Nguồn vật liệu cát sông chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu xây dựng dự án đường cao tốc CT.08

Khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình là nguồn vật liệu cát sông rất khan hiếm, chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu của dự án.

UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức cuộc họp để thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và những giải pháp thực hiện đối với dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định, Thái Bình.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Thái Bình dài trên 33km, với 19 xã của 2 huyện Thái Thụy và Kiến Xương; đoạn qua tỉnh Nam Định dài 27,6km, với 21 xã của 4 huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh và Xuân Trường. Hiện các địa phương của 2 tỉnh đã dự kiến các khu tái định cư cho nhân dân vùng dự án, cắm mốc giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân.

 Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn Nam Định - Thái Bình đi qua địa phận 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn Nam Định - Thái Bình đi qua địa phận 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Về nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án, tổng khối lượng ước tính khoảng trên 13,2 triệu m3. Trong đó, tỉnh Thái Bình cần khoảng 6,85 triệu m3, qua khảo sát, đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng cung cấp nhu cầu dự án trong phạm vi đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình. Nhu cầu cát đắp trên địa bàn tỉnh Nam Định là trên 6,37 triệu m3

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án, khó khăn chủ yếu là nguồn vật liệu cát sông rất khan hiếm, chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu của dự án. Bên cạnh đó, đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải mới triển khai thí điểm cát biển làm nguồn vật liệu đắp, chưa triển khai đại trà trên cả nước.

Việc đưa cát biển làm nguồn vật liệu đắp gặp nhiều vướng mắc, do đó công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi và việc bố trí vốn cho dự án trong năm 2024, 2025 đang gặp khó khăn.

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, tầm quan trọng của dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng và khẳng định mục tiêu quyết tâm khởi công dự án trong năm 2024.

Để thực hiện được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, nhất là trách nhiệm của các bên trong công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại cuộc họp (ẢNh: CTTĐT tỉnh Thái Bình)

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại cuộc họp (ẢNh: CTTĐT tỉnh Thái Bình)

Ngay đầu tuần tới, tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức các đoàn công tác đi làm việc, tham vấn ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc liên quan; đồng thời làm việc với các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình về nguồn mỏ đất, mỏ đá phục vụ dự án.

Đồng thời, phía tỉnh Thái Bình cũng đề nghị tỉnh Nam Định cung cấp thông tin về một số mỏ cát biển đã được cấp phép, trên cơ sở đó khảo sát, đánh giá chất lượng nhằm khai thác nguồn nguyên vật liệu sẵn có phục vụ dự án, phấn đấu đến đầu tháng 9/2024 dự án sẽ được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương của 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng; chủ động phương án hỗ trợ bồi thường tái định cư.

Về phía nhà đầu tư cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong triển khai công việc, kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền những khó khăn vướng mắc để chủ động tháo gỡ, tập trung đẩy nhanh tiến độ công việc.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguon-vat-lieu-cat-song-chi-dap-ung-duoc-10-20-nhu-cau-xay-dung-du-an-duong-cao-toc-ct08-post309092.html