'Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội
Sáng nay 28/9, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo 'Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến, đề xuất các chính sách, giải pháp cho Hà Nội trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội.
Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,PGS.TS Đoàn Minh Huấn; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, nhà quản lý.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Bí thư thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử 1000 năm hình thành và phát triển. “Vùng đất kinh đô Thăng Long – Hà Nội đã được tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, xây dựng bởi di sản văn hóa đồ sộ vô giá, nơi hội tụ văn hóa mọi vùng miền để chắt lọc nên giá trị Thăng Long – Hà Nội, được kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Văn hóa Thăng Long – Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, với Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa”, đồng chí Ngô Thị Thành Hằng khẳng định.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng văn hóa, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sậu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô. Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hòa bình, hữu nghị và người Hà Nội thạnh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.
Phát biểu đề dẫn tịa hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn - Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung vào thảo luận, tham góp các ý kiến, các giải pháp văn hóa để thúc đẩy thực hiện chương trình thành phố sáng tạo của Thủ đô.
Tại hội thảo, ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định những giá trị văn hóa của Hà Nội; làm rõ vai trò của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế- xã hội của Thủ đô cũng như trong việc xây dựng Thành phố sáng tạo; giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, văn hóa có chức năng điều tiết xã hội. Quá trình thực hiện chức năng điều tiết của văn hóa chính là quá trình các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp vào xã hội, mang lại những vận động trên thực tế của xã hội, dẫn tới hiệu quả là sự phát triển của xã hội.
Để phát huy được nguồn lực cho phát triển từ chức năng điều tiết xã hội của văn hóa, theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Hà Nội cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất văn hóa, vao trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống. Nhận thức ấy phải được cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể, được chế định trong các quy định luật pháp và được bảo đảm thực hiện bằng các thiết chế chính trị-xã hội.
GS. Tạ Ngọc Tấn cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả đầu tư cho văn hóa là con người, nghĩa là đầu tư cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên chuyên môn, người hoạt động các phong trào, văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức hoạt động văn hóa…
Cũng theo GS. Tạ Ngọc Tấn, cảnh quan đô thị là yếu tố hàm chứa hàm lượng văn hóa cao. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển của Hà Nội hầu như chưa được tính toán cẩn thận nên hay bị điều chỉnh, thay đổi, thiếu sự kết nối hạ tầng, không đồng bộ với các yếu tố văn hóa, xã hội, dịch vụ. Vì vậy, cần phải được điều chỉnh trong giai đoạn tới.
Theo GS,TS. Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hà Nội có một tiềm năng văn hóa lớn, phong phú, lâu đời, đa dạng, và là tài nguyên rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có được. Vấn đề còn lại là khả năng, năng lực khai thác, khai thông nguồn tài nguyên đó như thế nào vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai.
GS.TS Đinh Xuân Dũng chỉ rõ, trí thức là lực lượng rất quan trọng trong toàn bộ quá trình văn hóa từ sản xuất, sáng tạo đến truyền bá và nhận định hiệu quả của văn hóa đối với người tiếp nhận.
Với ý nghĩa đó, Hà Nội nên tập trung cho khởi nghiệp sáng tạo, cho lựa chọn ưu thế của mình trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.
“Khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững của Hà Nội không chỉ là làm sống lại quá khứ, truyền thống trong hiện tại mà còn kích hoạt sức mạnh văn hóa của hiện tại cho sự phát triển của tương lai Hà Nội. Với suy nghĩ đó, xin kiến nghị, Hà Nội nên coi phát huy sức mạnh văn hóa là một đột phá chiến lược trong sự phát triển của mình” - GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: việc gia nhập Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo.
Hà Nội đã không lựa chọn những lĩnh vực mà thành phố đã đạt được sự tiến bộ rồi, mà Hà Nội lại lựa chọn thiết kế, điều này thể hiện chủ ý muốn nâng tầm Mạng lưới các thành phố sáng tạo trở thành công cụ để định hình con đường phát triển phía trước, dùng danh hiệu này không chỉ là động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn là cách để tạo ảnh hưởng lên tất cả các khía cạnh của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn thế nữa trong những năm tiếp theo, Hà Nội vừa là thành phố đi đầu, thí điểm, đất nước có thể thiết lập một mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trải dọc từ Bắc vào Nam. Ngoài những lợi ích kinh tế - xã hội, “vành đai” sáng tạo này sẽ cung cấp một cách biểu đạt đầy sức mạnh cho một Việt Nam hiện đại, một đất nước năng động và sáng tạo hơn nền kinh tế hội tụ sự cảm hứng và sáng tạo đổi mới xuất phát chính từ tài năng của thanh niên, tạo cảm hứng cho sự ra đời của những thực hành và sản phẩm văn hóa mới, một đất nước nơi sản phẩm không được tạo ra một cách đơn giản mà chúng được thiết kế ra./.