NGƯT, TS Tôn Quang Cường: Hành trình hơn 20 năm dấn thân cùng Công nghệ giáo dục

'Sinh viên của chúng tôi phải có nhiều 'nhà': nhà giáo, nhà khoa học, nhà công nghệ giáo dục!', NGƯT, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường chia sẻ.

Giữ vai trò Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi đào tạo thế hệ nhà giáo dục mới, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường là một chuyên gia trong lĩnh vực phương pháp giảng dạy, với nhiều năm kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học và theo đuổi nghiên cứu các công nghệ giáo dục mới cũng như những vấn đề của công nghệ và xã hội.

Với những đóng góp, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý trong suốt hơn 20 năm, mới đây, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 613/QĐ-CTN ngày 27/6/2024 phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

"Xã hội hiện đại, thông minh hiện nay rất cần một tư duy mở về giáo dục suốt đời, cho mọi người và cho mỗi người! Và trong quá trình đó có vai trò rất lớn của công nghệ giáo dục", Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường khẳng định. Chính triết lý này đã trở thành “kim chỉ nam” hướng dẫn thầy trong mỗi bước đi và quyết định quan trọng trong sự nghiệp của thầy.

Chặng đường hơn 20 năm suy tư và đóng góp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khi được hỏi về cảm xúc khi được nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, thầy Cường bày tỏ: “Tôi cảm thấy một tâm trạng khó tả với nhiều cung bậc cảm xúc trào dâng, vinh dự, tự hào và biết ơn với tất cả những gì chân thành nhất xuất phát từ đáy lòng”.

Song, thầy Cường cho rằng: “Cũng như tôi, ở ngoài kia, vẫn còn rất nhiều nhà giáo, đồng nghiệp bằng những công việc cụ thể của mình đang hàng ngày cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục chung. Và tất cả trong số họ, chẳng ai làm việc say mê, trách nhiệm hết mình với giáo dục chỉ để mưu cầu được một danh hiệu nào đó!”.

Hiện là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Cường không chỉ là một chuyên gia về phương pháp giảng dạy mà còn là người luôn tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giáo dục mới.

 Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, Tiến sĩ Tôn Quang Cường đã sớm nhận thức được trách nhiệm và niềm tự hào của mình khi được đóng góp, thực hiện những nhiệm vụ của nghề “trồng người”.

Sau một thời gian dài học tập và làm việc ở Liên Xô (trước đây), được đào tạo bài bản trong lĩnh vực Ngữ văn và sư phạm tại Trường Đại học Tổng hợp Sư phạm Quốc gia Voronezh, khi trở về nước, thầy Tôn Quang Cường quyết định lựa chọn đầu quân vào Khoa Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, nay là Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với một tinh thần phấn khởi và hào hứng trước mô hình mới tiên phong trong đào tạo giáo viên của Khoa Sư phạm thời bấy giờ, thầy nhận thấy chính trong mô hình giáo dục này, sinh viên sư phạm có được cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp vô cùng thuận lợi. Cụ thể, trong quá trình đào tạo tại nhà trường, sinh viên có cơ hội được học tập, nghiên cứu trong môi trường học thuật hàng đầu với các nhà giáo dục, nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cũng từ đó, triết lý đào tạo giáo viên của thầy Cường vào thời điểm này được gói gọn trong một từ “nhúng” với đầy đủ các giá trị: Người học cần được nhúng vào môi trường học tập có ý nghĩa nhất, vào thực tế sinh động nhất, vào các vấn đề chính yếu nhất của giáo dục. Đặc biệt, dù người học làm gì hay ở đâu, thì cũng phải luôn được nhúng vào “chất giáo viên” nhất có thể.

Thầy bộc bạch mọi thứ lúc đó ở Khoa Sư phạm đều rất mới mẻ. Những bước khởi đầu từ mô hình đào tạo giáo viên, chương trình đào tạo, các vấn đề về quản trị đại học và công nghệ giáo dục càng khiến tôi bỡ ngỡ. Chính điều này cũng là một “điểm kích hoạt”, thôi thúc các giảng viên của Khoa Sư phạm thời đó luôn phải tìm tòi nghiên cứu, đổi mới và cực kỳ năng động trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của mình.

