Nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn
Lao động nông nghiệp chiếm trên 48% tổng lao động xã hội, huyện Hạ Hòa xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Để giúp người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) chi nhánh huyện Hạ Hòa đã tập trung đầu tư vốn cho vay vào các lĩnh vực là thế mạnh của huyện như sản xuất ván bóc, kinh doanh, chăn nuôi, trồng cây ăn quả... Trên thực tế, vốn vay đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với khu vực nông thôn, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nằm ở vùng thượng huyện, xã miền núi Hà Lương gắn với làng nghề chế biến nông, lâm sản, có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân trên địa bàn được tiếp cận các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Agribank với dư nợ hàng chục tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội.
Là khách hàng doanh nghiệp lớn của Chi nhánh Agribank Hạ Hòa, Công ty TNHH Thành Minh MN Phú Thọ đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép... cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài, Công ty đã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Thành Minh- Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay của Agribank tiếp sức nhất là vào thời điểm sản phẩm làm ra bị đình trệ, khó khăn trong tiêu thụ mà chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập trung bình từ 7,5-8,5 triệu đồng/người/tháng”.
Để tạo thuận lợi cho người vay vốn, Agribank chi nhánh Hạ Hòa đặc biệt quan tâm cải cách thủ tục cho vay, hướng dẫn chi tiết cho khách hàng, nhất là khách hàng ở địa bàn vùng núi, đặc biệt khó khăn; tích cực khảo sát nhu cầu vay.
Cùng với đó, Chi nhánh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để huy động nguồn vốn tại địa phương, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để cho vay các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu tín dụng đối với khách hàng trên địa bàn. Tính đến hết tháng 10/2023, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt trên 1.720 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu là nông dân, hộ sản xuất kinh doanh với khoảng 7.000 khách hàng cá nhân và 17 doanh nghiệp, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Đồng chí Tạ Thành Long - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Hạ Hòa cho biết: “Để nâng cao chất lượng tín dụng, chúng tôi thường xuyên phân công cán bộ phụ trách bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo khách hàng sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Chúng tôi kiên quyết xử lý nợ quá hạn, nợ xấu duy trì ở mức 0,3%. Cán bộ của Chi nhánh làm tốt công tác tuyên truyền, chăm sóc khách hàng truyền thống, tích cực tìm kiếm khách hàng mới, khách hàng có nguồn tiền gửi lớn. Việc Chi nhánh linh hoạt điều hành lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn như giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất... đã giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh”.
Từ nguồn vốn vay của Agribank chi nhánh Hạ Hòa đã góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện duy trì phát triển ổn định; năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, đàn gia súc, gia cầm dần phục hồi; nuôi trồng thủy sản được quan tâm đầu tư và đang phát triển mạnh các sản phẩm thủy sản bản địa, thủy sản đặc sản có lợi thế từng vùng, địa phương, đáp ứng cung cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện đã triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển nông nghiệp như: Nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại xã Hương Xạ; mở rộng và xây dựng thương hiệu cam Yên Kỳ; nuôi dúi sinh sản tại xã Văn Lang... góp phần chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tích cực, hình thành thêm nhiều vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi quy mô lớn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả nổi bật, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54 khu dân cư đạt chuẩn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt, hình thành các chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm đã có thương hiệu, được tiêu thụ với số lượng lớn. Năm 2023, bảy sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận, nâng tổng sản phẩm OCOP toàn huyện lên 18 sản phẩm.
Đồng hành, gắn bó với người nông dân trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hạ Hòa đã trở thành người bạn thân thiết, điểm tựa giúp nông dân có vốn sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nguon-luc-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon/203869.htm