trôi đất, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; tạo sinh kế cho các gia đình, nâng cao đời sống người dân và phát huy tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại địa phương. Hiện nay, huyện Yên Lập đang đẩy mạnh việc hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn để phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn.

Có thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 48,2%, trong đó đất có rừng chiếm trên 39,8% so với tổng diện tích tự nhiên, những năm qua, các địa phương, ngành chức năng đã chủ động cụ thể hóa các chính sách của Trung ương và của tỉnh theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh về “Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh”, trong đó chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ lớn; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp.

Thông qua chính sách hỗ trợ, đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán, nâng cao ý thức, trách nhiệm, của người dân trong sản xuất, từ đó người dân yên tâm giữ rừng, phát triển cây gỗ lớn góp phần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến gỗ theo hướng giảm tỉ lệ nguyên liệu gỗ giấy, gỗ dăm, tăng sản lượng gỗ xẻ, gỗ thanh, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Nhân viên kiểm lâm tuyên truyền vận động hộ ông Nam ở Yên Lập chuyển hóa 20ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Nâng giá trị

Thực tế cho thấy, việc trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn từng bước làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khuyến khích được người dân tích cực tham gia trồng rừng, tạo nên phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng độ che phủ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và hình thành được các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ổn định phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản (đảm bảo nguồn nguyên liệu cho 178 doanh nghiệp, sáu hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa; khoảng 2,1 nghìn cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình).

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ về lĩnh vực lâm nghiệp còn thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân của vấn đề này là do nhận thức của người dân về kinh doanh gỗ lớn và quản lý rừng bền vững chưa cao, còn tâm lý e ngại do chu kỳ kinh doanh gỗ lớn dài, trong khi đời sống của người dân còn khó khăn nên chưa mạnh dạn tham gia vào phát triển gỗ lớn; chất lượng rừng còn thấp (sâu bệnh, đổ gãy) chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ chuyển hóa.

Nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển lâm nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là mục tiêu quan trọng cần đạt được trong thời gian tới. Đồng chí Đỗ Ngọc Đoàn- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Mục tiêu của ngành kiểm lâm đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn, trong đó vùng sản xuất tập trung 10 nghìn ha, trong đó huyện Tân Sơn 4.000ha, Thanh Sơn 4.000ha, Yên Lập 2.000ha, gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu; năng suất rừng trồng đạt 17m3/ha/năm; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 25.000ha rừng. Phát triển cây lâm sản ngoài gỗ là cây dược liệu, cây đặc sản 3.000ha cây quế. Trước mắt, toàn tỉnh sẽ trồng gần 769 nghìn cây phân tán, trên 846ha rừng tập trung theo kế hoạch “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần và Đề án “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND, tỉnh đã hỗ trợ chuyển hóa gần 1.010ha rừng gỗ lớn tại các huyện: Tân Sơn (trên 261ha); Thanh Sơn (275ha); Yên Lập (176ha); Cẩm Khê (100 ha); Hạ Hòa gần (40ha); Thanh Ba (trên 52ha); Thanh Thủy (9,5ha); Đoan Hùng (95ha) với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng. Đưa diện tích rừng sản xuất gỗ lớn của tỉnh tăng nhanh, ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 9,6 nghìn ha (trong đó chuyển hóa 3,1 nghìn ha và trồng rừng gỗ lớn 6,5 nghìn ha).

Chính sách hỗ trợ đã được triển khai, bài toán kinh tế rõ ràng, song hiện nay việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn còn gặp khó khăn do trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi các cấp các ngành cần cụ thể hóa các nội dung thành kế hoạch và đưa ra giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến. Trong đó, đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn từ hội nghị sang thăm quan học tập thực tế, hướng dẫn kỹ thuật theo phương thức cầm tay chỉ việc. Cung cấp thông tin về giống chất lượng cao, giống, tiến bộ kỹ thuật, đồng thời chủ động đề xuất với tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ cho phát triển gỗ lớn, nhất là khâu chọn tạo giống và cơ giới hóa lâm nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng để tạo thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để đạt cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) theo phương thức: Doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật, chủ rừng có đất, để từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh của thị trường nhằm đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu ổn định, rừng bền vững FSC, nguyên liệu tham gia vào chuỗi hành trình sản phẩm CoC…

Với các giải pháp đồng bộ cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của người dân, các chủ rừng, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong giai đoạn tới sẽ tăng lên, tái cơ cấu lâm nghiệp sẽ có bước khởi sắc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202202/nguon-loi-xanh-ben-vung-182740