Nguồn vốn 'rẻ' của ACBS

Đẩy mạnh cho vay ký quỹ, ACBS cũng tái cấu trúc nguồn vốn huy động, giảm phụ thuộc vào các khoản vay nhà đầu tư. Hoạt động tự doanh và đầu tư của công ty chứng khoán này cũng có nhiều chuyển động đáng chú ý.

Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa công bố báo cáo tài chính bán niêm năm 2023 đã kiểm toán, trong đó ghi nhận khoản lãi sau thuế 204,9 tỉ đồng. Cùng kỳ năm trước, ACBS báo lỗ 9,3 tỉ đồng.

Mảng tự doanh là ‘điểm sáng’ trong kết quả kinh doanh của ACBS trong 6 tháng đầu năm 2023, với khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 273 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ riêng ACBS, mảng tự doanh giúp nhiều công ty chứng khoán báo lãi khủng trong nửa đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các công ty chứng khoán đánh giá lại danh mục đầu tư, khi giá cổ phiếu trong danh mục phục hồi, theo sự khởi sắc chung của thị trường. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng các công ty chứng khoán thực sự hiệu quả trong hoạt động tự doanh.

Ở ACBS, tại thời điểm đầu năm 2023, giá gốc danh mục tài sản tài chính ghi nhận theo FVTPL đạt 676,8 tỉ đồng, trong khi giá trị hợp lý ở mức 488,6 tỉ đồng, tương ứng, công ty chứng khoán này ‘tạm lỗ’ 188,2 tỉ đồng.

Đến cuối quý 2/2023, giá gốc danh mục tài sản tài chính ghi nhận theo FVTPL của ACBS tăng lên mức 832,3 tỉ đồng, song chênh lệch với giá trị hợp lý đã được thu hẹp đáng kể, về mức 78,2 tỉ đồng.

Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của ACBS là cổ phiếu BTS của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn với giá gốc tại ngày 30/6/2023 ở mức 96,5 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị hợp lý của số cổ phiếu BTS này chỉ ở mức 45,7 tỉ đồng, tương ứng với việc ACBS tạm lỗ hơn 50% đối với khoản đầu tư này.

Trong kỳ, ACBS đã bán ra toàn bộ cổ phiếu POW. Ở hướng ngược lại, công ty chứng khoán này gom mạnh cổ phiếu STB, FPT, SSI và CTG. Đáng chú ý, STB cũng là cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục tài sản cơ sở mà ACBS nắm giữ cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền, với giá gốc ở mức 94,1 tỉ đồng.

Mặt khác, ở thời điểm 30/6/2023, ACBS còn ghi nhận các khoản đầu tư tại CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam và CTCP Bất động sản Hòa Phát – Á Châu, với tỉ lệ sở hữu lần lượt ở mức 10,2% và 10,16%. Cả 2 khoản đầu tư này bắt đầu được ACBS ghi nhận ở thời điểm cuối năm ngoái, với giá gốc ở mức 61,9 tỉ đồng.

Nguồn vốn ‘rẻ’ của ACBS

Về nguồn vốn, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của ACBS tăng hơn 1.400 tỉ đồng so với đầu năm, đạt mức 2.745,8 tỉ đồng (tại ngày 30/6/2023). Trong đó, dư nợ tại BIDV đạt 890 tỉ đồng (lãi suất từ 5,3-6,75%/năm); Vietcombank đạt 620 tỉ đồng (lãi suất 6,7%/năm); VietinBank đạt 450 tỉ đồng (lãi suất 6,7-7%/năm).

Tăng vay tại các nhà băng, ACBS giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các nhà đầu tư.

Nên biết, ở thời điểm cuối năm 2022, dư nợ vay các nhà đầu tư của ACBS lên tới 797,9 tỉ đồng, chiếm hơn 59% dư nợ vay ngắn hạn. Các khoản vay này có mức lãi suất từ 7,5-8%/năm, tương đối ‘mềm’ so với mặt bằng chung của thị trường thời điểm đó. Tính đến ngày 30/6/2023, số dư các khoản vay này giảm xuống chỉ còn 150,8 tỉ đồng.

ACBS đang áp dụng mức lãi suất vay 14%/năm cho các tài khoản giao dịch ký quỹ (margin). Trong khi đó, nếu sử dụng sản phẩm giao dịch ký quỹ T14 (Margin T14), khách hàng của ACBS sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8%/năm trong 14 ngày đầu tiên của khoản vay. Từ ngày 15 trở đi, khoản vay sẽ được áp dụng mức lãi suất 15%/năm.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ cho vay margin của ACBS tăng 1.465 tỉ đồng so với đầu năm, đạt mức 3.444 tỉ đồng, chiếm 47% tổng tài sản. Trong kỳ, ACBS ghi nhận 133,1 tỉ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu. Đây cũng là nguồn doanh thu hoạt động lớn thứ hai của ACBS trong nửa đầu năm 2023, sau khoản lãi từ đánh giá lại các tài sản tài chính trong danh mục tự doanh./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nguon-von-re-cua-acbs-post169151.html