Nguồn sức mạnh nội sinh - động lực để Việt Nam bứt phá
Việt Nam đang có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín lớn để thực hiện khát vọng đưa đất nước tới phồn vinh, hùng cường và nguồn sức mạnh nội lực đã được khẳng định trong các thời kỳ cách mạng hiện vẫn là nhân tố quyết định.
Bởi thế, hơn bao giờ hết chúng ta phải biến tất cả những nguồn lực nội sinh của dân tộc thành lợi thế, thành sức mạnh phi thường để đưa đất nước phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Để phát huy lợi thế cạnh tranh
Trong tất cả các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương kết hợp sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thực tế đã chứng minh, phát huy sức mạnh nội lực, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Đặc biệt, bằng sức mạnh nội lực to lớn, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ, diện mạo và bức tranh toàn cảnh của đất nước đã có những thay đổi đáng kể. Việt Nam đã từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế.
Hiện, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển năng động, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển mới mang tính đột phá. Không còn lăn bánh mãi trên đường băng, Việt Nam đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh”, đó là hội nhập sâu hơn nữa với thế giới, vươn tới sánh vai cùng các nước phát triển. Trong giai đoạn bứt phá vươn lên, việc thắng chính mình là thách thức lớn nhất.
Để hiện thực những mục tiêu phát triển mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước hiện nay. Nội lực ở đây không chỉ là tài nguyên, vị trí địa lý… mà là thế và lực được tạo ra bởi toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, ý chí, quyết tâm của mỗi con người Việt Nam, bởi truyền thống, văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, dù hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia nhưng nội lực vẫn là yếu tố quyết định và chỉ khi thực sự có nội lực, nội lực được thổi bùng, ta mới có thể đưa ra quan điểm độc lập của mình về các vấn đề quốc tế và tiến hành "hòa nhập" mà không "hòa tan". Nói một cách khác, chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập, vươn ra quốc tế, học hỏi được nhiều ở khắp năm châu bốn biển, nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn phải đứng được trên đôi chân của chính mình, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh.
Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao vận dụng được tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế - biến nội lực thành sức mạnh vô hình nhưng vô địch để có thể đưa dân tộc đi lên?
Trước hết, là nhân tố con người - tài nguyên vô tận và quý giá nhất, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Người Việt Nam ở trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới đã chứng tỏ sự thông minh, tài giỏi, nhạy bén, nhanh nhẹn, uyển chuyển, linh hoạt, giỏi xử lý tình huống thông qua những thành tích đạt được, cống hiến cho thế giới trên rất nhiều lĩnh vực, đến lúc phải phát huy tối đa nguồn lực đáng giá này. Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn. Con người là vốn quý và cần phải coi trọng bộ phận tinh hoa - nguồn tài nguyên đặc biệt. Chúng ta phải có chiến lược nhân tài, lực lượng dẫn dắt xã hội.
Trong thời kỳ phát triển hiện nay, đây là lúc phải mạnh mẽ khai mở tư duy, tìm chọn và trọng dụng người tài. Đồng thời, muốn phát huy nguồn lực con người phải đề cao hơn nữa vai trò trung tâm của con người trong mọi quyết sách. Tức là con người phải được tham gia vào công việc quan trọng, được đóng góp vào sự nghiệp lớn lao của đất nước và được hưởng thành quả một cách tương xứng, đầy đủ.
Cùng với phát huy nguồn lực con người, văn hóa đa dạng, phong phú với bản sắc hết sức độc đáo cũng là lợi thế lớn, một yếu tố quyết định trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Trước đòi hỏi từ thực tiễn đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo khi xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tư duy phát triển đất nước một cách đột phá, sáng tạo, bền vững phải bắt đầu từ văn hóa và con người.
Thực tế công cuộc xây dựng và phát triển đất nước những năm gần đây đã chứng minh là chúng ta đang đi đúng hướng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì là một minh chứng hùng hồn về nhận thức có tầm chiến lược của Đảng về văn hóa.
Đồng thời, trong thời gian qua, những đường lối, chủ trương về phát triển văn hóa đưa ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc dần được hiện thực tại những chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, ở những kế hoạch, mục tiêu trong thực tiễn… Bên cạnh đó, còn một khía cạnh không thể không nhắc tới đó là truyền thống hiếu học, khả năng trí tuệ của người Việt đã và đang trở thành một trong những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển với tốc độ cao của đất nước cũng như thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế.
Một điều nữa, để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam. Khát vọng dân tộc là động lực đưa đất nước đi tới phồn vinh, thịnh vượng. Để đi tới đích trước hết phải có khát vọng. Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như không có hai chữ khát vọng.
Vì vậy, khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để đẩy người ta phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, sức mạnh nội lực của quốc gia còn là ý chí của toàn dân tộc, ở giai đoạn phát triển này là ý chí chấn hưng đất nước theo định hướng phát triển, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu. Ý chí đó thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, từng cấp lãnh đạo, quản lý, đó là sức mạnh to lớn đưa dân tộc Việt Nam tiến lên.
