Nguy cơ bộc phát bệnh dịch tả heo châu Phi rất lớn

Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra trên địa bàn 40 tỉnh, thành trong cả nước, với 410 xã; tiêu hủy 17.400 con heo (tăng 53,74% so với năm 2023). Riêng tại Trà Vinh, dịch bệnh xảy ra tại 03 hộ nuôi ở 03 xã của huyện Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, với 435 con heo phải tiêu hủy.

Mô hình nuôi heo khép kín, có tường che chắn, ngăn cách... giúp quản lý, hạn chế thấp nhất các mầm bệnh lây truyền từ ngoài vào.

Mô hình nuôi heo khép kín, có tường che chắn, ngăn cách... giúp quản lý, hạn chế thấp nhất các mầm bệnh lây truyền từ ngoài vào.

Đặc biệt, qua lấy mẫu giám sát lưu hành vi-rút DTHCP ngoài môi trường (chợ, cơ sở giết mổ, hộ chăn nuôi…) phát hiện 04/40 mẫu dương tính với vi-rút DTHCP... thời gian tới, khả năng bệnh DTHCP có nguy cơ bộc phát là rất lớn.

Do đặc điểm vi-rút bệnh DTHCP có khả năng lưu tồn lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; kết hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh thường nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học… nên khả năng dịch bệnh có nguy cơ phát sinh và lây lan. Mặc dù hiện nay, ngành nông nghiệp đã triển khai tiêm phòng vắc-xin bệnh DTHCP, tuy nhiên, hiện tỷ lệ đạt còn rất thấp, khoảng 08% (tương đương 11.684 con heo/tổng đàn cần tiêm 146.110 con) nên chưa đảm bảo đủ độ bao phủ tiêm vắc-xin DTHCP theo quy định (từ 80% trở lên).

Ngày 01/8/2024, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Công văn số 3809/UBND-NN về việc đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP theo Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua trao đổi, đồng chí Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: nguyên nhân tỷ lệ tiêm vắc-xin DTHCP thấp là hiện nay, vắc-xin chỉ mới áp dụng tiêm trên đàn heo thịt, giá thành vắc-xin còn cao và thực hiện theo hướng xã hội hóa (người nuôi trả 100% chi phí vắc-xin, công tiêm). Trong khi đó, người nuôi heo muốn bảo hộ trên đàn heo giống, hậu bị; đối với heo thịt do chu kỳ tái đàn ngắn (khoảng 3,5 - 04 tháng là xuất chuồng) nên người dân chưa mạnh dạng trong thực hiện tiêm phòng vắc-xin DTHCP…

Ông Trần Văn Đực, ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Trà Cú cho biết: hiện gia đình nuôi 600 con heo nái sinh sản, trung bình xuất khoảng 5.000 con heo giống/đợt. Ngoài thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin bảo vệ cho heo nái sinh sản; nhưng đối với vắc-xin DTHCL hiện chưa triển khai trên đàn heo sinh sản. Đối với các trang trại, hộ nuôi heo quy mô lớn thì bảo hộ trên đàn heo hậu bị là rất quan trọng, do heo sinh sản thường có chu kỳ nuôi khá dài (với các giai đoạn từ lúc lựa chọn heo hậu bị để nuôi lên heo sinh sản, phối giống, mang thai).

Trong khi đó, bệnh DTHCP khi xảy ra gây thiệt hại gần như 100% cho người nuôi, hiện vắc-xin DTHCP chỉ mới dừng lại ở việc tiêm trên heo thịt. Từ đó, ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ đàn trước mầm bệnh của vi-rút ngay từ giai đoạn đầu của quá trình đưa con giống ra ngoài thị trường…

Nhiều địa phương đang gặp khó khi triển khai tiêm phòng vắc-xin DTHCP, nên tỷ lệ đạt rất thấp; cùng với đó, thời tiết đang vào giai đoạn mưa nên mầm bệnh vi-rút DTHCP ngoài môi trường rất dễ phát tán. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin DTHCP ở các địa phương còn thấp; điển hình như huyện Tiểu Cần chỉ mới đạt 0,5%/tổng đàn cần tiêm; huyện Cầu Kè đạt 16%/tổng đàn cần tiêm (tương đương 5.513 con heo)…

Bà Hà Mỹ Xuyên, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè cho biết: hiện nay, công tác tiêm vắc-xin DTHCP rất khó khăn, do thực hiện xã hội hóa và giá vắc-xin còn cao. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục vận động hộ nuôi thực hiện tiêm phòng khi tái đàn; dự trù nguồn vắc-xin đảm bảo đầy đủ, kịp thời tại trạm để cung ứng khi người dân đăng ký tiêm phòng DTHCP… để đảm bảo công tác phòng, chống bệnh DTHCP đạt hiệu quả, không bộc phát lây lan thành dịch trong thời gian tới.

Theo đồng chí Trần Quốc Việt, tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống DTHCP; Công văn số 3809/UBND-NN… Thực hiện chăn nuôi theo hướng hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh đến từng đối tượng (hộ nuôi, vận chuyển, giết mổ…); người chăn nuôi thường xuyên kiểm tra thể trạng đàn heo và kịp thời khai báo với nhân viên thú y, chính quyền địa phương khi có các triệu chứng bất thường trên đàn heo nuôi.

Thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi-rút ngoài môi trường; thực hiện các đợt tiêu độc, khử trùng nơi chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, trong đó, triển khai đợt II về tiêu độc, khử trùng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động (từ tháng 9 đến tháng 10/2024). Vận động, tuyên truyền người nuôi heo tiêm phòng vắc-xin DTHCP trên đàn heo thịt trong diện tiêm…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nguy-co-boc-phat-benh-dich-ta-heo-chau-phi-rat-lon-39884.html