Ngưỡng cửa hướng tới hòa bình

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon đã chính thức có hiệu lực từ 4 giờ sáng ngày 27.11 (theo giờ địa phương) sau khi cả hai bên chấp nhận một thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian. Thỏa thuận mở đường cho việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 14 tháng khiến hàng nghìn người thiệt mạng; đồng thời hướng tới việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch giữa Israel và Hezbollah.

Khép lại 14 tháng xung đột

Theo thỏa thuận, Israel sẽ dần dần rút quân khỏi miền Nam Lebanon trong vòng 60 ngày, kể từ ngày 27.11. Trong khi đó, Hezbollah chấm dứt hiện diện vũ trang ở khu vực sông Litani cách biên giới với Israel khoảng 29km. Litani là con sông quan trọng nhất Lebanon, cách Thủ đô Beirut khoảng 70km về phía Nam và cách biên giới Israel 30km về phía Bắc. Khi Hezbollah rút đi, quân đội Lebanon sẽ được triển khai tới khu vực bờ phía Nam sông Litani, động thái sẽ giúp tạo một vùng đệm dọc biên giới Israel. Quân đội Lebanon sẽ quản lý vùng lãnh thổ sát biên giới với Israel nhằm bảo đảm Hezbollah không tái xây dựng cơ sở hạ tầng tại đó. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, quân đội Lebanon và một ủy ban đa quốc gia sẽ được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Hezbollah.

 Thủ đô Beirut, Lebanon sau cuộc không kích của Israel ngày 26.11. Ảnh: Reuters

Thủ đô Beirut, Lebanon sau cuộc không kích của Israel ngày 26.11. Ảnh: Reuters

Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, kết thúc những cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thủ tướng lâm thời Lebanon Najib Mikati, hai bên đều thông báo chính phủ của họ đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Theo đó, nội các an ninh của Israel thông qua thỏa thuận với tỷ lệ 10 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

Lệnh ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron làm trung gian. Theo tuyên bố chung, lệnh ngừng bắn “sẽ tạo điều kiện để khôi phục lại sự bình yên lâu dài và cho phép người dân ở cả hai nước trở về nhà an toàn ở cả hai bên Đường giới tuyến xanh”. Tổng thống Joe Biden khẳng định: “Thỏa thuận được xây dựng để chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. Những gì còn lại của Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác sẽ không được phép đe dọa an ninh của Israel một lần nữa”.

Mỹ và Pháp tuyên bố sẽ nỗ lực “bảo đảm thỏa thuận này được triển khai, thực thi một cách đầy đủ và duy trì quyết tâm ngăn chặn cuộc khủng hoảng này biến thành một vòng xoáy bạo lực khác”. Tuy vậy, thỏa thuận này không liên quan đến các hoạt động đang diễn ra của Israel tại Gaza.

Thế giới kỳ vọng

Tin tức về thỏa thuận ngừng bắn giữa Hezbollah và Israel nhận được sự hoan nghênh từ các lãnh đạo thế giới, hứa hẹn chấm dứt cuộc xung đột ở Lebanon trong nhiều thập kỷ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi biến thỏa thuận ngừng bắn này thành “một giải pháp chính trị lâu dài”, đồng thời nhấn mạnh Anh và các đồng minh sẽ tiếp tục giữ “vị trí tiên phong trong nỗ lực phá vỡ vòng xoáy bạo lực kéo dài” để đạt được một nền hòa bình “dài hạn, bền vững” tại Trung Đông.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng bày tỏ “hy vọng rằng thỏa thuận này có thể chấm dứt bạo lực, sự tàn phá và đau khổ mà người dân ở cả hai quốc gia đang phải chịu đựng”. Ông Guterres kêu gọi các bên thực hiện ngay các bước nhằm triển khai đầy đủ Nghị quyết 1701 của Liên Hợp Quốc từng chấm dứt vòng xung đột đẫm máu giữa Hezbollah và Israel vào năm 2006.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết, Chính phủ Thụy Điển hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, cũng như đánh giá đây là một bước quan trọng hướng tới hòa bình. Ông cho biết thêm, để đạt được sự ổn định và hòa bình lâu dài trong khu vực, việc ngừng bắn ở Gaza cũng là điều cấp thiết, và Chính phủ Thụy Điển sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này”.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof bày tỏ sự vui mừng khi nhờ nỗ lực của Mỹ và Pháp, Israel và Hezbollah đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Ông cho rằng: “Điều quan trọng là các bên phải cam kết thực hiện thỏa thuận này ngay bây giờ để giảm căng thẳng và người dân ở cả hai phía biên giới có thể trở về nhà an toàn. Một lệnh ngừng bắn cũng rất cần thiết ở Gaza để tạo điều kiện giải thoát tất cả con tin, tăng cường tiếp cận viện trợ nhân đạo và giảm bớt bạo lực trong khu vực”.

