Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo

Đó là thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ diễn ra vào sáng ngày 29/12 dưới sự điều hành của các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH.

Đó là thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ diễn ra vào sáng ngày 29/12 dưới sự điều hành của các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH.

Tại điểm cầu Hà Nam, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh…

Theo báo cáo của NHCSXH, qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 đạt nhiều thành tựu nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn, giải pháp sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280.000 tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua, thuê mua hơn 29.700 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid -19…

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã phân tích, làm rõ hơn về kết quả đạt được cũng như những mặt hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78. Trong đó, tập trung vào một số nội dung: Vai trò, hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách trong thực hiện công tác giảm nghèo; giải pháp huy động nguồn vốn, thực hiện quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại các địa phương; kinh nghiệm trong hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống NHCSXH, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện cômg bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu – nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách chính là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình ủng hộ, công đồng quốc tế đánh giá cáo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Để đạt mục tiêu, phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định lâu dài, bền vững, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, NHCSXH cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tậm: Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW của ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch xã; duy trì, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách; chủ động thực hiện việc huy động, đa dạng hóa nguồn vốn; làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực, thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng cho vay, mức vay, đáp ứng yêu cầu của người dân trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng CSXH.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, thực hiện tốt chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Các cấp, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/nguon-von-tin-dung-chinh-sach-ho-tro-gan-6-3-trieu-ho-gia-dinh-vuot-qua-nguong-ngheo-90724.html