Nguy cơ bùng phát dịch cúm mùa
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như H1N1, H5N7, H7N9… gây nên. Những chủng virus này rất dễ lây lan nên dễ phát sinh thành dịch bệnh.
Biến chứng nguy hiểm
Khác với trước đây, bệnh nhân mắc cúm A còn có thể xuất hiện những triệu chứng về mặt thần kinh rất nguy hiểm. Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh, tới cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng do mắc cúm A, phải thở oxy, hỗ trợ khí rung, có nguy cơ phải đặt ống nội khí quản, thở máy.
Đáng nói hơn, bệnh nhi này vốn có bệnh nền viêm phổi. Do đó, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp đã khá nặng, cộng thêm cúm A khiến phổi tổn thương nhiều hơn, dẫn đến suy hô hấp tiến triển nhanh.
Còn theo các bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, trong vòng 3 tuần qua, số trẻ mắc cúm A có xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh.
Nói về cúm A, TS. Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, biểu hiện cúm A thường thấy ở trẻ nhỏ là sốt cao liên tục 38,5-39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ăn uống kém, mệt mỏi, một số trường hợp còn có tình trạng co giật.
Tuy nhiên, chuyên gia này thông tin, diễn biến của bệnh cúm A ở thời điểm hiện tại cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Nếu như trước, các bệnh nhân cúm A thường chỉ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên kèm sốt, ngoài ra, không có các triệu chứng về thần kinh, nhưng từ mùa cúm 2019-2020, các cơ sở y tế đã ghi nhận triệu chứng nặng hơn rõ rệt về mặt thần kinh.
TS. Đỗ Thiện Hải nêu ví dụ các trường hợp mắc cúm A tới khám trong khoảng thời gian trên có thêm biểu hiện co giật với tỷ lệ lên tới 45%. Đáng chú ý, khoảng 6% trẻ nhỏ sau khi nhiễm virus cúm A có thêm biểu hiện viêm não.
Tại Việt Nam, vắc-xin cúm mùa được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt, ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch), phụ nữ mang thai, nhân viên y tế.
Theo WHO, tất cả các loại vắc-xin cúm đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc và tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm và virus cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó trẻ em, người lớn rất cần được tiêm vắc-xin cúm nhắc lại hàng năm.
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm thường diễn biến lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục sau khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, nhất là những trường hợp có bệnh nền, cúm A có thể diễn biến nặng hơn, dễ xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi… Do đó, con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh cúm A là qua đường giọt bắn. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, có thể khiến người đối diện lây bệnh.
Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, với các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường. Song, bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không xử lý kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm A do hệ miễn dịch còn yếu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính hàng năm toàn thế giới có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em mắc cúm A hoặc cúm B. Trong mỗi đợt dịch cúm, có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng, 290.000 - 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp.
Bảo vệ sức khỏe bằng vắc-xin
Cứ đến mùa đông - xuân, cúm lại có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Khi có người mắc cúm cần cách ly, làm sạch môi trường, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, đó chưa phải là biện pháp triệt để, mà phòng bệnh bằng vắc-xin mới là biện pháp hữu hiệu, an toàn nhất.
BS. Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, bệnh cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút cúm mới) nhưng theo quy luật nhất định về di truyền. Mỗi năm, chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau nên chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm).
Từ lâu WHO đã thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu). Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông - xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa đông - xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).
Từ việc xác định được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc-xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm).
Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vắc-xin theo mùa đã được khuyến cáo.
Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian, nhưng vì nước ta nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, nên tiêm đúng chủng loại vắc-xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa đông năm nay tới hết mùa xuân năm sau.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguy-co-bung-phat-dich-cum-mua-d201644.html