“Suy nghĩ thời đó của tôi cũng rất đơn giản, bản thân phải làm thế nào để nhận diện được đúng điểm nghẽn, tạo ra được những đột phá mới giúp cho các thế hệ sinh viên - nhà giáo tương lai - có thể thực sự vững vàng về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, làm thế nào để dần tạo được vị thế và “danh tiếng” cho sinh viên tốt nghiệp của nhà trường.

Hay nói nôm na là sinh viên của chúng tôi phải có nhiều “nhà”: nhà giáo, nhà khoa học, nhà công nghệ giáo dục!”, Tiến sĩ Tôn Quang Cường hóm hỉnh chia sẻ.

Trong quá trình suy nghĩ, tìm tòi phương án thực hiện, thầy Cường nhận được rất nhiều lời động viên, tạo điều kiện và khuyến khích của Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp; Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích với rất nhiều quan điểm cởi mở, hiện đại và cập nhật từ nhiều trường phái giáo dục khác nhau.

“Đặc biệt, câu chuyện về “công nghệ giáo dục” mà hồi đó chúng tôi chỉ gọi là “công nghệ dạy học” đã được bắt nguồn từ sau buổi trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp. Ông chính là người đã truyền cảm hứng cho tôi chỉ với vài từ khóa, chỉ dẫn và những ví dụ đơn giản nhưng rất thấm thía”, thầy Cường cho hay.

Kỷ niệm đáng nhớ

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian hơn 20 năm làm nghề của mình, Tiến sĩ Tôn Quang Cường gợi lại một buổi hội thảo khá thú vị bàn về đổi mới phương pháp dạy học được tổ chức cách đây cũng đúng 20 năm:

“Khi mới trở về Việt Nam, tôi còn khá ngỡ ngàng với thực tế giáo dục ở nước ta. Có lần tôi được mời tham gia một buổi hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học, tôi đã phản ứng gay gắt trước một ý kiến cho rằng phương pháp “đọc chép” rất tệ hại. Bởi lẽ, tôi cho rằng phương pháp đó tự thân nó không có lỗi, nhất là khi quy chụp kết quả đầu ra là do phương pháp.

Hơn nữa, tên gọi của phương pháp cũng không thể kết luận lên được điều gì cả. Quan trọng nhất vẫn là ở người dạy! Khi chúng tôi được đào tạo ở Nga, các giáo sư vẫn thường xuyên sử dụng phương pháp đọc bài giảng đấy thôi. Tuy nhiên, bên cạnh đó là hàng loạt những yêu cầu, nhiệm vụ và hoạt động khiến cho người học không chỉ đơn thuần “chép” một cách máy móc.

Sau này, tôi mới nhận ra rằng “chép sâu, chép thông minh” để tiếp thu theo cách riêng của mình cũng là một kĩ năng cực kì hiệu quả. Chính điều này đặt ra bài toán ngược lại cho chính người dạy là làm thế nào để hỗ trợ người học tiếp thu kiến thức một cách thông minh và có ý nghĩa cho chính bản thân họ, đặc biệt trong bối cảnh mà “công nghệ chép” đang ngày càng phát triển”.

Từ đó, nhiều ý tưởng về phương pháp dạy học ra đời. Các ứng dụng về kỹ thuật, công nghệ cũng được thầy Cường suy nghĩ, nghiên cứu và áp dụng trong quá trình giảng dạy.

 Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường không chỉ là một chuyên gia về phương pháp giảng dạy mà còn là người luôn tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giáo dục mới.

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường không chỉ là một chuyên gia về phương pháp giảng dạy mà còn là người luôn tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giáo dục mới.

