Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội
Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Ngành y tế khuyến cáo, người dân nên thực hiện các khuyến cáo về phòng chống dịch và chủ quan với SXH. Căn bệnh này có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không điều trị đúng phác đồ.
Xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ vùng ngoại ô
Những ngày gần đây, tình hình dịch SXH trên địa bàn huyện Phúc Thọ đang có diễn biến phức tạp, số ca mắc có dấu hiệu tăng nhanh. Trước tình trạng này, Sở Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH tại địa phương này, ghi nhận 8/21 xã có bệnh nhân SXH với 89 ca mắc. Đáng lưu ý tại xã Tam Hiệp, số bệnh nhân mắc SXH cao nhất là 81 ca.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch hiệu quả, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường phòng chống SXH. Riêng xã Tam Hiệp tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; 2 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, xử lý các ổ dịch SXH.
Còn tại huyện Thanh Oai, tính đến nay đã ghi nhận 8 ổ dịch SXH với 33 trường hợp mắc tại 11/21 xã, thị trấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 (17 ca). Riêng tại xã Thanh Thùy có 18 ca mắc SXH, phân bố tại 4/6 thôn, toàn xã có 2 ổ dịch tại thôn Rùa Hạ (11 ca), thôn Gia Vĩnh (4 ca). Các ổ dịch còn lại trên địa bàn huyện này gồm xã Tam Hưng (2 ổ dịch) và tại một số xã như Phương Trung, Dân Hòa, Kim An, Cao Dương.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn Rùa Hạ, TTYT đã phối hợp với trạm y tế tổ chức nhiều đợt phun hóa chất, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Để phòng, chống dịch bệnh, huyện Thanh Oai đã triển khai các biện pháp như tăng cường công tác điều tra, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh tại tại cộng đồng.
TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa bàn trọng điểm về SXH ở miền Bắc, trung bình mỗi năm ghi nhận 3.000 - 5.000 trường hợp mắc SXH. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có 247 trường hợp mắc SXH, chưa có ca tử vong, số ca mắc giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, năm nay, Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch SXH nhỏ, rải rác, chủ yếu ở ngoại thành. Đơn cử, 3 ổ dịch có nguy cơ bùng phát là tại xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) và xã Khánh Hà (huyện Thường Tín).
Trong khi đó, hiện nay, địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh ổ bệnh SXH. Đặc biệt, tình hình thời tiết năm 2020 rất phức tạp, khắc nghiệt, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt
Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết thêm, để chủ động trong công tác phòng chống SXH, Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức đợt cao điểm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH; tổ chức đợt chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường, phun hóa chất tại các khu vực nguy cơ cao; xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện.
Đáng lo ngại, hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh SXH. Người mắc SXH có thể bị cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh lại giống với các bệnh sốt virus thông thường, do vậy, người dân rất dễ chủ quan không điều trị hoặc tự ý điều trị, khiến bệnh trở nặng.
TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, trong đó paracetamol và các biệt dược của paracetamol là loại được khuyến cáo dùng để hạ sốt, giảm đau trong điều trị SXH. Bệnh nhân không được tự ý dùng những thuốc hạ sốt, giảm đau chống chỉ định với bệnh SXH như aspirin, mefenamic acid, ibuprofen...
Mặc dù những thuốc này có chức năng hạ sốt nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu, khi dùng điều trị SXH sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu, có thể rối loạn đông máu. “Đặc biệt, người mắc SXH không nên tự ý truyền dịch, chỉ nên uống nhiều nước oresol, nước trái cây bù dịch” - TS Cường khuyến cáo.
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tuần gần nhất (tuần thứ 24-2020) có trên 1.500 bệnh nhân SXH nhập viện, tăng 5,7% so với tuần trước đó và số ca mắc bắt đầu gia tăng theo mùa dịch.
Về giám sát thể SXH, hiện type virus D2 đang chiếm ưu thế với trên 52% bệnh nhân SXH ở Việt Nam mắc chủng D2, kế đến là D1 36%, D4 12%, không ghi nhận bệnh nhân nhiễm type virus D3.
Bộ Y tế cho rằng, không thể chủ quan do 5 tuần gần đây khảo sát cho thấy SXH có xu hướng tăng, đặc biệt tại khu vực miền Trung (Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên), TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguy-co-bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-388855.html