Nguồn tăng thu từ thuế thuốc lá góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng
Nguồn thu từ tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, đảm bảo khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là thông tin được công bố tại buổi tập huấn “Vai trò của thuế thuốc lá trong chính sách tài khóa và sức khỏe cộng đồng”, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức, ngày 25/2, tại Hà Nội.
Trì hoãn tăng thuế sẽ trầm trọng thêm tình trạng hút thuốc
Thông tin tại sự kiện, ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe. Để hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó tăng thuế thuốc lá được xem là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.

Các kịch bản về tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Tuy nhiên, quá trình này gặp phải sự phản đối từ ngành công nghiệp thuốc lá, với các lập luận phổ biến như lo ngại về gia tăng buôn lậu hay tác động lũy thoái của thuế đối với nhóm thu nhập thấp. Những can thiệp như vậy đã góp phần duy trì mức thuế thuốc lá tại Việt Nam ở mức gần thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Trong khi các công ty thuốc lá luôn tìm cách trì hoãn việc tăng thuế với các diễn ngôn như nó làm tăng buôn lậu, nhưng thực tế không phải như vậy bởi đã có nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc tăng thuế thuốc lá là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ hút thuốc và các bệnh lý liên quan đến thuốc lá. Sức khỏe người dân là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Khi sức khỏe cộng đồng được bảo vệ, chi phí y tế sẽ giảm, người lao động sẽ khỏe mạnh hơn và có năng suất làm việc cao hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài.
Thống kê cho thấy, tiêu thụ thuốc lá lậu ở Việt Nam ước tính giảm từ 20,7% năm 2012 xuống còn 13,7% vào năm 2017, được xác định là nhờ các nỗ lực tăng cường thực thi chống buôn lậu mạnh hơn. Đây cũng là một trong những giai đoạn mà Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm thuốc lá.
Theo các chuyên gia, thuế TTĐB không chỉ đơn thuần là một công cụ tài chính mà còn là một biện pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm có hại và khuyến khích người dân chuyển sang các lựa chọn tiêu dùng lành mạnh hơn. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng mà còn tạo điều kiện để các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ khác phát triển, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc trì hoãn tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng hút thuốc tại Việt Nam, đặc biệt đối với nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Nghị quyết về việc cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng đã được Quốc hội khóa 15 ban hành nên việc tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá truyền thống là cần thiết để có thể ngăn chặn việc gia tăng tỷ lệ hút thuốc.
Giúp bổ sung nguồn lực để thực hiện các chương trình phát triển bền vững
Bằng cách giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá thông qua việc tăng thuế, Chính phủ có thể giảm gánh nặng chi phí y tế cho quốc gia, giúp các nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển khác.

Ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ nghiên cứu tại sự kiện.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp -Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tăng thuế thuốc lá không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, thậm chí còn góp phần tăng thu ngân sách quốc gia.
Tính toán của WHO cho thấy, với phương án 2 của Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật Thuế TTĐB, nếu năm 2026 tỷ lệ tính thuế là 75% cộng với mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau mức thuế tuyệt đối tăng thêm 1.000 đồng/bao và đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao sẽ giúp giảm 2,9 điểm phần trăm tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020 và đóng góp thêm 21,8 nghìn tỷ đồng tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, cũng theo tính toán của WHO thì để có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, ngoài mức thuế tỷ lệ 75%, mức thuế tuyệt đối cần thiết áp dụng đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao và ngân sách nhà nước có thể tăng thu thêm 29 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, tăng thuế thuốc lá là một phần của chiến lược phát triển bền vững, nơi các chính sách không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế ngắn hạn mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển xã hội trong dài hạn. Nguồn thu từ tăng thuế TTĐB với thuốc lá góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, đảm bảo khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)
Các kịch bản mô phỏng tác động của việc tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá đều cho thấy việc tăng thu thuế TTĐB từ thuốc lá sẽ đảm bảo khả năng chi trả cho các sáng kiến phát triển bền vững (SDG) mới và đặc biệt giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm tỷ lệ bất bình đẳng.
“Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế TTĐB là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Ngoài ra, các nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá còn giúp bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập” - ông Nguyễn Anh Dương khẳng định.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2024 cho biết, chi phí y tế và kinh tế hàng năm của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP (dựa trên số liệu năm 2022). Con số này lớn hơn 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.