Qua quá trình đào tạo giáo viên, Tiến sĩ Tôn Quang Cường luôn trăn trở đi tìm lời giải đáp cho vấn đề làm thế nào để biến quá trình dạy học thành quá trình tự tìm tòi khám phá của người học, với mỗi nội dung dạy học nên trình bày làm sao cho sinh động, thuyết phục, tạo được cảm xúc và truyền cảm hứng đến người học.

Bản thân thầy cũng luôn tìm tòi mọi cơ hội để trau dồi kỹ năng, tự mày mò, nghiên cứu, thu thập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp nước ngoài cũng như các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình giáo dục, trong đó có công nghệ giáo dục.

“Không có một bài giảng nào tốt đến mức không thể làm cho nó tốt hơn được nữa” hay “Cách chúng ta sử dụng phấn tốt nhất là hãy trao viên phấn đó cho học trò” luôn là những chia sẻ của Tiến sĩ Tôn Quang Cường với các thế hệ sinh viên sư phạm.

Thầy đã thành công trong việc áp dụng các công nghệ mới trong quá trình dạy học, trở thành “truyền nhân” của 2 giáo sư chủ thuyết sư phạm tương tác là Jean-Marc Denomme và Madeleine Roy, chuyển giao thành công tiếp cận dạy học dựa trên dự án của Intel (mà sau này được áp dụng khá rộng rãi trong thực tế giáo dục).

Đặc biệt, thầy cùng với một số đồng nghiệp của Khoa Sư phạm thời bấy giờ đạt được thành công Chứng chỉ hành nghề giáo viên quốc tế do Cambridge CIE cấp (có giá trị tại hơn 150 nước sử dụng Chương trình giáo dục của Đại học Cambridge).

 Sinh viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sinh viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tư duy đổi mới về công nghệ giáo dục

Theo một cách sâu xa nhất, công nghệ có thể thiết kế nên các nhiệm vụ học tập mang tính kết nối với cuộc sống, tạo cho người học cơ hội tư duy và hành động dưới các vai xã hội, thúc đẩy hợp tác và giao tiếp, nới rộng không gian học tập, tạo thành một hệ sinh thái trong hoạt động dạy học ở nhà trường và rộng hơn nữa là môi trường giáo dục.

Công nghệ giáo dục cũng sẽ thay đổi cách chúng ta đang dạy học, chuyển từ sư phạm dẫn dắt sang sư phạm “trao và ủy quyền”, “sư phạm tự quyết” của người học. Vì người học do chính họ tự quyết định cách để học hiệu quả, thành công.

Trong quá trình giảng dạy, Tiến sĩ Tôn Quang Cường phát hiện ra một điều thú vị là sinh viên của chúng ta rất chăm chỉ, chịu khó nhưng lại khá thụ động, ít dám chủ động thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình. Mặt khác, các thầy cô của chúng ta dạy rất trách nhiệm, nhiệt tình nhưng giờ học trên thực tế lại chưa hẳn đã “vui”.

Điều này có thể vẫn là "điểm nghẽn" trong công tác giáo dục và đào tạo do bị ràng buộc bởi quá nhiều yếu tố như không gian, thời gian cũng như điều kiện thực hiện chương trình đào tạo. Vấn đề này không phải chỉ cần tư duy dưới góc độ các phương tiện, công cụ, công nghệ hỗ trợ mà còn cần được hiện thực hóa trong mọi khâu, mọi hoạt động của người giảng viên.

“Cá nhân tôi may mắn khi được làm việc trong môi trường giáo dục và đào tạo giáo viên ngay từ đầu, nên tất cả các vấn đề nghiên cứu về công nghệ giáo dục đều được khởi phát từ chính hoạt động của môi trường này. Từ đó, được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo và đồng nghiệp, tôi quyết định dấn thân vào câu chuyện “công nghệ giáo dục” - một lĩnh vực khá mới mẻ ở thời điểm đó”, thầy Cường cho biết.

