Nguy cơ bùng dịch sởi vì nguyên nhân bất ngờ

Hiện số trẻ nhỏ mắc sởi ở TP.HCM có xu hướng tăng nhanh, trong đó nhiều trẻ chưa tiêm phòng vaccine sởi.

Theo BS Nguyễn Trần Nam, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), từ đầu năm đến nay, đơn vị có tổng cộng 32 bệnh nhi từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi mắc sởi. Trong đó, trên 90% là trẻ chưa tiêm vaccine, chỉ có 1-2 trường hợp mới tiêm được mũi 1. Một số bệnh nhi có biến chứng viêm phổi.

Trước tình hình sởi diễn biến phức tạp có xu hướng tăng tại TP.HCM, đại diện Sở Y tế địa phương cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng, nhiều trẻ chưa được tiêm đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi. Khi nguồn cung vaccine bắt đầu có trở lại nhưng chưa đầy đủ, TP.HCM đã tiêm bù mũi cho trẻ, tuy nhiên tỷ lệ bao phủ vẫn chưa đạt yêu cầu.

Số trẻ tiêm đủ 2 mũi sởi ở các độ tuổi đều không đạt 95%, mức bao phủ cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, kết quả tiêm chủng những tháng đầu năm 2024 cho thấy có độ trễ, nhất là các mũi sởi đơn lúc trẻ 9 tháng tuổi.

Ngoài TP.HCM, nhiều địa phương tỷ lệ trẻ tiêm chủng vaccine sởi cũng chưa bao phủ hết, có nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp; nhiều phụ huynh quên lịch tiêm chủng của con, tiêm thiếu mũi, thậm chí có những phụ huynh cơ tư tưởng antivaccine... dẫn đến bệnh sởi gia tăng.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng liên tục cảnh báo hậu quả của việc chậm tiêm vaccine do Covid-19, dẫn đến sự bùng phát của nhiều dịch bệnh, trong đó có dịch sởi.

Lý giải về tình trạng thiếu vaccine sởi trong giai đoạn đầu năm, TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Đến cuối năm 2023, Bộ Y tế mới quyết được ngân sách mua vaccine sởi cho năm 2024. Do đó, chúng ta mất khoảng 2 tháng đầu năm 2024 để sản xuất và cung cấp vaccine sởi.

Vì vậy, nguồn cung vaccine bị chậm khoảng 2 tháng đầu năm. Sau đó, vaccine đã được cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêm chủng. Hiện đã có 17/21 triệu liều đã được cấp về trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương.

TS Đức cũng cho biết thêm, Cục Y tế Dự phòng đã yêu cầu các cơ sở rà soát trên cả nước để đánh giá tổng thể về tình hình thiếu vaccine sởi. Từ kết quả đó, sẽ tiêm vét, tiêm bù đủ cho trẻ, không để thiếu bao phủ vaccine sởi dẫn đến tình trạng dịch như WHO cảnh báo.

Theo khuyến cáo BS Nam, phụ huynh không thể trì hoãn việc tiêm vaccine ngừa sởi với trẻ đã đến tuổi. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông, tổ chức những chiến dịch tiêm nhắc vaccine trong cộng đồng cho cả người lớn chưa được tiêm. Hiện tại, vaccine đã có đầy đủ, rộng rãi từ trung ương đến địa phương. Phụ huynh cần chích ngừa ngay cho con em để đảm bảo an toàn, khi chỉ thời gian ngắn là bước vào mùa học mới.

Do trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus sởi. Sau khi đã nhiễm virus, bệnh tiến triển nhanh chóng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng trẻ có thể mắc phải do bệnh sởi đáng lưu ý như viêm não với nguy cơ xuất hiện lên đến 0.1% tổng số trẻ bị sởi; Viêm phổi; Viêm tai giữa; Viêm loét giác mạc, mù lòa; Tiêu chảy, nôn ói nghiêm trọng dẫn đến suy dinh dưỡng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi theo lịch khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1 tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vaccine sởi); Mũi 2 tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella)

Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguy-co-bung-dich-soi-vi-nguyen-nhan-bat-ngo-192240618211224666.htm