Nguồn lực hỗ trợ hạm đội đánh cá trái phép của Trung Quốc

Những tàu cá bất hợp pháp của Trung Quốc sẽ không thể tồn tại nếu không được hậu thuẫn hàng trăm triệu USD để duy trì hoạt động và sức ảnh hưởng trên lãnh hải quốc tế.

Hàng loạt các vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp với ngư dân bản địa và lực lượng tuần duyên các nước liên tiếp được ghi nhận trong 5 năm trở lại đây.

Với quy mô ước tính từ 200.000 đến 800.000 tàu, hạm đội đánh bắt hải sản bất hợp pháp đến từ Trung Quốc có phạm vi hoạt động trải dài trên nhiều vùng biển rộng lớn khác nhau.

Quy mô và phạm vi hoạt động

Vào tháng 11/2016, cảnh sát biển Hàn Quốc đã nổ súng vào hai tàu cá Trung Quốc đe dọa đâm vào tàu tuần duyên ở Hoàng Hải.

Cùng năm, Argentina đã đánh chìm một thuyền Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của quốc gia Nam Mỹ này.

Vào tháng 5/2019, khoảng 20 tàu cá treo cờ Trung Quốc bị phát hiện tiến vào hải phận Triều Tiên, ngang nhiên vi phạm quy định của Liên Hợp Quốc.

Theo điều tra của NBC, nhóm tàu nói trên là một phần của hạm đội đánh bắt hải sản bất hợp pháp lớn nhất thế giới với hơn 800 tàu cá từ Trung Quốc hoạt động trên Biển Nhật Bản (vùng biển Hàn Quốc gọi là biển Đông) và khu vực lân cận.

Giới quan sát nhận định rằng vụ việc nói trên giúp lý giải sự biến mất của hơn 70% trữ lượng mực ở Biển Nhật Bản.

 Nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Triều Tiên vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Triều Tiên vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Cùng năm, các sĩ quan tuần dương Gambia đã bắt giữ 15 tàu nước ngoài vì hoạt động trái phép gần bờ biển Tây Phi. 14 tàu trong số đó đến từ Trung Quốc.

Vào tháng 7, hơn 340 tàu Trung Quốc đã tiếp cận Khu bảo tồn đa dạng sinh học biển Galápagos. Hầu hết thuyền này đều có liên quan đến hoạt động đánh cá bất hợp pháp, theo South China Morning Post.

Vào năm 2017, một hạm đội có kích thước tương tự cũng đã bị giới chức Ecuador bắt vì khai thác trái phép 300 tấn hải sản, trong đó có nhiều loài nguy cấp như cá nhám búa.

Indonesia, Nam Phi và Philippines gần đây đều có những cuộc đụng độ với các đội tàu đánh bắt mực đến từ Trung Quốc.

Sự thống trị trên các đại dương của nhóm tàu đánh bắt đến từ Trung Quốc làm dấy lên câu hỏi xoay quanh thế lực đứng sau hạm đội này.

Nguồn lực hậu thuẫn khổng lồ

Phóng viên điều tra Ian Urbina của tờ New York Times cho rằng nguyên nhân cho sự trợ lực nói trên từ lâu đã rõ ràng: nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cho 1,4 tỷ dân và duy trì ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc.

Khi Hải quân Mỹ rút khỏi vùng biển Tây Phi và Trung Đông, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng khai thác hải sản và tàu hộ vệ ở những hải phận này

Ngoài ra, Trung Quốc nỗ lực xâm lấn và vi phạm luật biển quốc tế ở những khu vực giàu tiềm năng về trữ lượng dầu khí như Biển Đông và vùng ven Bắc Cực, theo South China Morning Post.

“Quy mô và mức độ hung hăng của hạm đội đánh cá trái phép giúp Trung Quốc nắm quyền kiểm soát trên nhiều vùng biển”, Giám đốc Gregory Poling của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc viện nghiên cứu CSIS nhận định.

 Giám đốc Gregory Poling của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á. Ảnh: Diplomat.

Giám đốc Gregory Poling của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á. Ảnh: Diplomat.

Ông Poling cũng nhấn mạnh rằng có rất ít quốc gia sẵn sàng phản kháng khi các tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của họ.