Những nghi ngại

Thỏa thuận ngừng bắn mở ra hy vọng cho thường dân Lebanon cũng như cho người Israel. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel, hàng triệu người đã phải trú ẩn trong bối cảnh Hezbollah bắn tên lửa hàng ngày. Song, vẫn còn nhiều câu hỏi về lệnh ngừng bắn có thể kéo dài trong bao lâu. Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sẵn sàng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, nhưng sẽ có hành động quân sự để đáp trả bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận. Điều mà các bên liên quan lo ngại có thể làm bùng phát lại xung đột.

Lần gần nhất Israel và Hezbollah đối đầu trong một cuộc chiến lớn là vào năm 2006, cuộc đụng độ kéo dài 34 ngày khiến hơn 1.000 người Lebanon và 150 người Israel thiệt mạng trước khi kết thúc bằng lệnh ngừng bắn được quốc tế hậu thuẫn. Trong nhiều năm, hai bên đã tuân thủ một lệnh ngừng bắn mong manh này, vì cả hai đều chuẩn bị cho viễn cảnh một cuộc xung đột lớn không thể tránh khỏi.

Và vào tháng 10 năm ngoái, Hezbollah bắt đầu tấn công Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và châm ngòi cuộc chiến ở Gaza. Israel đáp trả bằng cách liên tục ném bom Lebanon và sơ tán hàng chục nghìn thường dân Israel khỏi các cộng đồng biên giới. Các cuộc tấn công ở cả hai bên tăng dần. Sau đó, trong hai tháng qua, Israel đã thực hiện cuộc tấn công làm nổ hàng nghìn máy nhắn tin và radio nhằm vào các thành viên Hezbollah trên khắp Lebanon, ám sát thủ lĩnh Nasrallah và các lãnh đạo khác trong các cuộc không kích lớn và tiến hành một cuộc xâm nhập trên bộ để san phẳng các công trình mà Israel cho rằng do Hezbollah sử dụng. Trong khi các chiến binh Hezbollah tiếp tục bắn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, kích hoạt còi báo động không kích trên khắp cả nước, thương vong ở hai phía chênh lệch một cách rõ rệt.

Do đó, một số ý kiến cho rằng, lệnh ngừng bắn này dường như chỉ tạo tiền đề cho một cuộc chiến khác với Hezbollah sau vài năm nữa.

Tạo đà cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Lebanon có thể “mở ra con đường” chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cho biết, người dân ở dải Gaza cũng xứng đáng có một tương lai an ninh và thịnh vượng, họ đã phải chịu đựng quá nhiều và Hamas đã từ chối đàm phán một lệnh ngừng bắn thiện chí và một thỏa thuận về con tin trong nhiều tháng liền”. Trong những ngày tới ông Joe Biden sẽ “tiếp tục thúc đẩy thêm một lần nữa với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar và Israel để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza”.

Ngoại trưởng Anh David Lammy, cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và nói rằng: “Chúng ta phải nắm bắt thời điểm này và tạo động lực hướng tới một nền hòa bình lâu dài trên khắp Trung Đông”. Trong cuộc gặp gỡ báo chí vào sáng ngày 27.11, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết, nước này hoan nghênh lệnh ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và Hezbollah và hy vọng đây sẽ là chất xúc tác cho một lệnh ngừng bắn tương tự sẽ được triển khai ở dải Gaza.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguong-cua-huong-toi-hoa-binh-post397650.html