Nguồn nhân lực chất lượng cao - 'chìa khóa' trong phát triển du lịch bền vững
Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao được đánh giá là "vùng đất vàng" góp phần phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
Vùng đất tiềm năng
Vĩnh Phúc nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Địa hình như vậy tạo cho tỉnh có nhiều cảnh quan hấp dẫn như dãy núi Tam Đảo, nơi có Khu du lịch Tam Đảo - điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách; các hồ Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, đầm Vạc, đầm Rưng… là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc; vườn cò Hải Lựu, vườn cò Đạo Trù… là điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu hấp dẫn gắn liền với những tour du lịch đồng quê.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như Khu danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn-chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống (Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Chọi trâu, Lễ hội đền Thính…); các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo (hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca…) và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống; trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương của Vĩnh Phúc cũng là sức hút du khách.
Sẵn lợi thế về vị trí địa lý, lại có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa nổi tiếng, Vĩnh Phúc đã và đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, nhiệm vụ và giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Vĩnh Phúc đặt ra như một trong những giải pháp quan trọng.
Nhìn chung, nhân lực ngành Du lịch được rèn luyện, thử thách, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn vươn lên, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, gắn bó với cơ quan, đơn vị với ngành. Bên cạnh những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân, đã xuất hiện nhiều lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, toàn diện như hiện nay, nhân lực ngành Du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển ngành. Số lượng nhân lực còn ít. Theo kết quả điều tra khảo sát trên toàn tỉnh, tính đến cuối tháng 12/2016, nhân lực ngành Du lịch của tỉnh hơn 5 nghìn người, chỉ chiếm 2,4% tổng số lao động toàn tỉnh, trong đó, chỉ có hơn 2 nghìn lao động trực tiếp.
Ngành Du lịch tỉnh đang thiếu nhiều nhân lực thuyết minh, hướng dẫn viên; quản lý doanh nghiệp; quản trị kinh doanh; chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển ngành; các chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có hàng trăm di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống; di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng cùng lượng du khách không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/12/2016, cả tỉnh chỉ có khoảng 20 hướng dẫn viên du lịch làm việc tại các công ty lữ hành trong tỉnh trên tổng số 80 người được Sở VH-TT&DL cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Ước tính đến năm 2020, ngành Du lịch cần khoảng 8,5 nghìn lao động, trong đó 3,5 nghìn lao động trực tiếp. Không chỉ thiếu về số lượng, cơ cấu nhân lực du lịch hiện nay chưa đồng bộ, năng lực thực tiễn còn hạn chế. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt tạo nhân lực trẻ.
Kiến thức quản trị nhà hàng, khách sạn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của ngành. Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao.
Thêm vào đó, chất lượng nhân lực quản lý ở các địa phương còn nhiều bất cập; nhân lực thuộc các ngành nghề kinh doanh mới, doanh nghiệp mới chưa được đào tạo đầy đủ và bài bản. Tỷ lệ lao động chuyển từ doanh nghiệp du lịch này sang doanh nghiệp du lịch khác hoặc ra khỏi ngành có xu hướng tăng; công tác tuyển dụng chưa đảm bảo tuyển người đúng vị trí, vẫn tuyển dụng theo hình thức mùa vụ.
Chế độ tiền lương, tiền thưởng và kỷ luật lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa có tác dụng khuyến khích người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ. Những ưu điểm và hạn chế của vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển du lịch bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là từ công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch của địa phương.
Tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, cơ sở đào tạo chính, trực tiếp liên quan đến ngành Du lịch ở Vĩnh Phúc gồm Khoa Du lịch, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc chuyên đào tạo các ngành nghề như lễ tân, hướng dẫn viên du lịch và quản trị khách sạn nhà hàng; Trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên (ngành Khách sạn du lịch)…
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, một số doanh nghiệp cũng linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo trong việc phát triển đội ngũ nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng phục vụ, kinh doanh.
Bên cạnh thay đổi trong khâu đào tạo, hành lang pháp lý… nhiều doanh nghiệp đã bắt kịp xu hướng liên kết cung - cầu với nhà trường, chủ động giải quyết “điểm nghẽn” của ngành Du lịch.
Điển hình như Tập đoàn Flamingo Group đã thực hiện ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khách sạn-du lịch với Trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, hướng đến việc phát triển du lịch địa phương bền vững.
Đồng thời, Flamingo Group sẽ hỗ trợ giới thiệu giảng viên thực hành, nhận thực tập, đào tạo trực tiếp công việc và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với các sinh viên theo học chương trình.
Bên cạnh đó, hai bên cùng thành lập Hội đồng khoa học chung để thảo luận, thống nhất các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch-khách sạn.
Hợp tác này đã mở ra một con đường mới cụ thể hơn, thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch, phục vụ tại Flamingo Đại Lải Resort nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Trong tương lai gần, doanh nghiệp này sẽ hướng tới đào tạo liên kết quốc tế, đào tạo đại học và sau đại học ngành du lịch-khách sạn Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho đào tạo ở các cơ sở đào tạo còn hạn hẹp, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, việc tuyển chọn nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng để phát triển các ngành dịch vụ du lịch gặp nhiều khó khăn.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều công ty phải hợp tác với các trường nghề tại Hà Nội lựa chọn nhân sự về Vĩnh Phúc làm việc, song, do khoảng cách địa lý và chế độ đãi ngộ theo mặt bằng chung của khu vực chưa cao nên số lượng nhân lực có trình độ cao, kỹ năng mềm thuần thục về đây làm việc còn rất ít.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bền vững du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - mũi nhọn của địa phương, cần chú ý đến những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, phát triển nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.
Hai là, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo về du lịch mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy đồng bộ, hiện đại; chuẩn hóa chất lượng giảng viên; chuẩn hóa giáo trình khung đào tạo du lịch.
Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch theo chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch và kinh tế-xã hội của tỉnh; từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch hợp chuẩn với quốc gia, khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao.
Bốn là, đa dạng hóa phương thức đào tạo; khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường sự liên kết của các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo.
Năm là, tỉnh cần có giải pháp để kết nối 3 nhà (nhà trường, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) để bảo đảm cung cầu nguồn nhân lực cũng như đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực, tránh việc đào tạo lại, gây lãng phí.
Sáu là, đội ngũ quản lý ngành Du lịch cần nêu cao trách nhiệm trong vấn đề tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng lao động không đủ điều kiện, các lao động tự do không giấy phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo ra thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh.
Như vậy, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố trọng tâm để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành Du lịch của tỉnh, thực hiện và phát huy có hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ như hiện nay, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng được xem là thời điểm để các doanh nghiệp tập trung đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, tạo tiền đề và sức bật để phục hồi ngành Du lịch cả nước nói chung, của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng thời kỳ hậu đại dịch, tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.