Nguồn vốn chảy vào năng lượng sạch

Các dự án năng lượng sạch ngày càng thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng chủ động nhiều phương án huy động vốn để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, khi Chính phủ và các doanh nghiệp đang nỗ lực chung tay hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Việt Nam thu hút nguồn vốn lớn cho năng lượng sạch

Gần đây, Clime Capital, công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Singapore chuyên thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp và Nami Distributed Energy (Nami) đã công bố khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Quỹ Năng lượng Sạch Đông Nam Á II (SEACEF II) do Clime Capital quản lý.

Khoản đầu tư này nhằm thúc đẩy Nami, công ty năng lượng sạch có trụ sở tại TP.HCM và Hà Nội tăng trưởng nhanh và gia tăng tác động tích cực đối với các doanh nghiệp tại Việt Nạm.

"Khoản đầu tư quan trọng này tạo ra lợi ích kép, vừa phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo cạnh tranh, vừa thúc đẩy tiến trình trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam", ông Mason Wallick, Giám đốc Điều hành Clime Capital chia sẻ.

 Nami Distributed Energy là một doanh nghiệp Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời mái nhà, pin lưu trữ, tiết kiệm điện cho khách hàng thương mại và công nghiệp. Ảnh: Nami.

Nami Distributed Energy là một doanh nghiệp Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời mái nhà, pin lưu trữ, tiết kiệm điện cho khách hàng thương mại và công nghiệp. Ảnh: Nami.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC Vietnam và Leader Energy (Malaysia) - công ty con của HNG Capital, vừa ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 593 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng mặt trời của Leader Energy tại Việt Nam.

Thỏa thuận này đánh dấu giao dịch thứ hai với Leader Energy tại Việt Nam của HSBC, tiếp nối giao dịch tài trợ cho một nhà máy thủy điện trong năm 2017.

Khoản vay sẽ được dùng để hỗ trợ tái cấp vốn cho Vĩnh Hảo 6 (VH6), một nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW ở Bình Thuận do Leader Energy mới mua lại.

Dự án đi vào vận hành thương mại từ 2019, toàn bộ doanh thu đến từ hoạt động bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá 9,35 cent/kWh theo cơ chế giá mua bán điện hỗ trợ (FIT) trong Hợp đồng mua bán điện PPA kéo dài 20 năm. Dự án có sản lượng 83.000 MWh, qua đó giúp cân bằng phát thải 75.131 tấn CO2/năm.

Có thể thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang rất nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi các dự án này luôn đòi hỏi số vốn lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Đơn cử với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - doanh nghiệp đầu ngành đang dẫn dắt ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Bình đã chia sẻ với cổ đông tại Đại hội thường niên hồi cuối tháng 5 vừa qua về việc đang xây dựng kế hoạch tăng vốn sau năm 2025.

"Công ty có kế hoạch thực hiện các dự án lô B, nâng cấp Thị Vải, LNG Sơn Mỹ... với tổng vốn đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, nên sẽ cân đối các nguồn để có hiệu quả nhất. PV GAS cũng có đợt tái cấu trúc vay nợ từ USD sang VND để hạ chi phí tài chính. Hiện lãi suất vay vốn của tổng công ty rất thấp và hiện có đủ vốn đầu tư cho các năm tiếp theo", ông Bình cho biết.

Thực tế riêng với dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, PV GAS đã ký kết thỏa thuận liên doanh thành lập và vận hành với Tập đoàn AES (Mỹ) từ năm 2021. Trong đó, PV GAS giữ 61% vốn điều lệ, AES nắm 39%. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD, nhằm tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và 2, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.

 Lãnh đạo PV GAS và Tập đoàn AES (Mỹ) đã có buổi làm việc cấp cao về kế hoạch triển khai dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và một số hợp tác trong tương lai. Ảnh: PV GAS.

Lãnh đạo PV GAS và Tập đoàn AES (Mỹ) đã có buổi làm việc cấp cao về kế hoạch triển khai dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và một số hợp tác trong tương lai. Ảnh: PV GAS.

Cũng tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 vừa qua, PV GAS đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong khoảng quý II-IV năm nay bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 2%.

Khối lượng phát hành tối đa 45,9 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên khoảng 23.420 tỷ đồng, nhằm đảm bảo cân đối cơ cấu giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu cũng như tương xứng với quy mô sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư.

Trước đó, trong năm 2023, Tổng công ty cũng đã thành công phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20%, nâng vốn điều lệ từ 19.139 tỷ đồng lên 22.967 tỷ đồng.

Hàng nghìn tỷ USD đầu tư cho năng lượng sạch khắp toàn cầu

Những thương vụ huy động vốn thành công vừa qua đã cho thấy tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam nhờ các điều kiện tự nhiên thuận lợi cũng như cam kết của Chính phủ đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Sau khi đưa ra cam kết tại COP26, Việt Nam hướng tới thúc đẩy mạnh mẽ hơn về chuyển dịch năng lượng bởi ngành này chiếm hơn một nửa phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cũng mang đến tiềm năng thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đang không ngừng phát triển.

Thực tế, năng lượng sạch đang là "thỏi nam châm" hút vốn khắp toàn cầu. Theo báo cáo mới phát hành của Công ty Tài chính Năng lượng mới Bloomberg (BNEF), tổng chi tiêu đầu tư vào chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu năm 2023 đã tăng 17% lên gần 1.800 tỷ USD. Đây là con số tăng trưởng hàng năm cao nhất trong lịch sử.

Tổng chi tiêu này bao gồm các khoản đầu tư để lắp đặt năng lượng tái tạo, điện hóa giao thông, xây dựng hệ thống sản xuất nhiên liệu hydro và triển khai các công nghệ sạch khác.

Nếu tính thêm các khoản đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch với nguồn tài trợ tổng cộng 900 tỷ USD thì tổng vốn rót vào năng lượng sạch trong năm 2023 đạt khoảng 2.800 tỷ USD.

Khoản chi tiêu kỷ lục trên cho thấy tính cấp thiết của hành động chống lại biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan trên toàn cầu. Tuy nhiên, BNEF cho rằng thế giới cần đầu tư nhiều hơn gấp đôi vào công nghệ sạch để đạt được mục tiêu Net Zero vào giữa thế kỷ này.

 Chuyên gia cho rằng thế giới cần đầu tư nhiều hơn gấp đôi vào công nghệ sạch để đạt mục tiêu Net Zero vào giữa thế kỷ này. Ảnh minh họa: PV GAS.

Chuyên gia cho rằng thế giới cần đầu tư nhiều hơn gấp đôi vào công nghệ sạch để đạt mục tiêu Net Zero vào giữa thế kỷ này. Ảnh minh họa: PV GAS.

Tại Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero diễn ra cách đây vài ngày, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Đơn cử, một số báo cáo gần đây cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, tổng công suất điện gió tăng từ 538 MW lên thành 5.059 MW; điện mặt trời tăng từ 8.852 MW lên khoảng 16.568 MW...

Trên cả nước đã hình thành loạt dự án điện sinh khối, đạt khoảng 523 MW, Việt Nam đã thúc đẩy tổng công suất các loại năng lượng tái tạo toàn hệ thống tăng từ 15,6% năm 2020 lên khoảng 27,1% vào năm 2023.

Lương Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-von-chay-vao-nang-luong-sach-post1485873.html