Tinh thần này được áp dụng và lan tỏa ngay trong những giờ giảng dạy cho sinh viên cũng như những công trình nghiên cứu của ông sau này với 3 định hướng chính: tăng cường khai thác, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, “công nghệ hóa” các vấn đề của giáo dục và coi quá trình tiếp cận khai thác các công nghệ mới chính là một quá trình tự giáo dục rất đặc thù của mỗi cá nhân.

Những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay như năng lực số cho người học, đội ngũ nhà giáo, các mô hình, phương thức giáo dục phi truyền thống, phương pháp dạy học, giải quyết các vấn đề giáo dục trên nền tảng công nghệ số,… đã từng được đặt ra và nghiên cứu từ thời điểm đó.

Đến thời điểm hiện nay, với dấu ấn thành lập của Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở đào tạo đã tạo dựng được danh tiếng và sự ghi nhận của xã hội, của ngành về những đóng góp trong sự phát triển của lĩnh vực công nghệ giáo dục, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh những nghiên cứu và ứng dụng sâu hơn trong lĩnh vực này.

Chương trình cử nhân Quản trị Công nghệ giáo dục, thạc sĩ Quản trị Công nghệ giáo dục, tiến sĩ Lý luận, Phương pháp và Công nghệ dạy học đã và đang góp phần đào tạo ra những nhà giáo dục thế hệ mới, đóng góp nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Theo quan điểm của thầy Tôn Quang Cường, trong bối cảnh giáo dục đổi mới như hiện nay, có lẽ cũng không quá khi nói rằng giáo dục đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong xã hội phát triển, nhất là giáo dục trong nhà trường. Bên cạnh những thứ đã và đang tồn tại vốn khá quen thuộc, thì chúng ta cũng đang chứng kiến những bước đi đột phá của công nghệ giáo dục, khiến con người không thể chỉ bằng lòng và thụ động đi theo cách cũ mà từ chối không tiếp nhận những cái mới!

Trong bối cảnh đó, rất cần những tư duy đột phá trong giáo dục. Vì suy cho cùng, chúng ta đang góp phần tạo ra giá trị cho mỗi con người tham gia vào quá trình này, cho dù là giáo dục chính thức hay không chính thức, giáo dục trong nhà trường hay giáo dục và học tập suốt đời. Vai trò của người dạy, người học trong giáo dục hiện cũng đã đổi khác rất nhiều.

Các mô hình giáo dục phi truyền thống trên những nền tảng công nghệ hội tụ và mới nổi ngày càng phát triển, sự thích ứng mối quan hệ của các thành phần trong quá trình giáo dục, tác động của quá trình chuyển đổi số đến giáo dục mở, dạy học cá nhân hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức.

“Phần lớn hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung chủ yếu cho giáo dục chính thức trong nhà trường, trong khuôn khổ hệ thống đã được quy định. Xã hội hiện đại, thông minh hiện nay rất cần một tư duy mở về giáo dục suốt đời, cho mọi người và cho mỗi người. Và ở đó, công nghệ giáo dục có thể giúp làm được những việc này trong hiện tại và tương lai”, thầy Cường suy tư chia sẻ.

Gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ, đặc biệt là những nhà khoa học, nghiên cứu, công tác về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường chia sẻ:

Hiện nay, công nghệ đang ngày càng phát triển, tạo thêm những sức mạnh mới thúc đẩy cho hoạt động giáo dục, tạo ra những bước đi mạnh mẽ và chất lượng, hỗ trợ nhiều hơn cho mọi người nên chúng ta cần nắm bắt các cơ hội để thực hiện những ước mơ, kỳ vọng và đam mê của bản thân.

Mỗi bạn trẻ hãy tìm cho mình một cách học, một cách phát triển bản thân để gia tăng giá trị cho chính mình. Không cần so bì với ai, với cái gì, bởi quá trình học hỏi để mình lớn lên mỗi ngày vốn luôn đã đủ ngập tràn niềm vui và cơ hội đóng góp cho xã hội theo cách riêng của chính mình rồi!

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngut-ts-ton-quang-cuong-hanh-trinh-hon-20-nam-dan-than-cung-cong-nghe-giao-duc-post244295.gd