Trữ lượng hải sản trong vùng biển Trung Quốc từ lâu đã cạn kiệt vì bị khai thác quá mức và chịu ảnh hưởng từ quá trình công nghiệp hóa quá nhanh. Tình trạng đó buộc khoảng 2.600 tàu cá nước này phải mạo hiểm đánh bắt xa bờ để đảm bảo nguồn cung hải sản cho 1,4 tỷ dân.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Stimson, con số nói trên lớn gấp ba lần tổng số tàu cá của Nhật Bản, Đài Loan (vùng lãnh thổ tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là một tỉnh ly khai), Hàn Quốc và Tây Ban Nha cộng lại.

 Theo South China Morning Post, hạm đội đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc không có đối thủ về mặt quy mô và phạm vi hoạt động. Ảnh: AFP.

Theo South China Morning Post, hạm đội đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc không có đối thủ về mặt quy mô và phạm vi hoạt động. Ảnh: AFP.

Chưa hết, con số 2.600 tàu thuyền đánh bắt xa bờ chỉ là dữ liệu được công khai bởi chính phủ Trung Quốc. Vẫn còn nhiều tàu cá nước này hoạt động mà không bị kiểm soát và thống kê, theo South China Morning Post.

“Nếu không nhận được sự hậu thuẫn khổng lồ, hạm đội đánh bắt hải sản của Trung Quốc sẽ có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với hiện tại. Nhóm tàu này nhiều khả năng cũng sẽ không thể mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông”, ông Poling nhận xét.

Giáo sư Tabitha Grace Mallory thuộc Đại học Washington cho biết chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ ngành cá nước này trong hai thập kỷ qua.

 Giáo sư Tabitha Grace Mallory. Ảnh: Đại học Washington.

Giáo sư Tabitha Grace Mallory. Ảnh: Đại học Washington.

Vào năm 2018, trợ cấp ngư nghiệp toàn cầu vào khoảng 35,4 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 7,2 tỷ USD.

Số tiền khổng lồ nói trên được dùng để cải thiện động cơ, vỏ thép và trang thiết bị y tế trên tàu để ngư dân kéo dài thời gian bám biển.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc còn cung cấp thông tin tình báo cho các tàu cá nước này để tiếp cận những vùng biển giàu trữ lượng tài nguyên nhất.

Điều tra viên Daniel Pauly của Đại học British Columbia cho rằng sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh không chỉ làm gia tăng căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp mà còn “trực tiếp dẫn đến sự cạn kiệt nguồn cá và đa dạng sinh học”.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, hiện 90% trữ lượng các loài cá được phép đánh bắt đã bị khai thác quá mức và không thể tự phục hồi.

Trung Quốc cũng là nước vi phạm luật “khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định” (IUU) nghiêm trọng nhất, theo thống kê của Poseidon Aquatic Resource Management.

 Điều tra viên Daniel Pauly cho rằng sự trợ lực của Trung Quốc đối với các tàu cá bất hợp pháp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả môi trường biển lẫn tình hình ổn định khu vực. Ảnh: Sea Around Us.

Điều tra viên Daniel Pauly cho rằng sự trợ lực của Trung Quốc đối với các tàu cá bất hợp pháp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả môi trường biển lẫn tình hình ổn định khu vực. Ảnh: Sea Around Us.

Một trong những lý do khiến quy mô hạm đội tàu cá Trung Quốc phình to với tốc độ bất thường nằm ở những mục đích khác ngoài việc khai thác hải sản đơn thuần.

Bên cạnh những khoản trợ cấp cho hoạt động đánh bắt xa bờ, chính quyền Bắc Kinh còn có chương trình khuyến khích tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong các hải phận tranh chấp như một cách để khẳng định chủ quyền.

Hải quân Ecuador phát hiện 340 tàu cá TQ gần quần đảo Galapagos Hải quân Ecuador đang giám sát một đội tàu cá quy mô lớn của Trung Quốc hoạt động gần vùng biển được bảo vệ thuộc quần đảo Galapagos, giữa những lo ngại về tác động môi trường.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguon-luc-ho-tro-ham-doi-danh-ca-trai-phep-cua-trung-quoc-post1155702.html