Nhiều học giả quốc tế sau khi nghiên cứu về lịch sử dân tộc Việt đã phải thốt lên: dân tộc phi thường! Phi thường chính là một trong những đặc trưng của lịch sử và văn hóa Việt. Sự phi thường đó không chỉ đơn thuần là ở những thắng lợi có tính kỳ tích trước những đế quốc hùng mạnh trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước, trước những cơn giận dữ bất thường của thiên nhiên mà chính là ở chỗ hình thành từ khối cộng đồng những con người mang trong mình ý chí phi thường, sức mạnh đoàn kết vững chắc để vượt qua thử thách. Sự phi thường của truyền thống tạo nên sức mạnh Việt Nam, giúp dân tộc vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, vững bước tiếp tục đi lên.
Xây dựng thương hiệu, tự tin “cất cánh”
Nhìn từ những kết quả đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã vượt qua khó khăn bởi tác động từ khách quan, dịch bệnh để phát triển tương đối mạnh mẽ trên tất cả các phương diện, khi tổng thu nhập quốc dân tăng, kinh tế phát triển ổn định… Chúng ta đã trở thành một đất nước có vị thế trên trường quốc tế, khiến bất cứ người Việt Nam nào cũng đều tự hào.
Những thành quả ấy giống như chúng ta đã kiến tạo xong đường băng, đã tạo dựng ra những cơ sở hạ tầng hiện đại để bước vào thời kỳ cất cánh. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục phát huy hai chữ “tự tin”, đánh giá đúng bản thân mình, tự tin vào sức của mình để thúc đẩy nội lực, tạo thế và lực của đất nước, giữ vững thương hiệu quốc gia.
Giá trị thực của một quốc gia không chỉ tính theo các chỉ số về kinh tế, phát triển mà còn ở giá trị thương hiệu của quốc gia. Những năm qua, thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được gia tăng về giá trị và thứ hạng trên trường quốc tế, được nhiều tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận (theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, tăng 74% giai đoạn 2019 - 2022).
Để đạt được thành công đó, ngoài yếu tố về kinh tế vĩ mô, chính trị, văn hóa, xã hội... còn có vai trò và sự đóng góp của cộng đồng DN. Bởi giá trị thương hiệu và sự thành công trong xây dựng, quản trị phát triển thương hiệu của các DN top đầu là những biến số đầu vào trọng yếu trong quá trình tính toán, thống kê giá trị thương hiệu quốc gia của các tổ chức quốc tế.
Đây là tài sản lớn cả ở phương diện những giá trị vật chất đo đếm được và thương hiệu quốc gia của Việt Nam đang tăng rất cao thể hiện ở việc chúng ta tạo được thế và lực trên trường quốc tế. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi thông điệp khẳng định, xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn và đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, Nhân dân, đặc biệt là cộng đồng DN, doanh nhân. Đây là nguồn lực của từng DN, nhưng cũng là của quốc gia và thương hiệu quốc gia của Việt Nam càng trở nên đắt giá hơn khi tiếng nói, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng có uy tín, trọng lượng, giá trị thuyết phục cao hơn.
Câu chuyện của nội lực cũng không phải chỉ dừng lại ở việc dùng sức mạnh của riêng mình, mà còn là dùng thế mạnh của mình để huy động nguồn lực bên ngoài, theo cách của mình. Chẳng hạn, chúng ta đang rất thành công với ngoại giao cây tre Việt Nam - một trường phái đối ngoại và ngoại giao đặc sắc, độc đáo, đang được nhiều nước bày tỏ sự thán phục. Nhìn riêng trong năm 2023, tiếp tục phát huy thế và lực mới của đất nước, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao đã diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Như những con số thống kê đã được công bố, trong năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.
Trong đó những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden...
Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả. Vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng.
Những thành tựu, con số đó đã là minh chứng cho sự đúng đắn trong việc kết hợp sức mạnh nội lực với sức mạnh quốc tế và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để tạo thế và lực cho đất nước.
Nhìn vào sự phát triển của đất nước hôm nay, mỗi người Việt Nam đều rất lạc quan và tự tin trước tương lai, bởi chúng ta đang huy động tốt nội lực trong các giai đoạn phát triển. Năm 2023 khép lại với những thành quả to lớn mà đất nước đã đạt được, tích lũy thêm các tiềm năng, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy hơn nữa mọi nguồn lực, tạo đà cho năm 2024 bứt phá.
Trước những yêu cầu phát triển cao hơn cả về phát triển kinh tế và nâng cao hơn nữa vị thế - sức mạnh mềm của Việt Nam, truyền thống, khát vọng của dân tộc đưa đất nước đi đến phồn vinh vẫn là một lực lượng, một nguồn sức mạnh nội sinh lớn lao để góp phần tạo thành động lực để chúng ta cất cánh. Đồng thời, sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng, sức mạnh của văn hóa Việt Nam, tố chất đặc biệt của con người Việt Nam, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế, chắc chắn sẽ thực hiện được khát vọng của cả dân tộc, sớm đưa đất nước vào hàng ngũ những quốc gia phát triển trên thế giới, để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”, hiện thực hóa ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu mới giành lại được độc lập.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguon-suc-manh-noi-sinh-dong-luc-de-viet-nam-but-pha.html