Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới

'Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị 'tổ' cho 'đại bàng', điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những 'cánh rừng', những 'cánh đồng' cho các 'đàn ong' lấy hoa làm mật? Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực?... Chúng ta có chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm?'.

Đó là câu hỏi mở được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại Hội nghị của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8.1 vừa qua. Vấn đề được Tổng Bí thư đặt ra càng trở nên nóng bỏng khi tới đây, sẽ có khoảng 100 nghìn lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động từ việc thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và khoảng 100 nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; nhưng hơn thế, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ, làm biến chuyển ngày càng sâu sắc thị trường lao động, cơ cấu việc làm, từ đó đòi hỏi phải có những chính sách, những giải pháp phát triển nguồn nhân lực thực sự kỹ lưỡng, khả thi.

Ủy ban Xã hội, trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám chỉ rõ, năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn (số liệu thống kê 9 tháng của năm là 64,6%), trong đó, khu vực thành thị là 49,3%, khu vực nông thôn là 74,2%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi là 7,92%, gấp 3,53 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi (2,26%). Đáng chú ý là, chỉ có 28% lực lượng lao động đã qua đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân. “Việc này tạo ra thách thức lớn trong việc tăng năng suất lao động, phát triển các ngành nghề, công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao khi hội nhập quốc tế sâu rộng”, Ủy ban Xã hội nhận định.

Nhân lực dù đã được Đảng ta xác định là một trong ba đột phá chiến lược từ nhiều nhiệm kỳ qua, nhưng rõ ràng, đến nay, đây vẫn là một thách thức lớn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt thiếu hụt lao động kỹ năng cao trong các ngành công nghiệp 4.0 và dịch vụ chất lượng cao.

Ngay trong lĩnh vực đang rất “hot” hiện nay là công nghệ số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, một đại biểu Quốc hội chia sẻ rằng, ông thấy hụt hẫng khi tiếp cận chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ số của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám đã có khá nhiều quy định liên quan đến phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, nhưng theo vị đại biểu, vẫn còn chung chung, chưa có tính đột phá, chưa rõ tập trung cho lĩnh vực nào, đối tượng nào; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ gì cho việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này trong điều kiện các viện, trường đang phải thực hiện tự chủ về kinh phí? Chính sách đặc thù để thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao cũng đã được đưa ra và hết sức cần thiết, nhưng cũng chưa được như kỳ vọng... “Có thể không quy định cụ thể trong Luật mà ở các văn bản quy định chi tiết khác, nhưng dứt khoát phải có được các chính sách đột phá, tất nhiên, đột phá nhưng phải khả thi, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này”, vị đại biểu nói.

Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 13.1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Chính phủ xác định là một trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 12 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài, triển khai các chương trình đào tạo; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập; tập trung nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu mạnh; phát triển các trường đại học; có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam... Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Quốc hội sẽ rà soát, sửa đổi, hoàn thiện 11 luật.

Như vậy, có thể trông đợi vào sự đột phá phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, không chỉ là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ các “đại bàng” mà như Tổng Bí thư đã lưu ý, phải có "kế hoạch chuẩn bị những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho cả các “đàn ong” lấy hoa làm mật".

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguon-nhan-luc-trong-ky-nguyen-moi-post402523.html