Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Mùa hè với thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều là điều kiện để cho một số loại dịch bệnh phát triển như bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyểt… trong đó ngoài dịch sởi đã được khống chế thì bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát cao.

Trẻ em bị bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 18.659 ca mắc tay chân miệng (trong đó có 2 ca tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu) và 8.137 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 4 trường hợp tử vong. Miền Nam hiện đang ghi nhận là khu vực có nguy cơ bùng phát cả bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng cao khi có tới 80,5% số người mắc bệnh trong cả nước.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, hiện toàn thành phố có gần 3.000 ca mắc tay chân miệng, đã có 236/319 xã phường có trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh đã tăng liên tục trong tháng 3 và tháng 4. Nhiều nhất là quận 8, với con số 250 trẻ mắc bệnh trong tháng 4, kế đến là các quận: Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân với gần 200 trường hợp.

Trung tâm y tế dự phòng thành phố cũng dự báo đỉnh dịch bệnh tay chân miệng lần thứ nhất có thể rơi vào tháng 5. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu tính theo chu kỳ bùng phát dịch thì cứ sau 4 - 5 năm, dịch bệnh sẽ quay trở lại.

Như vậy, tính từ thời điểm dịch sốt xuất huyết năm 2009 thì năm 2014 sẽ là thời điểm dịch bệnh này bùng phát lại. Dự báo tiếp tục được đưa ra là khả năng dịch bùng phát sẽ rất cao nếu không quyết liệt thực hiện các phương án phòng chống.

Bệnh Tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn. Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.

Bệnh Tay chân miệng thường các triệu chứng biểu hiện như: Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; một hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét.

Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má; phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da.

Bệnh Tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 - 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng.

Tuy nhiên bệnh cũng có thể diễn biến nặng như: Viêm màng não, viêm não với, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do vi rút EV71 gây ra.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, cho biết, năm 2014 dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh nếu không có các biện pháp phòng bệnh ngay từ đầu mùa. Ðây cũng là năm được cảnh báo dịch sẽ trở lại theo chu kỳ 3 đến 5 năm với số ca mắc tăng cao.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 8.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, các ca bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam (chiếm 83% số mắc). Hiện nay thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) nên số ca mắc bệnh thường tăng nhanh.

Hiện chưa có vắc- xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với sốt xuất huyết, trong khi tại Việt Nam đang lưu hành cả bốn chủng vi-rút gây bệnh. Ðể phòng bệnh, người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng: Diệt bọ gậy, sử dụng các sản phẩm chống muỗi, phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế lo ngại, thời tiết nóng, ẩm và mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch này phát triển.

Trong khi đó, cả hai loại bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Vì vậy nếu không tích cực và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thì nguy cơ thành dịch rất cao.

“Người dân cần lưu ý muỗi đốt truyền sốt xuất huyết còn được gọi là muỗi nhà mua. Chúng đẻ ở môi trường nước trong như: Bể nước, chậu hoa, lọ hoa cây sống đời, bắt nước để sau tủ lạnh... Cần diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Chú ý là muỗi hay sinh sản ở bể nước, các dụng cụ chứa nước như lọ hoa có nước, vỏ lon, vỏ hộp chứa nước…”, ông Phu nói.

Để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới sáu tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Bên cạnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao trong mùa hè này, một số dịch bệnh như viêm não virus (hay còn gọi là viêm não Nhật Bản), bệnh dại và thủy đậu cũng có nguy cơ gia tăng, người dân cần có phương án đề phòng.

Hạ Ly

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nguy-co-bung-phat-benh-tay-chan-mieng-sot-xuat-huyet.html